Nguy cơ chiến tranh Biển Đông át cả khủng bố,10 tỉ đô Bắc Kinh hứa không che nổi

23/11/2015 06:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Một cuộc chiến tranh sẽ bắt đầu nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục những gì đã làm ở Biển Đông.

Sky News ngày 23/11 đưa tin, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull trong cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm qua 22/11 đã nói, một cuộc chiến tranh sẽ bắt đầu nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục những gì đã làm ở Biển Đông.

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục thách thức công luận và luật pháp quốc tế, ảnh: Reuters.
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục thách thức công luận và luật pháp quốc tế, ảnh: Reuters.

Yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp và bành trướng) của Trung Quốc đã trở thành chủ đề thống trị tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ngày Chủ Nhật

Nikkei Assian Review ngày 22/11 nhận định, chủ đề căng thẳng leo thang trên Biển Đông đã át cả mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố đối với nhân loại hiện nay. Thủ tướng Úc Turn Bull cảnh báo ông Lý Khắc Cường, hãy thận trọng kéo sẽ rơi vào "cái bẫy Thucydides".

Theo AFR, Thủ tướng Úc đã nhắc lại tuyên bố công khai của mình trước đây khi hội đàm với ông Lý Khắc Cường rằng, tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc là một trong những chính sách phản tác dụng và chỉ thúc đẩy các bên yêu sách nhỏ hơn tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan.

AFR nhận xét, bản thân Trung Quốc đã cảm nhận rõ rệt mình bị cô lập trong vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cũng như cuộc họp APEC tại Philippines, hội nghị thượng đỉnh Đông Á tuần này tại Malaysia. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm nay mà Trung Quốc là một thành viên tham dự đã kêu gọi tất cả các bên:

"Giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình mà không đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nhgị, đàm phán của các quốc gia có (yêu sách) chủ quyền liên quan trực tiếp...Các bên cần kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

AFR bình luận, chính Trung Quốc đã tạo ra những căng thẳng bằng việc xây dựng, bồi lấp các hòn đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên Biển Đông để sau đó mở rộng yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của mình cả về hàng không lẫn hàng hải như với một hòn đảo tự nhiên. 

Trung Quốc vẫn tiếp tục ngụy biện và thách thức dư luận

Reuters ngày 22/11 dẫn lời ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ Kuala Lumpur nói rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự và dân sự trên đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp, xây dựng (bất hợp pháp) trên Biển Đông, chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi ngưng quân sự hóa trên các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp. Thậm chí Bắc Kinh còn cáo buộc Washington "khiêu khích chính trị"?!

"Xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự cần thiết là điều cần làm đối với quốc phòng Trung Quốc và đối với việc bảo vệ các hòn đảo và bãi đá", ông Lưu Chấn Dân được báo chí dẫn lời thách thức. Ông Dân cho biết, Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục mở rộng và nâng cấp "các cơ sở dân sự trên các đảo (nhân tạo)" với cái cớ phục vụ tốt hơn cho tàu thương mại, tàu cá, tìm kiếm cứu nạn và dịch vụ công.

Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đoạt, chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp, đe dọa an ninh khu vực.
Đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đoạt, chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp, đe dọa an ninh khu vực.

Theo Reuters, phát biểu của ông Lưu Chấn Dân là một trong những tuyên bố mạnh miệng nhất về quan điểm của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Xung quanh hoạt động tuần tra đảm bảo an ninh, tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông mà hải quân Hoa Kỳ tiến hành thời gian qua, ông Lưu Chấn Dân cho rằng nó đã "vượt ra ngoài khuôn khổ của tự do hàng hải". Tuy nhiên ông không giảit thích khuôn khổ của tự do hàng hải là gì, đến đâu, dựa trên điều khoản nào của luật pháp quốc tế.

Không giải thích được căn cứ pháp lý cho lập luận của mình, ông Lưu Chấn Dân nói bừa rằng đó là một sự khiêu khích chính trị với mục đích thử thách khả năng đáp trả của Trung Quốc?! Phụ họa cho lập luận này, xã luận Tân Hoa Xã ngày 22/11 "gắp lửa bỏ tay người" khi bình luận: "Những nước ngoài Biển Đông không nên thổi bùng lên căng thẳng trong khu vực", trong khi chính Trung Quốc mới là tác nhân gây căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Tân Hoa Xã cho biết, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á rằng tất cả các nước nên tiến hành các hoạt động duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông "phù hợp với luật pháp quốc tế", nhưng không nói rõ phù hợp với điều khoản nào, và nếu hoạt động này đã vi phạm luật pháp quốc tế thì vi phạm điều khoản nào.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc khẳng định Biển Đông "vẫn bình yên" và điều kiện tiên quyết để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông theo Tân Hoa Xã không phải là Trung Quốc phải dừng ngay các hoạt động leo thang bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp, mà đòi Mỹ ngừng khuyến khích "bên yêu sách nào đó" làm nóng vấn đề, rút các hoạt động can thiệp vào Biển Đông để Trung Quốc "đàm phán trực tiếp" với các bên liên quan.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng phải lên tiếng

