Nhà thơ nói về Bộ trưởng Thăng và câu chuyện "tầm nhìn"

08/11/2011 21:25
Mai Văn Hoan (Nhà thơ)
(GDVN) - Nếu tôi làm Bộ trưởng như ông Đinh La Thăng, tôi sẽ dồn hết tâm sức ưu tiên cải tạo, nâng cấp con đường quốc lộ 1A...
Đó là những lời tâm huyết của độc giả, nhà thơ Mai Văn Hoan gửi đến tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Qua bài viết này, độc giả Mai Văn Hoan mong muốn chia sẻ với Bộ trưởng Đinh La Thăn kinh nghiệm thực tế, những giải pháp và đề xuất để khắc phục vấn nạn kẹt xe ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hạn chế tình trạng tai nạn giao thông trên cả nước.

Báo điện tử GDVN trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Mai Văn Hoan đến với bạn đọc:

Trong chương môn Văn cấp 3 những năm 70 của thế kỷ trước có tác phẩm đề cập đến “tầm nhìn” của Nguyễn Khải. Hai nhân vật Biền và Tuy Kiền đều là cán bộ lãnh đạo nhưng có hai tầm nhìn đối lập nhau. Tuy Kiền chỉ thấy cái lợi cá nhân trước mắt còn Biền thì có tầm nhìn xa rộng hơn.
Đến khi nào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hết tắc đường?
Đến khi nào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hết tắc đường?

Vấn đề mà nhà văn Nguyễn Khải đặt ra thời ấy cho đến nay vẫn còn là vấn đề thời sự. Nhân diễn đàn đang nóng lên với những đề xuất gây chú ý của tân  Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, tôi muốn bàn thêm đôi lời về “tầm nhìn” trong hệ thống giao thông đường bộ nước ta.

Nếu ví đất nước là một cơ thể sống thì hệ thống đường giao thông là những mạch máu vô cùng quan trọng. Từ lâu, chúng ta đã có các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ra hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư, cán bộ thiết kế và thi công cầu - đường.

Trong số họ không hiếm những kỹ sư, cán bộ giỏi, có tâm huyết và đã tạo dựng được cả một hệ thống đường bộ chằng chịt, liên thông góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà. Việc mở rộng đường quốc lộ 1A và thi công đường Hồ Chí Minh là thành tích đáng được ghi nhận của ngành GTVT.

Nhưng mấy năm trở lại đây tai nạn giao thông đường bộ ngày một gia tăng là điều làm cho tất cả mọi người hết sức quan tâm, lo lắng. Nguyên nhân thì có nhiều: do ý thức của người tham gia giao thông, do nhu cầu lưu thông hàng hóa ngày càng cao giữa các vùng miền, do mật độ và tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông…

Và trong đó có phần chất lượng đáng báo động của hệ thống giao thông đường bộ. Phải thừa nhận hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ hiện nay còn quá  nhiều bất cập. Trên một số tuyến đường xuất hiện những “điểm đen”, liên tục xảy ra những vụ tai nạn kinh hoàng. Theo thống kê chưa thật đầy đủ thì hàng năm cả nước có hơn 11 000 người chết vì tai nạn giao thông.

Mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi hàng nghìn sinh mạng
Mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi hàng nghìn sinh mạng

Ở  xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình (quê tôi) số liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có 165 người, cộng với số dân thường chết trong hai cuộc chiến tranh tất cả chưa đến 200 người. Nhưng số người chết vì tai nạn giao thông trong mười năm lại đây (1990 – 2010) đã hơn 400 người. Một con số khiến cho những ai có lương tâm không khỏi giật mình.

Quê tôi là vùng dân cư đông đúc lại nằm ngay trên tuyến đường quốc lộ 1A, nên tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. Dưới chân đèo Lý Hòa có thắng cảnh Đá Nhảy khá đẹp nhưng mấy năm trước đây đó là một “điểm đen” với hàng trăm vụ tai nạn giao thông vô cùng thảm khốc. Nguyên nhân chính là vấn đề “tầm nhìn” hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Những kỹ sư, cán bộ thiết kế đã không tính đến chỗ chân núi choãi ra che khuất tầm nhìn. Một kiến thức hết sức sơ đẳng như vậy không hiểu vì lý do gì mà họ không tính đến. Sự thiếu “tầm nhìn” của họ đã đánh đổi hàng trăm sinh mạng. Mãi đến khi dân tình hết lời ca thán người ta mới tìm cách mở thêm một con đường tránh cho xe đi hai chiều. Đó là cái kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thế là từ đó “điểm đen” bị xóa sổ. Nghẹo Giằng Xay và cung đường dưới chân tượng Phật Bà (ở Ngự Bình), thành phố Huế trước đây cũng là những “điểm đen”như thế. Sau khi được cải tạo lại thì những vụ tai nạn giao thông không còn xảy ra nữa.  “Điểm đen” là “cạm-bẫy-người” do chính con người cạm bẫy chứ đâu phải ma quỷ! Ở đây, có vấn đề “tầm nhìn” trong chất lượng đào tạo cán bộ, kỹ sư chuyên ngành – đặc biệt là chuyên ngành cầu – đường.

Lĩnh vực GTVT đang đặt ra một số vấn đề khiến toàn xã hội bức xúc. Có thể nói không ngoa rằng trên thế giới, ít thấy tài xế nước nào khổ như ở nước mình: cứ mỗi chặng đường ngắn là gặp một trạm thu phí, lòng đường vừa hẹp vừa xuống cấp nghiêm trọng, trên đường xe khách, xe con, xe tải, xe máy, xe đạp…  tranh nhau vượt ẩu, bất chấp luật lệ.

 Lưu thông trên những tuyến đường lộn xộn như thế, không xảy ra tai nạn mới là chuyện lạ! Tôi có dịp sang Thái Lan, đi xe tốc hành từ Noọng Khai đến U Đon dài khoảng ba trăm cây số mà chỉ mất chưa đến hai tiếng đồng hồ. Xe chạy với tốc độ 150 km/g, không hề có bóng dáng công an chặn đường, không hề có chuyện bắn tốc độ, không một trạm thu phí nào. Đường hai chiều, mỗi chiều ba làn cho mỗi loại xe, hai bên đường rất ít nhà cửa, quán xá.

Đến khi nào đường quốc lộ 1A của ta mới được như nước bạn? Một công trình giao thông huyết mạch quy mô như vậy sẽ mang lại bao nhiêu điều lợi cho dân, cho nước. Bởi vậy, nếu tôi làm Bộ trưởng như ông Đinh La Thăng, tôi sẽ dồn hết tâm sức ưu tiên cải tạo, nâng cấp con đường quốc lộ 1A. Phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho công trình trọng điểm này.

Nếu làm được điều đó trong nhiệm kỳ của mình, nhân dân sẽ suốt đời ghi nhớ công ơn của vị Bộ trưởng. Bởi công trình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn mà còn tránh cho đất nước "thảm họa" tai nạn giao thông, cướp đi mỗi năm hàng nghìn sinh mạng.

Vấn đề chủ yếu là “tầm nhìn” và cái Tâm đối với dân với nước!

 

Huế, 5- 11- 2011

Mai Văn Hoan (Nhà thơ)