Ngoại thương Việt Nam – Nam Phi đang phát triển rất tích cực

24/06/2016 11:25
Nhật Linh
(GDVN) - "Hy vọng trong 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia có thể đạt tới 3 tỷ USD", Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đánh giá.

Ngày 23/6, tại TP.Hồ Chí Minh diễn ra "Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Nam Phi". Đây là cơ hội để các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, trao đổi và cung cấp thông tin chính thống cho nhau, nhằm mục đích thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt Nam và Nam Phi.

Ngoại thương Việt Nam – Nam Phi đang phát triển rất tích cực ảnh 1
Bà Kgomotso Ruth Magau - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam.

Bà Kgomotso Ruth Magau - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cho biết: "Nam Phi hiện có nhiều chính sách ưu đãi thiết thực trong lĩnh vực đầu tư, thương mại dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Nam Phi hiệu quả". 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của bà Đỗ Thị Kim Liên, người đã có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Cộng hòa Nam Phi và Việt Nam thông qua việc khởi xướng và tổ chức nhiều chương trình giao lưu và các hoạt động hỗ trợ, kết nối và xúc tiến thương mại giữa 2 nước Việt Nam – Nam Phi rất hiệu quả trong thời gian qua.  

Các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và giao lưu thương mại tại Hội nghị.
Các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và giao lưu thương mại tại Hội nghị. 

Tại đây, bà Kgomotso Ruth Magau đã trao Thư khen từ chính phủ Nam Phi đến Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP.Hồ Chí Minh và bà Đỗ Thị Kim Liên vì những đóng góp tích cực quảng bá xây dựng hình ảnh Nam Phi tại Việt Nam.

"Ngoại thương giữa hai quốc gia đang phát triển rất tích cực. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, phái đoàn ngoại giao Việt Nam đã sang Nam Phi và thúc đấy những mối quan hệ hợp tác mới.

Nhân dịp này, phái đoàn Nam Phi cũng sang đây và chúng ta có thể đẩy mạnh sự phát triển của cả hai bên. Hy vọng trong 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia có thể đạt tới 3 tỷ USD", bà Kgomotso Ruth Magau bày tỏ. 

Bà Kgomotso Ruth Magau - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam trao Thư khen từ chính phủ Nam Phi đến Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi - bà Đỗ Thị Kim Liên.
Bà Kgomotso Ruth Magau - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam trao Thư khen từ chính phủ Nam Phi đến Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi - bà Đỗ Thị Kim Liên.

Cũng tại hội thảo, bà Đỗ Thị Kim Liên – Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Nam Phi luôn có vị trí quan trọng trong chính sách chung của Việt Nam đối với khu vực.  

Việt Nam không ngừng phát triển hợp tác với Nam Phi – nước luôn được coi là cửa ngõ quan trọng của châu Phi, thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, thành viên G20 và nhiều tổ chức quốc tế quan trọng – sẽ giúp củng cố hình ảnh, vai trò của Việt Nam, góp phần để hàng hóa, hoạt động đầu tư và nhiều lợi ích khác của Việt Nam có chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn đối với cả châu lục.

Những ưu tiên hàng đầu trong việc thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước Nam Phi và Việt Nam là đẩy mạnh việc xuất khẩu một số các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam như may mặc, nông sản, giầy dép và phát triển nhiều hơn những gì mà Nam Phi Việt Nam đã có.  

Việt Nam và Nam Phi có những điểm tương đồng về nông nghiệp. Việt Nam nên xuất khẩu gạo qua Nam Phi và đổi lại, Nam Phi có các mặt hàng đứng đầu trong danh sách sản phẩm xuất khẩu như trái cây, rượu vang…
”. 

Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệp đầu tư vào Nam Phi, bà Hồ Thị Ngọc Lan - Giám đốc xuất khẩu Topcake, một doanh nghiệp hợp tác giữa Úc - Philipines - Việt Nam, doanh nhân đã có hơn 8 năm hợp tác với Nam Phi - cho biết: "Nam Phi là một thị trường tiềm năng cho Việt Nam vì nhu cầu hàng tiêu dùng nhanh và tiêu dùng lẻ nhiều nhưng nhà sản xuất không nhiều. Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ vào toàn Châu Phi.

Đối với Nam Phi, chất lượng là rất quan trọng. Tuy nhiên nếu đã vào được Nam Phi thì việc vận chuyển ra toàn Châu Phi là rất đơn giản vì Nam Phi có hệ thống vận chuyển rất chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Nam Phi cũng là nước xuất khẩu lớn những mặt hàng trái cây tươi, ngọt và rượu vang".

Bà Lan cho biết thêm, thủ tục hải quan ở Nam Phi vô cùng thuận lợi, việc thanh toán dễ dàng do Nam Phi có nhiều ngân hàng quốc tế như HSBC đặt trụ sở giao dịch.

"Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là tỷ giá ở Nam Phi chưa ổn định, nên doanh nghiệp cần lưu ý kỹ các phương thức hợp tác và thanh toán. Điều này sẽ gây rủi ro cho xuất khẩu nhưng lại đem lại lợi cho nhập khẩu vì hiện tại tỷ giá Nam Phi đang thấp.

Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, phân tích và dự báo tỷ giá theo từng kỳ. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ rằng Nam Phi là thị trường tiềm năng và đáng tin cậy cho doanh nghiệp muốn hợp tác lâu dài", bà Lan chia sẻ. 

Nói về những chính sách cũng như những hình thức thông tin, hỗ trợ dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Nam Phi, ông Kabelo – Phó Giám đốc Bộ Công Thương Nam Phi cho biết: Bộ Công Thương Nam Phi có nhiều kế hoạch khuyến khích đầu tư khác nhau cho nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất tiên tiến, thiết bị điện tử và cả nông nghiệp. 

“Ngoài ra Nam Phi còn có chính sách khuyến khích đầu tư cho các công ty ô tô và nhờ đó mà chúng tôi có khá nhiêu công ty ô tô quốc tế như Mercedes, Audi hay BMW đầu tư phát triển ở Nam Phi. Bên cạnh đó cũng có cơ hội về đầu tư phát triển trong lĩnh vực may mặc và dịch vụ. Đây còn là cơ hội để không chỉ doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào thị trường Nam Phi và còn là cơ hội tiến vào thị trường Châu Phi nói chung. 

Bộ Công Thương Nam Phi cũng khuyến khích giao dịch, đầu tư cũng như phát triển công nghiệp ở Nam Phi. Cho dù là công ty của Nam Phi hay Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào đầu tư vào Nam Phi cũng đều được bảo vệ như nhau, và những khỏan ưu đãi là bình đẳng. 

Chúng tôi cũng mong muốn rằng, để đưa Nam Phi phát triển và tiếp cận với nhiều thị trường giao dịch hơn chúng ta cũng cần phát triển những hàng xóm của mình. Do vậy chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đầu tư vào riêng Nam Phi mà còn đầu tư vào các nước lân cận trong khu vực", ông Kabelo cho biết. 

Nhật Linh