Nhà công vụ: “Nợ xấu” khó đòi?

07/12/2014 07:15
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Một cựu quan chức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới “tham nhũng” nhà công vụ xuất phát từ sự thiếu gương mẫu của những người từng là cán bộ nhà nước…

Chây ì nhà công vụ

Cụm từ “nhà công vụ” đã và đang trở thành một vấn đề nóng, được đưa ra bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn hội nghị…Ở đó, nhiều học giả, cựu quan chức lên tiếng cảnh báo hiện tượng nhà công vụ có nguy cơ biến thành nhà tư vụ, đồng thời đề nghị nhà chức trách cần mạnh tay xử lý khối tài sản được cho là “nợ xấu” này.

Theo báo cáo gần đây nhất, tính đến tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ trên cả nước là hơn 1,6 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư… Số tài sản Quốc gia này được nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật...

Quy định là thế, nhưng trên thực tế, không ít nguyên cán bộ quản lý nhà nước khi không còn đảm nhiệm chức vụ nữa, đã cho mình cái “quyền” được tự sử dụng vĩnh viễn, hoặc “quên” trả lại nhà công vụ…

Mới đây, một nhân vật được dư luận nhắc đến khá nhiều là nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền Trần. Cựu quan chức này cũng nằm trong danh sách chây ì trong việc trao trả nhà công vụ. Căn nhà công vụ ở Hà Nội chỉ được ông Truyền trả lại sau đó 2 năm khi ông đã về hưu.

Nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa vào luật để siết chặt quản lý nhà công vụ. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa vào luật để siết chặt quản lý nhà công vụ. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Một trường hợp khác là ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội (1994-2004) cũng vừa bị “xướng danh” vì chưa (chậm) trả nhà công vụ sau khi đã về hưu 8 năm. Lý do đến nay, căn biệt thự này vẫn chưa bị thu hồi vì TP. Hà Nội chưa tìm được chỗ ở mới cho nguyên cán bộ này và cũng bởi vì yêu cầu về chỗ ở của ông quá cao..

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp có biểu hiện chây ì trong việc trả lại nhà công vụ. Để biện hộ cho những vi phạm nói trên, nhiều cựu quan chức (hiện đang sử dụng nhà công vụ) cho rằng, lỗi là do cơ chế quản lý nhà công vụ. Có người hứa sẽ trả lại nhà khi nhà nước đòi, hay khi nào có nhà sẽ trả lại ngay. Có người còn cho rằng phải nhìn nhận công bằng với những người đã đóng góp, hy sinh cho đất nước…

Trước thực trạng trên, có thể thấy, tình trạng nhà công vụ được sử dụng sai mục đích đang trở thành một thứ “nợ xấu” khó đòi?

Đâu là nguyên nhân?

Trước đó, thông tư số 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16/1/2014 , một trong những điều kiện để thu hồi lại nhà công vụ là: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ. Thông tư cũng nêu quy trình thu hồi nhà công vụ rằng: Trên cơ sở Tờ trình đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở công vụ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xem xét, nếu đủ điều kiện thu hồi thì ban hành Quyết định thu hồi nhà ở công vụ.

Việc thu hồi này phải hoàn tất không quá 90 ngày từ ngày Quyết định thu hồi được ban hành. Trong trường hợp không thể thu hồi thì phải cưỡng chế, và việc cưỡng chế cũng không qúa 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Một số cựu quan chức, nhà chính trị trong nước cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc nhiều cán bộ hết thời gian công tác tại cơ quan nhà nước vẫn chây ì trong việc giao trả nhà công vụ, xuất phát từ sự thiếu gương mẫu, sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng.

Là người nhiều năm theo dõi sát sao diễn biến các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, những vi phạm trong công tác nhà, đất của một số cựu quan chức trong đó có vấn đề nhà công vụ, xuất phát từ sự thiếu gương mẫu của những người từng làm lãnh đạo.

“Họ từng đảm nhận tới chức vụ cao như vậy mà lại tỏ ra thiếu gương mẫu thì quả thật là đáng chê trách. Tuy nhiên cần phải làm rõ phía sau sự thiếu gương mẫu đó là vấn đề gì? Sự thiếu hiểu biết, kém nhận thức, hay sự tham lam vô độ trong cuộc sống?. Quan điểm của tôi cho rằng, cái gốc của sự thiếu gương mẫu xuất phát từ sự tham lam, từ đó dẫn đến sự tham nhũng”, Tướng Thước nêu quan điểm.

Tướng Thước nêu nguyên lý: “Người giữ gìn kỷ cương, phép nước phải gương mẫu. Anh làm lãnh đạo mà vi phạm thì lãnh đạo được ai? Về nguyên lý, nếu cấp trên gương mẫu thì cán bộ cấp dưới sẽ học tập sự gương mẫu đó và ngược lại”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại quận 1 TP.Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại quận 1 TP.Hồ Chí Minh

Tiếp đó, ngày 3/12, trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 (TP.HCM), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn cho rằng, sở dĩ trong thời gian vừa qua có tình trạng lãng phí nhà công vụ có nguyên nhân chính là do quản lý quá lỏng lẻo. “Trách đồng chí nghỉ hưu không trả cũng có cơ sở, nhưng cái đáng trách hơn là cơ quan quản lý, công quyền. Tại sao không đòi lại nhà công vụ? “ – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu câu hỏi.

Việc nhà công vụ sử dụng sai mục đích gây thất thoát lãng phí tương đối lớn: “ Nếu Chính phủ có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích thì hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ đang được sử dụng sai mục đích có thể thu hồi, bán đấu giá, cho thuê sẽ tạo thêm khoản thu cho ngân sách nhà nước”, ông Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết.

Mới đây, trong cuộc trao đổi với giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã đưa ra quan điểm trong việc thực hiện thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích: “Luật ban hành là phải thực thi, những người thực thi luật phải dám làm và làm cương quyết. Ngoài các trường hợp tự nguyện trả, nếu có tình trạng chây ì, cố tình không trả đương nhiên Bộ sẽ cưỡng chế”.

“Việc thu hồi nhà sẽ được tiến hành theo lộ trình thực tế. Còn lại những trường hợp cán bộ đã mất hoặc nghỉ hưu nhưng không trả lại mà khóa cửa hoặc cho người nhà ở, bộ sẽ kiên quyết thu hồi. Việc này sẽ được tiến hành trong năm 2014 và đầu năm 2015”, ông Nam đưa ra lộ trình.

QUỐC TOẢN