Nhật Bản lập phòng nghiên cứu đối phó Trung Quốc ở Hoa Đông, Biển Đông

24/08/2015 07:45
Việt Dũng (Tổng hợp)
(GDVN) - Nhật Bản muốn theo dõi chặt chẽ các hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực, nhưng cựu quan chức Nhật cho rằng cần ưu tiên hợp tác, Thủ tướng Nhật Bản...

Muốn nắm chắc mọi động thái quân sự của Trung Quốc

Mạng tin tức NHK Nhật Bản ngày 21 tháng 8 đưa tin, để nắm chắc các động thái quân sự của Trung Quốc, ứng phó với các hoạt động ngày càng dồn dập của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa quyết định, thành lập mới phòng nghiên cứu chuyên điều tra và phân tích tình báo Trung Quốc trong Viện nghiên cứu phòng vệ trực thuộc bộ.

Đối đầu Trung-Nhật ở vùng biển đảo Senkaku năm 2013 (ảnh tư liệu)
Đối đầu Trung-Nhật ở vùng biển đảo Senkaku năm 2013 (ảnh tư liệu)

Theo bài báo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có ghi chép đầy đủ về các tình hình như hoạt động trên biển, chi tiêu quân sự của Trung Quốc, nhưng vẫn biết ít về nội dung chi tiết các động thái quân sự và số lượng vũ khí trang bị cụ thể của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, “sự không minh bạch trong các động thái quân sự của Trung Quốc khiến cho Nhật Bản và cộng đồng quốc tế rất lo ngại”. Vì vậy, họ quyết định thành lập phòng nghiên cứu Trung Quốc riêng.

Viện nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản chủ yếu phụ trách điều tra, nghiên cứu các phương hướng chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh và lịch sử chiến tranh, đồng thời có chức năng giáo dục đào tạo cán bộ cao cấp của Lực lượng Phòng vệ.

Chạy đua quân sự hay hợp tác chính trị?

Tờ tuần san “Nhà kinh tế học” Nhật Bản ngày 18 tháng 8 đăng bài viết “Không ngừng tăng cường quân bị không bằng ưu tiên hợp tác quốc tế” của cựu Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Kyoji Yanagisawa.

Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc được Bộ Quốc phòng Nhật Bản chụp được
Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc được Bộ Quốc phòng Nhật Bản chụp được

Bài viết cho rằng, chính quyền Shinzo Abe đang thực hiện chính sách an ninh thể hiện sự lo ngại đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và nguy cơ không được Mỹ hỗ trợ khi xảy ra xung đột. Chính sách này nhằm củng cố đồng minh và tăng cường năng lực ngăn chặn của Mỹ-Nhật, đề phòng Nhật Bản bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh.

Nhưng, tăng cường hợp tác quân sự sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng, làm cho quốc gia đối phương có thể lợi dụng tạo ra lý do chính đáng để hỗ trợ cho các hành động quân sự của họ. Ngoài ra, nếu Nhật Bản bảo vệ tàu Mỹ, nước tấn công Mỹ sẽ coi Nhật Bản là kẻ thù. Nhật Bản vẫn có thể bị lôi kéo vào chiến tranh.

Về khả năng phòng vệ, Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới, nhưng ra nước ngoài tham chiến thì quy mô quá nhỏ và không hề có kinh nghiệm. Trong tình hình này, Nhật Bản thông qua tăng cường quân bị để chống lại đường lối bành trướng của Trung Quốc là không thực tế trong tình hình tài chính hiện nay của Nhật Bản.

Bài viết cho rằng, nếu tiến hành chạy đua vũ trang với Trung Quốc thì Nhật Bản sớm muộn sẽ “không chịu nổi”.

Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc được Nhật Bản chụp được ngày 16 tháng 11 năm 2013
Máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc được Nhật Bản chụp được ngày 16 tháng 11 năm 2013

Nếu thực hiện chính sách an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe, rủi ro hành động như một quân đội (giống Quân đội Mỹ) sẽ tăng mạnh. Điều này phải chăng sẽ tăng mạnh hệ số an toàn cho Nhật Bản?

Nhật Bản 70 năm không tham chiến, tức là 70 năm không có kinh nghiệm sử dụng sức mạnh quân sự. Sự trông đợi lớn nhất của Nhật Bản là làm giảm mối đe dọa từ quốc gia không ngừng tiến hành bành trướng quân sự. Phải sử dụng tất cả các biện pháp chính sách trong đó có kinh tế, văn hóa.

Mở rộng sức mạnh quân sự để đạt được sức mạnh phòng vệ cân bằng là một câu trả lời, còn bày tỏ thái độ “không bị ép đến mức không có cách nào lựa chọn thì sẽ không tiến hành tấn công” cũng là một phương pháp.

Khi xác định con đường phát triển quốc gia của Nhật Bản, trước hết phải quy định Lực lượng Phòng vệ hiện tại cần phát huy những vai trò nào trong khuôn khổ chính trị, thứ hai là quy định thực hiện các chính sách mà khả năng phòng vệ không với tới.

Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch

Bài viết cho rằng, nhìn vào hiện trạng, Nhật Bản nên cân nhắc vấn đề cơ bản là hợp tác chính trị với các nước châu Á. Quan điểm thực hiện quyền tự vệ tập thể là lấy tồn tại kẻ thù làm tiền đề, điều này sẽ làm trầm trọng hơn quan hệ thù địch, không phải là việc tốt đối với châu Á và Nhật Bản.

Trong quan hệ với Trung Quốc, báo chí Nhật Bản ngày 18 tháng 8 cũng cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Bắc Kinh gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 3 tháng 9 năm 2015 – ngày kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng chống phát xít.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ông Shinzo Abe sẽ không tham dự lễ duyệt binh do Trung Quốc tổ chức vào buổi sáng cùng ngày ở quảng trường Thiên An Môn. Chuyến đi này sẽ đem lại ấn tượng về sự hòa dịu của quan hệ Nhật-Trung. 

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Việt Dũng (Tổng hợp)