Ngành y tế vượt qua nhiều khó khăn giành được những kết quả tích cực

27/09/2019 06:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Ngày 26/9, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo định hướng chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế. 

Hội thảo ghi nhận, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế đã đạt được những kết quả hết sức tích cực thời gian qua.

Điều này cũng đã được ghi nhận tại Nghị quyết 20 của Trung ương năm 2017: Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ngày càng tăng.

Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh.

Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn. Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Lĩnh vực dược, thiết bị y tế có bước tiến bộ. Mô hình kết hợp quân - dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Các chỉ số sức khoẻ, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề đặt ra hiện nay đối với lĩnh vực y tế như việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện; tình hình thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW về Bảo hiểm y tế và các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm công bằng và hiệu quả trong BHYT; việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế; các mô hình quản lý Bảo hiểm y tế; tình hình dịch HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam; tầm quan trọng của ức chế virus HIV đối với người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng; kết quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp  hành Trung ương về lĩnh vực y học cổ truyền; những kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các địa phương…

Theo báo cáo của lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), thời gian qua, việc tự chủ, xã hội hóa trên lĩnh vực y tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Khảo sát của tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng lên 80,8%.

Khẳng định những kết quả này cho thấy ngành Y tế đang thực hiện đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên thông tin: Tổng hợp từ  55/63 tỉnh, thành, thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, ngân sách giảm từ 8.889 tỷ đồng (năm 2018 so với 2015) và nguồn này được chuyển sang hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 562 tỷ đồng.

Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 26 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, giảm được 30.826 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.

Y tế tư  nhân phát triển nhanh về số lượng và quy mô, đến 2018 đã có 206 bệnh viện, trên 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân.

Số người tham gia Bảo hiểm y tế ngày càng tăng, từ 43,76% năm 2009 lên 88,5% năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu  tại Nghị quyết số 68/2013/QH13…

Tuy nhiên, tự chủ, xã hội hóa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề như nhiều bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn còn thiếu nhân lực, trang thiết bị nên khó khăn trong thu hút xã hội hóa, thực hiện tự chủ các hoạt động chuyên môn.

Theo đại diện Bộ Y tế, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ là chủ trương đúng hướng hiện nay, song cũng cần coi chừng rơi vào bẫy “lãng quên” y tế cơ sở.

Hiện nay vẫn chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bệnh viện, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm.

Tại một số địa phương, nhiều đơn vị chưa bảo đảm được chi thường xuyên nhưng vẫn giao tự chủ chi thường xuyên dẫn đến khó khăn trong hoạt động, nhiều định mức chi chưa được quy định hoặc lạc hậu, không phù hợp với thực tế nên khó khăn cho bệnh viện, trình độ quản lý tài chính của nhiều đơn vị còn hạn chế trong giai đoạn chuyển đổi.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Y tế các địa phương đều cho rằng, với chủ trương giao quyền tự chủ cho các bệnh viện đã giúp các bệnh viện tiết kiệm được các nguồn chi thường xuyên và chi lương để chuyển sang lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác khám và chữa bệnh.

Cùng với đó, nguồn nhân lực của các bệnh viện ở các địa phương cũng tốt và chất lượng cao hơn trước; bên cạnh các bệnh viện công, nhiều bệnh viện tư nhân cũng ra đời, qua đó góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên và góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân.

Theo đại diện Sở Y tế Thành phố Hải Phòng, việc thực hiện chủ trương tự chủ đối với các bệnh viện hiện nay là cần thiết. Với chủ trương này, các bệnh viện không những tiết kiệm được các nguồn lực mà qua đó có điều kiện để tập trung đầu tư, nâng cấp, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp; đồng thời từ tự chủ mà thu nhập từ lương của cán bộ, công nhân viên bệnh viện nâng lên, từ đó làm thay đổi phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân; việc mua sắm các trang thiết bị cũng được quyết định nhanh và đáp ứng theo nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh viện…

Tuy nhiên, khi quyền tự chủ được giao cho các bệnh viện, nguy cơ lạm thu, bằng mọi cách để tăng thu dễ phát sinh. Điều này nếu xảy ra sẽ có tình trạng bệnh nhân không đáng nhập viện cũng phải nhập viện hoặc đáng lẽ bệnh nhân này chỉ cần nhập viện ở tuyến dưới nhưng tuyến trên vẫn cho nhập viện… Từ đó sẽ dẫn đến việc quá tải ở tuyến trên và giảm tải ở tuyến dưới.

Cùng với những lo lắng kể trên, đại diện Sở Y tế Hải Phòng cũng cho rằng, chủ trương thực hiện tự chủ rất thuận lợi đối với các bệnh viện tuyến thành phố, song đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện sẽ rất khó khăn, nhất là mô hình kép ghép các bệnh viện hạng 3 với các trung tâm như hiện nay.

Trong khi đó, đại diện Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng bày tỏ, với xu hướng tự chủ hiện nay, liệu xu hướng bệnh tật của người dân có thay đổi, cải thiện được không hay bệnh hằng ngày vẫn tăng lên rất nhiều.

Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia và các nhà quản lý. ảnh: Đình Tăng.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia và các nhà quản lý. ảnh: Đình Tăng.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến xoay quanh những đề xuất về việc nên chăng giao quyền tự chủ cho từng đơn vị, cơ sở trực thuộc bệnh viện theo các nhóm khác nhau, phân định rõ số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước phải thực hiện tinh giảm, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do đơn vị tự chi trả lương từ nguồn thu… cũng được các đại biểu nêu ra.

Đối với các cơ chế, chính sách về lĩnh vực y học cổ truyền, theo nhiều đại biểu: Mặc dù đã được đề cập, quan tâm trong nhiều văn bản của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhưng ứng xử giữa y học cổ truyền và y học hiện đại vẫn còn khoảng cách, bất cập.

Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần có đề xuất thay đổi nhận thức, thể hiện sự quan tâm, mang lại quyền lợi cho người bệnh khi tiếp cận với y học cổ truyền, tăng cường đầu tư đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền...

Nhiều vấn đề cần giải quyết xoay quanh việc sử dụng thuốc y học cổ truyền tại cơ sở khám chữa bệnh và y tế cơ sở, kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, nguồn lực cho y dược cổ truyền, nghiên cứu khoa học và thừa kế trong y dược cổ truyền, tổ chức quản lý bất  cập với thực tiễn.

Vấn đề xã hội hóa và tự chủ là chủ trương lớn của Đảng ta đặt ra từ Đại hội XII và thể hiện trong nhiều Nghị quyết khác. Thời gian qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tăng thu, lạm thu, đẩy vấn đề sang tự chủ quá nhanh, làm khó khăn trong duy trì, phát triển của y tế địa phương…

Cần hoàn thiện sớm pháp luật, minh bạch hóa quá trình quản lý, mặc dù xã hội hóa, tự chủ nhưng Nhà nước vẫn phải đảm bảo tăng đầu tư, cân bằng giữa nhiệm vụ chuyên môn và thu hút tự chủ. Tăng cường chỉ đạo tuyến trên với tuyến dưới, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, để tạo ra sự cân bằng và phát huy tốt hệ thống y tế cơ sở.

Cần tiếp tục ăng cường tuyên truyền về Bảo hiểm y tế bảo đảm tính bền vững, ổn định. Đồng thời, trong triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế thanh toán theo ca bệnh, bảo đảm tính minh bạch, sự phối hợp và tính nhất quán của các cơ quan trong vấn đề Bảo hiểm y tế, giảm bớt gánh nặng với cơ sở y tế, thành lập hệ thống giám định độc lập về Bảo hiểm y tế.

Trúc Diệp