Bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc:

"Nhật Bản sẵn sàng áp dụng tập kích đánh đòn phủ đầu Trung Quốc"

02/10/2013 09:14
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản đang âm thầm tăng cường quân bị, xây dựng kế hoạch tác chiến đảo Senkaku, sẵn sàng tập kích đánh đòn phủ đầu đối với Trung Quốc...
Máy bay do thám không người lái BZK-005 do Quân đội Trung Quốc chế tạo
Máy bay do thám không người lái BZK-005 do Quân đội Trung Quốc chế tạo

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, gần nửa tháng qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã triển khai một cuộc đánh cờ về "máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập vùng trời đảo Senkaku".

Ngày 9 tháng 9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận, có một máy bay không người lái Trung Quốc bay ở vùng trời đảo Senkaku, trước ngày kỷ niệm "18/9", Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố "xem xét bắn rơi".

Đối với vấn đề này, báo Trung Quốc cho rằng, nếu Nhật Bản thực sự muốn bắn rơi máy bay không người lái Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả, xung đột Trung-Nhật sẽ không thể tránh khỏi.

Điều đáng chú ý là, có truyền thông Nhật Bản cho rằng, căn cứ vào báo cáo đánh giá của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đối với năng lực của Lực lượng Phòng vệ, trong chiến tranh mô phỏng đảo Senkaku, năng lực chiến đấu và năng lực vận tải của Lực lượng Phòng vệ rõ ràng không đủ, khó mà chống chọi được với thế tấn công của Trung Quốc.

Theo báo “Hoàn Cầu”, được biết, máy bay không người lái bay trên vùng trời đảo Senkaku ngày 9 tháng 9 là máy bay do thám không người lái BZK-005 do Quân đội Trung Quốc nghiên cứu phát triển, thời gian bay liên tục là 40 giờ, tính năng “tương đương” với máy bay do thám vũ trang không người lái được Mỹ ở các khu vực như Afghanistan.

Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Còn việc phát hiện máy bay không người lái Trung Quốc ở vùng trời đảo Senkaku là lần đầu tiên. Điều này làm cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản rất “căng thẳng”.

Một quan chức Lực lượng Phòng vệ phân tích cho rằng, máy bay không người lái phải có sự phối hợp của thiết bị trên đất liền và vệ tinh mới có thể sử dụng, vì vậy có thể thấy, trình độ công nghệ máy bay không người lái của Trung Quốc đã được tăng cường tương đối.

Hơn nữa, giá thành sử dụng máy bay không người lái rất thấp, nếu Trung Quốc dồn dập điều động máy bay không người lái, thì rất có thể làm cho máy bay chiến đấu Nhật Bản mệt mỏi.

Trong khi đó, đa số máy bay chiến đấu chủ lực F-4J, F-15J hiện có của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã hoạt động được 20 năm trở lên, rất cũ kỹ, nếu lại bị máy bay không người lái Trung Quốc dồn dập gây phiền phức, chắc chắn sẽ nhanh hỏng hơn.

Giống như trước đây, đối với sự kiện này, Nhật Bản luôn phản ứng "quá mức". Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động trên biển những năm gần đây, máy bay không người lái Trung Quốc trong tương lai rất có khả năng tiếp cận không phận Nhật Bản, đe dọa an ninh quốc gia Nhật Bản.

Tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản cho rằng, hiện nay, đối với máy bay có người lái xâm nhập "Khu nhận biết phòng không" bên ngoài không phận của Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đều sử dụng phương thức điều động máy bay chiến đấu chặn lại, nhưng loại biện pháp này không có tác dụng đối với máy bay không người lái, vì vậy, chính phủ Nhật Bản cho rằng, phi công phải có một bộ quy tắc hành động đối với máy bay không người lái, gồm cả bắn rơi.

Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Theo báo Trung Quốc, đằng sau việc Nhật Bản tích cực nhấn mạnh đến mối đe dọa của máy bay không người lái Trung Quốc, là sự căng thẳng và bi quan đối với tình hình đảo Senkaku.

Hiện nay, hoạt động "tuần tra" liên tục của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh đảo Senkaku đã trở nên "bình thường hoá", đã chọc thủng trạng thái tấn công-phòng thủ Trung-Nhật trước khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hoá đảo Senkaku, điều này làm cho cuộc đánh cờ tình hình đảo Senkaku trong tương lai phát triển theo hướng “có lợi cho Trung Quốc”.

Trong khi đó, Nhật Bản lại mệt mỏi trong việc bảo bệ lãnh hải, bảo vệ ngư dân, những ngày tháng yên tĩnh và "kiểm soát thực tế" trước khi "quốc hữu hoá" không còn nữa, rất nhiều thứ “được không bằng mất”.

Báo “Hoàn Cầu” cố tình tuyên truyền cho rằng, đứng trước sự áp sát của Trung Quốc ở đảo Senkaku, chính quyền Shinzo Abe một mặt tích cực nhấn mạnh đến "mối đe doạ từ Trung Quốc", “gây đối đầu” giữa nhân dân hai nước Trung-Nhật, tạo nền tảng lòng dân cho sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự; mặt khác âm thầm không ngừng mở rộng quân bị, bí mật đưa ra kế hoạch tác chiến đảo Senkaku, trong tình hình cần thiết, sẵn sàng áp dụng tập kích đánh đòn phủ đầu đối với Trung Quốc, nhằm giành lấy hoặc mở rộng ưu thế quân sự đối với Trung Quốc.

