Nhật Bản đã có phản ứng chính thức với việc TQ tập trận quy mô lớn

07/01/2015 11:48
Bình Nguyên
(GDVN) - Các động thái mang tính chất "ăn miếng, trả miếng" được cho là chủ đề chính trong mối quan hệ cạnh tranh, mâu thuẫn giữa TQ và Nhật Bản.

Báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản ngày 6/1/2015 đưa tin cho biết chính quyền nước này đã chính thức có phản ứng với động thái tập trận quy mô lớn trên Biển Hoa Đông của quân đội Trung Quốc bằng việc kích hoạt các kế hoạch củng cố các khả năng phòng thủ cho các khu vực nằm ở khu vực Tây Nam Nhật Bản.

Tàu chiến Hải quân TQ ảnh minh họa
Tàu chiến Hải quân TQ ảnh minh họa

Trước đó, quân đội Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng hải quân PLA đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô rất lớn tại khu vực Tây Thái Bình Dương nơi Nhật Bản có nhiều mục tiêu quan trọng.

Để tăng cường phòng vệ các hòn đảo quan trọng, chính quyền Tokyo hôm 4/1/2015 đã tuyên bố kế hoạch đưa Lữ đoàn cơ động đổ bộ, phản ứng nhanh (ARDB) của Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản thành một trong những thành phần quan trọng của sức mạnh quân sự, đồng thời sẽ triển khai các xe chiến đấu, binh lính đổ bộ lên khu vực Sasebo, khu vực Nagasaki ở Tây Nam.

Theo chiến lược của chính phủ Nhật Bản, Lữ đoàn cơ động đổ bộ, phản ứng nhanh (ARDB) của Lực lượng phòng vệ mặt đất là lực lượng vũ trang được thành lập để giải quyết các nhiệm vụ tương tự như Lực lượng lính thủy đánh bộ của quân đội Hoa Kỳ.

Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản cũng coi lực lượng (ARDB) là một trong những thành phần quan trọng nhất để thực thi nhiệm vụ đánh, giữ đảo của Nhật Bản có tuyên bố chủ quyền giai đoạn trước năm 2018.

Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ trên không của quân đội Nhật Bản cũng đã được tăng cường thêm các chiến đấu cơ mới tại căn cứ Naha, thủ phủ của khu vực Okinawa , tọa lạc ở cực Nam của Nhật Bản.

Tổng số máy bay phản lực chiến đấu của quân đội Nhật đóng ở Naha đã lên đến 40 chiếc. Cụ thể, phi đội chiến đấu cơ F-15 đã tăng từ 1 lên 2 phi đội. Quân số thường trực tại căn cứ này sẽ tăng lên 450 binh sỹ.

Cùng với Okinawa, đảo chính ở phía Nam Kyushu cũng đã được Nhật Bản xác định là các khu vực phòng vệ tuyến đầu, sẽ được bổ sung ít nhất 4000 quân nhân, sỹ quan chuyên nghiệp.

Bên cạnh đảo Okinawa, chính quyền Nhật Bản sẽ thiết lập sự hiện diện quân sự trên 4 hòn đảo ngoài khơi, nằm ngoài đảo chính, trong đó có đảo Yonaguni. Đảo Yonaguni sẽ được điều động lực lượng giám sát ven bờ với quân số 150 người trong năm 2015 này.

Trong khi đó nhóm đảo gồm Miyako, Ishigaki và Amami Oshima sẽ được điều động khoảng 350 binh sỹ trên mỗi hòn đảo.

Giới bình luận chính trị quân sự ở châu Á nhận định rằng các động thái này của Nhật Bản là sự phản ứng chính thức đối với cuộc tập trận hải quân quy mô lớn được TQ tổ chức tiến hành tại Tây Thái Bình Dương vào tháng 12 vừa qua.

Trong cuộc tập trận này, Trung Quốc điều động 15 tàu chiến mặt nước, nhiều chiến đấu cơ đa năng từ 3 hạm đội của Hải quân PLA. Các chiến hạm của TQ đã băng qua khu vực eo biển Osumikaikyo ở Tây Nam Nhật Bản.

Phương tiện quân sự của TQ cũng đi qua khu vực quần đảo Kuril và eo La Perouse ở phía Bắc. Một số người cho rằng, cuộc tập trận của quân đội TQ dường như báo hiệu TQ đang thử nghiệm chiến lược và khả năng đánh chia cắt Nhật Bản từ phía Bắc và phía Nam một khi nổ ra xung đột quân sự.

Các động thái mang tính chất "ăn miếng, trả miếng" được cho là chủ đề chính trong mối quan hệ cạnh tranh, mâu thuẫn giữa TQ và Nhật Bản trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là kể từ khi nổ ra mâu thuẫn tranh giành quần đảo Senkaku trên khu vực Biển Hoa Đông và cả hai đều đang thể hiện mình là chủ thực sự của vùng đảo.

Bình Nguyên