Nhận diện thủ đoạn của tội phạm tín dụng, ngân hàng

01/12/2011 07:49
Trung Dung/Pháp luật TPHCM
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Tội phạm trong lĩnh vực này là nghiêm trọng nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung của nền kinh tế”.

Ngày 30-11, Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức hội nghị chuyên đề về PCTN trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. “Mục đích của hội nghị này giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, bền vững, hoàn thiện quy trình quản lý và bảo đảm an toàn tiền gửi của người dân…” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng BCĐ, cho biết.

Những thủ đoạn đặc trưng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng BCĐ, qua 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Văn phòng BCĐ rút ra một số thủ đoạn đặc trưng, tham nhũng điển hình. Chủ thể tội phạm gồm nhóm cán bộ ngân hàng và nhóm đối tượng ngoài ngân hàng. Đối với nhóm ngoài ngân hàng, thủ đoạn chủ yếu là lừa đảo nhưng có sự thông đồng, tiếp tay của cán bộ ngân hàng.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Một là do công tác phát hiện, xử lý tội phạm ở lĩnh vực này chưa tương xứng với tình hình. Có trường hợp người đứng đầu không muốn giảm uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, sợ trách nhiệm nên nhiều vi phạm không chuyển cơ quan chức năng xử lý mà bưng bít hoặc xử lý nội bộ.

Hai là cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng còn nhiều sơ hở dễ bị đối tượng lợi dụng. Ba là công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tổ chức, con người và tài sản là khâu yếu trong hệ thống ngân hàng…” - ông Tuấn phân tích.

Nhận diện thủ đoạn của tội phạm tín dụng, ngân hàng ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN chủ trì hội nghị. Ảnh: TR.DUNG

Đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an (C46), bổ sung: Trong quá trình điều tra, chúng tôi thấy ba thủ đoạn chính liên quan đến tội phạm lĩnh vực ngân hàng. Thứ nhất, cán bộ ngân hàng móc nối với đối tượng ngoài ngân hàng cố ý làm trái các quy định, có trường hợp móc nối hưởng chênh lệch 100 tỉ đồng. Thứ hai là lập các hồ sơ khống để rút tiền đầu tư chứng khoán, nhà đất. Thứ ba là lợi dụng quyền hạn của mình để lừa đảo, làm sai các quy định của Nhà nước.

Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát

Về các giải pháp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề xuất: Thống đốc NHNN cần tăng cường, nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là hoạt động cho vay, bảo lãnh tín dụng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm. “Kiểm tra, thanh tra, giám sát thì hằng năm đều có 5-7 đợt nhưng việc phát hiện sai phạm của các ngân hàng còn ít, chưa phản ánh thực chất” - bà Hồng nói.

Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Đức Thịnh cho rằng nếu công tác thanh tra, giám sát làm tốt thì sai phạm ở lĩnh vực ngân hàng sẽ kéo giảm. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đều có thanh tra nhưng còn hạn chế. Đặc biệt, các ngân hàng chưa bao giờ chuyển các tài liệu về tình hình sai phạm của cán bộ ngân hàng. “Theo Thông tư 02/2001 của NHNN, khi khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra mới vào lấy tài liệu. Theo tôi, cần phải sửa đổi thông tư cho hợp lý để có cơ chế cho cơ quan chức năng vào cuộc sớm để ngăn ngừa, giảm thất thoát tài sản…” - ông Thịnh kiến nghị.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết từ năm 2009, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đã được thành lập để giám sát, cảnh báo khu vực rủi ro nhằm kịp thời ngăn chặn các vi phạm xảy ra. “Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, giám sát của cơ quan này thời gian qua không phát huy hiệu quả. Tôi thừa nhận và xin nhận trách nhiệm là cơ quan này yếu kém” - ông Bình nói.

Xử lý nghiêm sai phạm

Hệ thống ngân hàng hiện nay cơ bản ổn định, phát triển tốt, chưa có vấn đề quá nghiêm trọng xảy ra làm ảnh hưởng đến lòng tin người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ngân hàng thương mại cũng có những khuyết điểm làm thất thoát tài sản. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy định quy chế chưa chặt chẽ, công tác thanh tra, giám sát chưa tốt, tiêu chuẩn cán bộ còn lỏng lẻo…

NHNN cần tiếp thu ý kiến BCĐ Trung ương về PCTN, các cơ quan pháp luật trong hội nghị này. NHNN phải sớm ra đề án tái cấu trúc ngân hàng thương mại, đề ra các biện pháp để xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, rà soát các quy định chưa phù hợp cần bổ sung, sửa đổi để trình Chính phủ.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, chú trọng công tác cán bộ, kiên quyết loại ra khỏi ngành cán bộ vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu…

Phó Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚCPhó Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN

Số tiền thu hồi rất ít

Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã vào cuộc 69 vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và khởi tố 40 vụ án, 70 cán bộ ngân hàng liên quan, tài sản thất thoát lớn nhưng thu hồi rất thấp. Điển hình vụ Huỳnh Thị Huyền Như ở TP.HCM làm thất thoát 4.000 tỉ đồng nhưng thực chất bị can này chỉ sử dụng 2.000 tỉ đồng, còn lại lòng vòng trả lãi suất cao, đưa vào chứng khoán, nhà đất...

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THỊNHCục trưởng C46 Bộ Công an

Trung Dung/Pháp luật TPHCM