Sáng 23/9/2014, tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, khi nói về quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị bắt, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng đây là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ, do đó chưa dám đưa vào luật (Giaoduc.net.vn 23/8/2014).
Đã có “tranh luận chưa ngã ngũ” thì nghĩa là có người/cơ quan ủng hộ, có người/cơ quan phản đối. Câu hỏi đặt ra là phía phản đối dựa vào lý do gì để bác quyền im lặng của nghi phạm, bị can, bị cáo?
Chưa đưa vào luật "quyền im lặng" của nghi phạm
(GDVN) - Dù nhiều nước đã áp dụng, nhưng ở Việt Nam còn nhiều tranh luận nên chưa đưa vào luật...
Giữa nghi phạm và cán bộ điều tra, trong đa số vụ án có một khoảng cách rất lớn về hiểu biết pháp luật, người dân nông thôn, vùng núi thậm chí chưa bao giờ đọc một trang bất kỳ văn bản pháp luật nào. Nói riêng về nghiệp vụ xét hỏi thì chỉ cán bộ điều tra là được học, lĩnh vực này có thể nói gần như toàn dân là “mù chữ”.
Không hiểu pháp luật, không được chuẩn bị trạng thái tâm lý trước những câu hỏi mang tính “cờ chớp”, tính “mồi bẫy” của người hỏi, nghi can (bị can, bị cáo) đương nhiên sẽ trở thành con mồi ngây thơ trước các thợ săn lão luyện. Thực tế cho thấy chưa cần bức cung nhục hình, chỉ với cách hỏi dồn dập các câu hỏi lặp đi lặp lại, người trả lời sẽ không thể nhớ được mình đã trả lời những gì. Sự sai khác giữa các câu trả lời sẽ rất dễ dẫn tới kết luận không thành khẩn khai báo.
Trong cuộc sống có những điều ai cũng nhận ra nhưng không thể khắc phục, chẳng hạn ký liên tục hàng trăm văn bằng cùng một lúc chắc chắn sẽ có sự khác nhau giữa các chữ ký, thấy bị ngứa trên người nhưng dùng ngón tay chỉ vào chỗ ngứa sẽ luôn bị chệch sang bên cạnh vài phân.
Những ví dụ trên cho thấy một sự “bất lực có lý” mà con người nhận thức được nhưng không không phải chắc chắn khắc phục được. Tuy vậy quyền “im lặng” của công dân lại là lĩnh vực hoàn toàn khác với ví dụ nêu cho vui ở trên.
Chuyện nhận thức được rằng “quyền im lặng” là quyền của con người, được tạo hóa ban cho họ nhằm tự bảo vệ mạng sống của mình, thiếu nó có thể dẫn tới án oan, có thể dẫn tới án tử hình nhưng vì còn tranh luận nên chưa đưa vào luật lại là chuyện hiếm thấy trên thế giới.
Bài trên Vietnamnet “Chưa ngã ngũ về quyền im lặng” đã nêu rõ thêm ý kiến của ông Nguyễn Hoà Bình: “hiện tại đang có xung đột lớn về quan điểm, cơ quan điều tra không muốn áp dụng nguyên tắc này còn giới luật sư lại ủng hộ. Ý kiến quá khác nhau nên cơ quan soạn thảo luật Tố tụng hình sự đến giờ vẫn chưa dám đưa vào”. [1]
Nếu chủ trương xây dựng một xã hội pháp quyền, một nhà nước của dân, do dân và vì dân là chủ trương lớn của Đảng thì việc “tạm bỏ” quyền im lặng có còn là do dân và vì dân? Nếu không vì dân thì vì ai, ai hưởng lợi từ việc không đưa quyền này vào luật: cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án hay giới luật sư?
Cơ quan điều tra mà ông Nguyễn Hòa Bình nói ở đây là cơ quan nào, thuộc Bộ Công an hay Viện Kiểm sát? Nếu là cả hai thì đó có phải là quan điểm chính thức của Bộ Công an và Viện Kiểm sát tối cao hay chỉ là quan điểm của hai đơn vị trong hai cơ quan này? Nếu chỉ vì cơ quan điều tra phản đối mà chưa dám đưa “quyền im lặng” vào luật thì có phải cơ quan điều tra đang nắm quyền chi phối việc làm luật? Liệu đây có phải là lợi ích nhóm trong quá trình soạn thảo luật?
Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là quá rõ ràng: “Người bị can bị cáo có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư? Nếu không đảm bảo những điều đó thì toà không thể công bằng, không thể là người bảo vệ công lý được".
Trở lại vấn đề “xung đột lớn về quan điểm”, theo ông Nguyễn Hòa Bình chỉ có giới luật sư là ủng hộ quan điểm đưa “quyền im lặng” vào luật. Có thể ông Bình phát biểu trước nên chưa biết được ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, hay do phát biểu trực tiếp nên ông Bình chưa lường hết vấn đề, chẳng lẽ toàn bộ người Việt, toàn bộ hệ thống hành pháp và tư pháp không có ý kiến nào đồng tình với các luật sư?