Theo VOA Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 22/11 đã thúc giục các bên kiềm chế sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các căn cức quân sự và dân dự ở Biển Đông: "Về các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau trên Biển Đông, tôi đã nhất quán nói rằng tất cả các bên cần phải kiềm chế và xử lý tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và theo luật pháp quốc tế".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, ảnh: AP.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, ảnh: AP.

The Straits Times ngày 23/11 cho biết, các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm qua nhấn mạnh sự cần thiết để tất cả các bên xử lý tranh chấp lãnh thổ - hàng hải trên Biển Đông một cách hòa bình và không làm nóng thêm bầu không khí trong khu vực.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các bên phải tuân theo các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tính ưu việt của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa các hành động khiêu khích hoặc sử dụng vũ lực, cam kết các biện pháp ngăn ngừa xung đột và phi quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông.

Để tránh Trung Quốc bị mất mặt, Thủ tướng Singapore kêu gọi "các bên", nhưng trên thực tế chỉ có Trung Quốc là đã và đang tiếp tục có hành động leo thang, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Ngay trước áp lực và lo ngại của dư luận, họ vẫn tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế qua phát biểu của ông Lưu Chấn Dân - PV.

Thủ tướng Singapore đã khéo léo nhắc lại cam kết của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng và phát huy tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Ông Lý Hiển Long nói rằng điều đó rất đáng hoan nghênh, đồng thời thúc giục luôn Trung Quốc và ASEAN bắt đầu thảo luận về cơ cấu, yếu tố của bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng như quy tắc ứng xử trong các cuộc chạm trán bất ngờ giữa các lực lượng hải quân, một bước đi tích cực để xây dựng lòng tin.

Trong bài phát biểu riêng biệt, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói với báo chí tối qua rằng đã có sự đồng thuận giữa các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á rằng, Biển Đông cần được xử lý theo các phương pháp không làm leo thang căng thẳng. Tất cả các nước bao gồm Trung Quốc đồng ý rằng không nên có bất kỳ sự can thiệp nào vào tự do hàng hải và hàng không.

Tổng thống Philippines Aquino thì nói, thế giới sẽ theo dõi xem liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm như thế nào đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA xung quanh vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi lý, theo South China Morning Post.

10 tỉ USD Trung Quốc hứa cho ASEAN vay cũng không bịt được căng thẳng Biển Đông

South China Morning Post ngày 23/11 bình luận, Trung Quốc đã sử dụng cả cây gậy và củ cà rốt tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á khi hứa hẹn sẽ cho vay 10 tỉ USD để các nước Đông Nam Á đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi tiếp tục bảo lưu quan điểm bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông.

Tuy nhiên "chất làm ngọt" 10 tỉ USD không thể xóa bỏ được lo ngại của khu vực về nguy cơ leo thang xung đột trên Biển Đông, tờ báo Hồng Kông bình luận. Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết một số nước vẫn đặc biệt lo ngại về vụ bồi lấp đảo nhân tạo.

Ông Lưu Chấn Dân công bố khoản vốn vay tổng trị giá 560 triệu USD hỗ trợ các nước ASEAN trong năm tới. South China Morning Post nhận xét, Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn về kinh tế, cố gắng sửa chữa mối quan hệ đã "sờn đi" vì mâu thuẫn trên Biển Đông như Philippines và Việt Nam.

Theo Nikkei Asian Review ngày 22/11, phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Tổng thống Philippines nói: "Chúng tôi đã được yêu cầu không có hành động nào để gây ra sự cố, và chúng tôi đã đồng ý nỗ lực giảm căng thẳng. Tuy nhiên các sự cố vẫn leo thang không ngừng".

Ông tố cáo, gần đây nhất một tàu khu trục nhỏ Trung Quốc số hiệu 517 đã cắt mũi, khiêu khích một tàu khảo sát nghiên cứu theo hợp đồng với chính phủ Philippines ở vùng biển chỉ cách đảo Palawan 40 hải lý.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên tiếng đề nghị các bên nên "thống nhất khải niệm" về tự do hàng hải. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định với báo giới sau hội nghị: "Chúng tôi đã có thể đảm bảo sự thống nhất trong khái niệm về tự do hàng hải".

Hồng Thủy