Nhưng, bài báo nhận định cho rằng, sức mạnh của Nhật Bản đã không được như trước đây. Hiện nay, cán cân sức mạnh trên không giữa hai bên Trung-Nhật đang phát triển theo xu thế “có lợi cho Trung Quốc”.

Tháng 9 năm 2012, Đại quân khu Nam Kinh diễn tập đột kích đảo
Tháng 9 năm 2012, Đại quân khu Nam Kinh diễn tập đột kích đảo

Căn cứ vào sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2012, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản hiện có 47.313 quân, trang bị trên 820 máy bay các loại, trong đó có 361 máy bay chiến đấu. Về quy mô, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản kém xa Không quân Trung Quốc; về cơ cấu trang bị, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản là một lực lượng "phòng thủ mạnh, tấn công yếu", ở mức độ nào đó là một không quân bị "thiến" - cách dùng từ cực kỳ kích động thường thấy trên báo Hoàn Cầu.

Tờ "Yomiuri Shimbun" cho biết, để đưa ra "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản giả định nhiều tình huống khẩn cấp như Trung Quốc "xâm chiếm" đảo Senkaku, Đài Loan có biến, tên lửa Triều Tiên tấn công Nhật Bản, đồng thời “lượng hoá” trang bị và năng lực giữa Lực lượng Phòng vệ với đối phương, lấy Mỹ không tiến hành trợ giúp làm tiền đề, tiến hành phân tích trên máy tính.

Trong chiến tranh mô phỏng đảo Senkaku, năng lực tác chiến và vận tải của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản rõ ràng không đủ, khó mà phòng ngự trước sự tấn công của Trung Quốc. Một quan chức Bộ Quốc phòng tiết lộ, kết quả phân tích "vô cùng thê thảm", Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera sau khi nhận được báo cáo, khó mà che giấu được sự kinh ngạc.

Mặc dù Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thừa nhận đang xem xét tiến hành các loại ứng phó đối với các hành vi "xâm phạm không phận" như của máy bay không người lái, nhưng về các biện pháp cụ thể, Yoshihide Suga lại cho biết, sẽ không nói chi tiết, vì điều này sẽ làm lộ nội tình của Nhật Bản. Điều này khó tránh khỏi gây phỏng đoán: Nhật Bản có dám tấn công máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập không phận đảo Senkaku hay không?

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tổ chức diễn tập đoạt lại đảo (ảnh tư liệu)
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tổ chức diễn tập đoạt lại đảo (ảnh tư liệu)

Báo “Hoàn Cầu” nghĩ rằng, Nhật Bản nếu bắn rơi máy bay không người lái Trung Quốc xâm phạm không phận đảo Senkaku, sẽ "vi phạm nghiêm trọng" luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên Hợp Quốc, và điều khoản của "Hiến pháp Hòa bình" Nhật Bản - có liên quan đến "từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh được phát động với tư cách là chủ quyền quốc gia, đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực với tư cách là biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế"; Nhật Bản bắn rơi máy bay không người lái sẽ bị coi là Nhật Bản "đã bắn phát súng đầu tiên của chiến tranh".

Tháng 9 năm 2012, Nhật Bản tiến hành quốc hữu hoá đảo Senkaku, vì vậy tháng 9 năm 2013 được cho là giai đoạn quan trọng của căng thẳng Trung-Nhật ở đảo Senkaku. Thậm chí không ít phương tiện truyền thông cho rằng, giữa Trung-Nhật rất có thể sẽ bùng phát chiến tranh do vấn đề đảo Senkaku.

Trong khi đó, tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc gần đây bình luận, nhấn mạnh Trung Quốc không e ngại bất cứ sự khiêu khích nào, có ý chí kiên định và đủ thực lực “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”. Trung Quốc cũng có rất nhiều thủ đoạn đáp trả, trong đó có bắn rơi máy bay chiến đấu và máy bay do thám của Nhật Bản ở không phận đảo Senkaku và lấy phương thức hỏa lực trên không, trên biển hoặc gây nhiễu điện tử để bắn rơi máy bay do thám P-3C Nhật Bản thường xuyên tuần tra ở "Khu nhận biết phòng không" trên không biển Hoa Đông.

Báo Trung Quốc kết luận ảo tưởng, chính quyền Shinzo Abe phải “vất vả chống đỡ” trong ván cờ đảo Senkaku, không bằng xem xét thời thế, biết tiến biết lùi, đem lại một số không gian (để xoay xở) cho đối phương và cho bản thân.

Nhật Bản đã chế tạo được máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1, dùng để thay thế cho P-3C (mua của Mỹ) trong tương lai
Nhật Bản đã chế tạo được máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1, dùng để thay thế cho P-3C (mua của Mỹ) trong tương lai
Đông Bình