Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: "Quyết giữ chủ quyền"

22/07/2011 00:11
Đó là khẳng định của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khi nói về vấn đề biển Đông
Đó là khẳng định của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khi nói về vấn đề biển Đông
* Phóng viên:Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình biển Đông hiện nay?
 
- Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Quan điểm của Việt Nam là giải quyết các vấn đề tranh chấp hướng đến hòa bình nhưng cũng luôn rõ ràng. Ngoài sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong nước, cũng cần để thế giới thấy rõ và ủng hộ lập trường của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Tôi tin rằng lập trường của Việt Nam sẽ được ủng hộ.
* Trung Quốc chuẩn bị mang giàn khoan trị giá gần 1 tỉ USD ra đặt ở biển Đông. Việt Nam cần có những biện pháp gì để đối phó, thưa ông?
- Theo tôi được biết tháng 7 này, Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan ra biển Đông. Quan điểm của tôi là Việt Nam phải kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên gây căng thẳng, phức tạp vì vấn đề không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan một số nước khác.
* Ông nghĩ sao trước chủ trương của Trung Quốc “lái” các tranh chấp trên biển Đông sang đa phương?
- Lập trường của ta rất rõ. Về quần đảo Hoàng Sa, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam, các nước khác không liên quan. Đó là chủ quyền của ta nhưng Trung Quốc đã xâm lấn. Còn quần đảo Trường Sa thì liên quan đến nhiều nước nên cần phải giải quyết bằng đàm phán đa phương.
* Ông đánh giá như thế nào khi Trung Quốc đang to tiếng về “đường lưỡi bò”, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế?
- Thế giới không ai thừa nhận đường lưỡi bò vì nó hoàn toàn không đúng. Không ai có thể chiếm lĩnh cả vùng biển to lớn như thế làm lãnh hải của mình.
Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền. Trong ảnh: Tàu hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: TƯ LIỆU
Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền. Trong ảnh: Tàu
hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: TƯ LIỆU
* Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc ngư dân bám biển là hết sức quan trọng. Để ngư dân yên tâm và tổ chức khai thác biển hiệu quả, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
- Để bảo vệ ngư dân, cần thành lập những tổ, đội liên kết. Theo tôi, không cần trang bị vũ khí cho tổ, đội vì mình có lẽ phải nhưng ngư dân cần hợp đồng để bảo vệ nhau. Nhà nước cũng cần có biện pháp như đưa tàu ra bảo vệ ngư dân, giúp họ chống lại việc bị bắt bớ khi đang khai thác trên chính vùng biển của mình.
* Ông có cho rằng Quốc hội lần này nên thông tin rộng rãi về vấn đề biển Đông để toàn thể nhân dân thấy rõ quan điểm cương quyết của Nhà nước ta?
- Theo tôi biết thì trong kỳ họp lần này, Quốc hội có nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, sau đó sẽ trao đổi và cho ý kiến. Vừa rồi chúng ta cũng đã có một số biện pháp để nhân dân hiểu rõ lịch sử của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lẽ phải của chúng ta ở đâu và sai trái của Trung Quốc ra sao. Bên cạnh đó, chúng ta đã có chủ trương đưa nội dung này vào chương trình học trong trường phổ thông để học sinh hiểu về chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Tăng cường sức mạnh dân tộc
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nêu rõ sự bất bình của cử tri và nhân dân với việc gần đây, một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa hai nước. “Nhân dân cả nước kiến nghị trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc” - ông Huỳnh Đảm nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Bàn về biển Đông là hợp lòng dân
Tôi cho rằng Quốc hội đưa vấn đề biển Đông vào thảo luận ở hội trường là hợp lòng đại biểu lẫn cử tri. Theo tôi, thời gian thảo luận dài hay ngắn không quan trọng mà quan trọng là chất lượng. Trong thảo luận nhân sự cấp cao Nhà nước và Chính phủ cũng cần lồng vấn đề biển Đông vào vì họ sẽ quyết định những vấn đề hệ trọng quốc gia, trong đó có an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nói rằng nếu các đại biểu có yêu cầu thì việc có một nghị quyết riêng về vấn đề biển Đông cũng sẽ được xem xét. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng kỳ họp này nên có nghị quyết về vấn đề biển Đông.
Nghị quyết không phải là gì “đao to búa lớn” mà là để thống nhất quan điểm của Quốc hội và để người dân hiểu rõ. Thời gian qua, người dân bức xúc về vấn đề này và chưa hiểu hết quan điểm của Nhà nước.
Quốc hội cần khẳng định lập trường kiên định về vấn đề lãnh thổ và chủ quyền biển đảo. Tôi nghĩ Quốc hội cũng cần sớm có Luật Biểu tình để người dân biết biểu tình đúng luật pháp Nhà nước. Điều đó tốt cho lợi ích quốc gia.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Cần có nghị quyết về biển Đông
Việc Quốc hội dành thời gian để thảo luận về biển Đông là rất cần thiết vì đây là vấn đề lớn của đất nước và nhân dân cả nước đang dành sự quan tâm cực kỳ đặc biệt. Bên cạnh việc thảo luận, Quốc hội cần thiết có một nghị quyết riêng rõ ràng về vấn đề biển Đông.
{iarelatednews articleid='8244,8172,8051,7820,7622,7555,6992,6909,6751'}
Theo M.Duy - T.Dũng/NLĐ
alt