Nhật Bản sẵn sàng chiến đấu đối phó Trung Quốc ở đảo Senkaku

06/11/2013 08:58
Đông Bình
(GDVN) - Báo cáo tóm tắt ngân sách năm tài khóa 2014 hầu hết đề cập đến việc cấp kinh phí cho việc tăng cường năng lực ứng phó với Trung Quốc.
Xe chiến đấu đổ bộ AAV7 RAM-RS do Mỹ chế tạo
Xe chiến đấu đổ bộ AAV7 RAM-RS do Mỹ chế tạo

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 29 tháng 10 đưa tin, gần đây Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố báo cáo tóm tắt ngân sách năm tài khóa 2014. Theo báo cáo, hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản không ngừng mở rộng và việc CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo, đã tiếp tục làm tăng thêm tính nghiêm trọng của môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản.

Báo cáo nhấn mạnh, Nhật Bản phải tiếp tục tăng cường mức độ cảnh giới, theo dõi vùng biển tây nam, tổ chức lại đội cảnh giới trên không của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, thành lập "Đội cảnh giới, theo dõi bay 2", thông qua nhập khẩu các trang bị như máy bay trực thăng do thám không người lái, xe chiến đấu đổ bộ AAV7RAM/RS, hoàn thiện phòng thủ các hòn đảo tây nam, đối phó Trung Quốc.

Theo phóng viên báo "Hoàn Cầu", so với báo cáo tóm tắt ngân sách tài khóa năm 2013, báo cáo mới dài 60 trang đã đưa thêm vào nội dung chưa từng được đề cập tới trước đây. Do đó có thể thấy, ý đồ nhằm vào Trung Quốc của Nhật Bản rất rõ ràng.

Trong việc tăng cường năng lực cảnh giới, theo dõi vùng biển tây nam, báo cáo trước tiên đề xuất, để tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo sớm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tiến hành bàn thảo về khả năng nhập khẩu máy bay cảnh báo sớm mới, sẽ chính thức thúc đẩy công việc mua sắm trang bị có liên quan vào năm 2014; đồng thời, nâng cao năng lực máy bay cảnh báo sớm E-767 hiện có của Nhật Bản, đổi mới thiết bị máy tính trung tâm và thiết bị hỗ trợ điện tử.

Máy bay cảnh báo sớm E-767 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, mua của Mỹ
Máy bay cảnh báo sớm E-767 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, mua của Mỹ

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh, để hoàn thiện thể chế cảnh giới, theo dõi của Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tiến hành sắp xếp, tổ chức lại "Đội cảnh giới trên không" hiện có, 2 căn cứ Misawa, Hamamatsu vốn có sẽ mở rộng thành 3 căn cứ, căn cứ Naha mới sẽ trở thành căn cứ "Lực lượng cảnh giới, theo dõi bay 2" máy bay cảnh báo sớm E-2C của Nhật Bản. Đồng thời, sẽ chi 1,3 tỷ yên, hoàn thiện hạ tầng cơ sở cần thiết của căn cứ Naha.

Trong phần có liên quan đến tăng cường năng lực thu thập tình báo ở vùng biển xung quanh, báo cáo lần đầu tiên nhắc tới sẽ bố trí trước 4 máy bay tuần tra chống tàu ngầm cánh cố định nội địa P-1 của Nhật Bản, thay thế cho máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C hiện có.

Đồng thời, vì tàu hộ vệ Hatsuyuki đã cũ kỹ, Nhật Bản sẽ chế tạo mới 1 tàu hộ vệ Project 25DD (lượng giãn nước 5.000 tấn), tăng cường năng lực dò tìm săn ngầm. Ngoài ra, sẽ còn khởi động chế tạo một tàu ngầm lớp Soryu (lượng giãn nước 2.900 tấn) để mở rộng quy mô 16 tàu ngầm hiện có.

Trong một phần nội dung này, báo cáo còn cho biết rõ sẽ khởi công chế tạo 1 tàu ngầm mới, tàu cứu viện (ASR, lượng giãn nước lớp 5.600 tấn).

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do Nhật Bản chế tạo

Về vùng trời hướng tây nam của Nhật Bản, báo cáo cho biết, sẽ nghiên cứu tính tương thích giữa máy bay không người lái và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, sau khi hoàn thành điều tra nghiên cứu liên quan, cuối cùng sẽ đưa ra quyết định nhập khẩu máy bay không người lái cần thiết, hoàn thiện cơ sở đồng bộ.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nhật Bản điều tra nghiên cứu máy bay không người lái bay siêu cao, ở lâu trên không, tăng cường mức độ theo dõi đối với không phận và lãnh hải Nhật Bản. Báo cáo tiếp tục khẳng định, Nhật Bản sẽ triển khai "lực lượng theo dõi bờ biển" của Lực lượng Phòng vệ ở Yonaguni, nơi cách rất gần Trung Quốc, tổng kinh phí sẽ lên tới 15,5 tỷ yên.

Khi đề cập đến "Lực lượng Thủy quân lục chiến" phiên bản Nhật Bản, báo cáo cho biết, để thành lập lực lượng chuyên tiến hành tác chiến đổ bộ, sẽ tiến hành biên chế lại Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, trong đó sẽ triển khai xe bọc thép đổ bộ, tiếp tục tăng cường sức chiến đấu. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu tác chiến của "Lực lượng Thủy quân lục chiến" phiên bản Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chi 1,3 tỷ yên, mua 2 xe bọc thép đổ bộ AAV7RAM/RS của Mỹ để đề phòng nước ngoài phát động tấn công đối với các đảo có liên quan, từ đó tăng cường năng lực tác chiến đoạt lại đảo cho Nhật Bản.

Hệ thống phóng tên lửa đất đối hạm Project 88 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Hệ thống phóng tên lửa đất đối hạm Project 88 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.

Ngoài ra, về trang bị Lực lượng Phòng vệ "khu vực tây nam" của Nhật Bản, báo cáo đề xuất phải dựa trên cơ sở hệ thống tên lửa đất đối hạm Project 88 hiện có, cấp 30,2 tỷ yên, tăng mới 16 hệ thống phóng tên lửa đất đối hạm Project 12; đồng thời mua 13 quả bom dẫn đường chính xác laser (LJDAM).

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ còn đổi mới radar kiểm soát, cảnh giới kiểu cố định hiện có, sẽ thay thế radar FPS-2 hiện triển khai ở tỉnh Yamaguchi bằng radar FPS-7, tăng cường năng lực ứng phó với tên lửa đạn đạo.

Theo bài báo, tổng quan nội dung báo cáo tóm tắt ngân sách tài khóa năm 2014 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tất cả đều có ý nhằm vào Trung Quốc. Động thái chính sách của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự, an ninh luôn được các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế rất quan tâm.

Gần đây, Nhật Bản tuyên bố, mối đe dọa an ninh xung quanh ngày càng nghiêm trọng, điều này được báo Trung Quốc diễn giải là Nhật Bản đang “ra sức tuyên truyền mối đe dọa từ Trung Quốc”, Nhật muốn “gây đối đầu căng thẳng”, vu cáo Nhật mượn cớ để không ngừng mở rộng quân bị. Cũng như rất nhiều bài báo khác của Trung Quốc, tờ "Hoàn Cầu" lại khuyên cộng đồng quốc tế nên "cảnh giác" với ý đồ của Nhật Bản (?).

Radar theo dõi tên lửa đạn đạo FPS-5 Nhật Bản (ảnh minh họa)
Radar theo dõi tên lửa đạn đạo FPS-5 Nhật Bản (ảnh minh họa)
Đông Bình