Nhà văn Trung Quốc: Tham nhũng đã hình thành từ lớp mầm non, mẫu giáo

13/03/2015 07:34
Hồng Thủy
(GDVN) - "Trong trường tiểu học, một số học sinh được hưởng ưu đãi đặc biệt khi trở thành "lãnh đạo lớp", chẳng hạn như được miễn bài tập về nhà...
Ông Lăng Giải Phóng.
Ông Lăng Giải Phóng.

South China Morning Post ngày 13/3 đưa tin, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc đã than thở rằng tham nhũng và giao dịch quyền lực ảnh hưởng rất phổ biến đến đời sống xã hội thậm chí đã tràn vào cả thế hệ mầm non, tiểu học. Ông Lăng Giải Phóng thường được biết đến qua bút danh Eryue He hôm qua được Beijing Times dẫn lời cho biết: "Ở nhà trẻ, một đứa trẻ sẽ nói với giáo viên: Cha cháu làm việc ở một công ty than. Nếu cô đang thiếu than, xin cứ cho cháu biết".

"Trong trường tiểu học, một số học sinh được hưởng ưu đãi đặc biệt khi trở thành "lãnh đạo lớp", chẳng hạn như được miễn bài tập về nhà. Các vấn đề tham nhũng cần phải được giải quyết từ gốc, do đó chúng ta cần phải nghiên cứu làm thế nào để phát triển một hệ thống chống tham nhũng", ông Phóng bình luận.

Nhà văn này cũng nói rằng mức lương cao hơn cho các quan chức chưa chắc ngăn nổi tham nhũng, nhưng một mức lương thấp chắc chắn không thể "nuôi" một chính phủ trong sạch. Một số nhà phân tích đã cho rằng tham nhũng tràn lan trong giới chức Trung Quốc một phần là vì lương cán bộ công chức quá thấp, buộc họ phải tìm kiếm nguồn thu nhập thứ 2.

Lăng Giải Phóng trích dẫn các ví dụ lịch sử để lập luận rằng, ngay cả các quan chức được trả lương cao vẫn có thể tham nhũng như thường, bởi ham muốn của con người là vô tận. Ông cho biết lương bổng các quan chức triều đại nhà Tống (960-1279) cao gấp 6 lần quan chức triều Thanh (1644-1911) và 10 lần triều đại nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên).

"Tuy nhiên ngay cả với mức lương cao như vậy, nhà Tống cũng chỉ có một quan chức trung thực và ngay thẳng, đó là Bao Thanh Thiên. Trình độ phát triển văn hóa và kinh tế của nhà Tống đều đạt đỉnh cao, nhưng nhà Tống là triều đại tham nhũng nhất trong lịch sử Trung Quốc", ông Phóng lập luận.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn đầu chiến dịch chông tham nhũng quy mô lớn kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012 với hàng ngàn quan chức bị truy tố, điều tra tham nhũng. Những người chỉ trích nói rằng chiến dịch này đã thất bại trong việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra tham nhũng vì thiếu sự minh bạch trong hoạt động của chính phủ, tòa án, cảnh sát trong khi truyền thông bị kiểm soát.

Hồng Thủy