Nghi phạm thực ra đã có quyền im lặng một cách...gián tiếp

16/10/2014 13:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ Luật Tố tụng hình sự đã manh nha thể hiện quyền im lặng: Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được trả lời, chứ không có nghĩa vụ phải trả lời.

Thông tin này được ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho biết tại buổi họp báo quý III của Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (16/10).

Theo ông Dũng, quyền im lặng được nhiều quốc gia ghi nhận trong Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Nghi phạm thực ra đã có quyền im lặng một cách...gián tiếp ảnh 1Quyền im lặng có phải là “hàng mẫu không bán”?

(GDVN) - "Im lặng” là quyền của con người, được tạo hóa ban cho họ nhằm tự bảo vệ mạng sống của mình, thiếu nó có thể dẫn tới án oan, có thể dẫn tới án tử hình.

"Mục đích xác định quyền im lặng là để đảm bảo hai yếu tố: Thứ nhất là giúp cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền trợ giúp pháp lý, nếu như mình không tự bảo vệ được. Thứ hai là ở một góc độ nào đó thì cũng tránh được những hành vi bức cung, nhục hình", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, sau khi vấn đề này được đề cập tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi và nhóm chuyên gia đã tổ chức họp và có nhiều ý kiến khác nhau.

"Chúng tôi đi đến thống nhất và đặt ra câu hỏi: Quyền im lặng, vậy thì im lặng tới khi nào? Chúng ta cần hiểu là im lặng được xác định cho đến khi có người trợ giúp pháp lý (luật sư), chứ không phải im lặng suốt thì sẽ không lấy được cung", ông Dũng cho hay.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, phải hết sức thận trọng khi quy định trực tiếp quyền im lặng vào Bộ Luật Tố tụng hình sự. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, phải hết sức thận trọng khi quy định trực tiếp quyền im lặng vào Bộ Luật Tố tụng hình sự. Ảnh: Ngọc Quang.

Phó Vụ trưởng Trần Văn Dũng cũng đặt ra thêm một câu hỏi: Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện đã manh nha quy định quyền im lặng của người bị tạm giữ tạm giam chưa?

"Qua rà soát, chúng tôi thống nhất với nhau rằng, Bộ Luật Tố tụng hình sự mặc dù không quy định trực tiếp bị can, bị cáo có quyền im lặng, nhưng đã quy định rồi. Thể hiện ở chỗ nào? Thể hiện ở chỗ là có quy định: Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được trả lời, chứ không có nghĩa vụ phải trả lời. Đấy là quyền được thông tin cho cơ quan điều tra biết những thông tin nhằm gỡ tội cho mình, nhưng không bắt buộc.

Như vậy ở một góc độ nào đó, quyền im lặng đã được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, nhưng không quy định trực tiếp", ông Dũng cho biết.

Vậy trong Bộ Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam hiện nay có nên quy định trực tiếp quyền im lặng không?

Ông Trần Văn Dũng cho rằng: "Chúng ta logic lại một chút, quyền im lặng này liên quan rất nhiều đến việc, đó là sự trợ giúp viên pháp lý, trợ giúp của luật sư... Việc một số chuyên gia, một số ý kiến cho rằng cần quy định trực tiếp quyền im lặng thì cần phải bàn thảo rất nhiều, căn cứ trên khả năng đáp ứng trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Ban soạn thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng như nhiều ý kiến khác cho rằng, vấn đề trợ giúp pháp lý hiện có nhiều bất cập: Thứ nhất, đó là số lượng luật sư, trợ giúp viên pháp lý cũng còn có vấn đề. Thứ hai là số lượng luật sư, số lượng trợ giúp viên pháp lý so với số lượng bị can, bị cáo khởi tố hàng năm có một số lượng chênh lệch".

Theo vị Phó Vụ trưởng, vấn đề phân bổ luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong vùng miền cũng khác nhau, do đó nếu quy định thẳng trong Bộ Luật Tố tụng hình sự cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Với thực tiễn Việt Nam hiện nay, theo quan điểm của tôi là phải hết sức cân nhắc, vì chúng ta quy định thì buộc phải thực hiện, mà trong khi đó đội ngũ luật sư phân bổ như vậy thì hết sức phức tạp. Chính vì vậy mặc dù quyền im lặng chưa được đưa ra thành vấn đề lớn để xin ý kiến cơ quan chức năng và thành viên ban soạn thảo, tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề, mặc dù quyền là tốt đất, nhưng trong điều kiện hiện nay thì phải hết sức cân nhắc", ông Dũng nói.

Trước đó, tại phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn khác nhau của dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng 23/9, khi nói về quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị bắt, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, đây là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ, do đó chưa dám đưa vào luật.

Ngọc Quang