Nếu có những người trong ban soạn thảo ủng hộ việc đưa “quyền im lặng” vào luật thì tại sao họ không dám đấu tranh đến cùng mà lại chịu đầu hàng? Chính kiến của họ ở đâu, trách nhiệm của họ ở đâu? Không thể làm luật theo kiểu “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, luật làm cho ai đó chứ không phải cho chính người làm luật?
Một điều ẩn chứa khác thường trong phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình, ấy là “quyền im lặng” là của nghi phạm, của người chưa bị kết tội… nói rộng ra đó là quyền của người dân, nhưng đấu tranh đưa nó vào luật hay không thì lại chỉ có hai thiểu số người không được ủy quyền đại diện cho dân là cơ quan điều tra và luật sư.
Tại sao không thực hiện một cuộc thăm dò dư luận rộng rãi xem người dân nghĩ gì, muốn gì? Tại sao không tham khảo thêm ý kiến của truyền thông, Mặt trận Tổ quốc, của hàng vạn nhà khoa học, nhà giáo, những người mà hiểu biết về pháp luật không phải là quá “i tờ”? Với cách lập luận như vậy liệu có thể kết luận, làm luật là quyền của một nhóm người, phục vụ lợi ích của nhóm đó chứ không phải toàn thể dân chúng.
Ông Vũ Mão: Án oan không bao giờ hết...
(GDVN) - "Chúng ta phải quy trách nhiệm cá nhân thật rõ từ điều tra, kiểm sát cho tới hội đồng xét xử thì mới mong hạn chế oan sai", ông Vũ Mão chia sẻ.
Bộ luật cơ bản, cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam là Hiến pháp. Các luật khác phải dựa vào Hiến pháp, tuân thủ Hiến pháp chứ không thể đi ngược lại Hiến pháp.
Điều 31, Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Mặc dù không ghi rõ rằng đó là “quyền im lặng” nhưng quyền hiến định này cho phép “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam” được mời luật sư trợ giúp, họ không bị buộc phải đơn độc trước cơ quan điều tra hay tòa án. Nói cách khác họ hoàn toàn có quyền nhờ luật sư thay mặt mình trả lời mà không phải trực tiếp lên tiếng, đây thực chất chính là “quyền im lặng”.
Việc luật sư tham gia vào quá trình thẩm vấn, thay mặt thân chủ đối chất với cơ quan điều tra không phải chỉ là để tránh nạn bức cung, nhục hình mà còn thể hiện sự văn minh của pháp luật khi đặt quyền con người lên trên tất cả. Hình ảnh một số bị cáo trong một số vụ án, đặc biệt là án kinh tế đứng trước tòa vẫn bị còng tay không thể xem là hình ảnh của một tòa án văn minh.
Trong bài: Bức cung, nhục hình – có phải một dạng bệnh tâm thần mới? [2] người viết đã đã đề cập: “Đoạn 2 điều 10, Luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Quy định này có nghĩa là bị can, bị cáo có quyền im lặng khi cần chứng minh là mình vô tội, nhưng luật tố tụng lại không có điều khoản quy định nghi can có quyền im lặng khi bị thẩm vấn nhằm buộc tội chính họ”.
Sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp và Luật Tố tụng Hình sự 2003 là ở chỗ Hiến pháp cho phép (gián tiếp) công dân sử dụng “quyền im lặng” nhưng Luật Tố tụng Hình sự lại “bỏ sót” quyền này.
Sự “xung đột lớn về quan điểm” xung quanh “quyền im lặng” cho thấy thành trì của sự bảo thủ, trì trên đang còn rất vững mạnh, con đường đổi mới đất nước sẽ còn gặp muôn vàn khó khăn bởi chính những con người đảm nhận trọng trách mà dân giao phó chứ không phải chỉ của các thế lực thù địch nước ngoài.
Tham nhũng tiền bạc, vật chất dù hàng trăm, hàng nghìn tỷ cũng chỉ là tham nhũng “vặt” so với tham nhũng chính sách, nguy cơ “lỡ đò” của “quyền im lặng” trong đợt sửa luật lần này đang hiển hiện. Nếu “quyền im lặng” chỉ là “hàng mẫu không bán”, trái với mong đợi của quần chúng, truyền thông và giới luật sư, trái cả với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì người dân biết trông cậy vào đâu, hay chỉ còn biết tự trách mình?
Tài liệu tham khảo
[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/198646/chua-nga-ngu-ve-quyen-im-lang.html
[2]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Buc-cung-nhuc-hinh--co-phai-mot-dang-benh-tam-than-moi-post149892.gd