Nhật Bản thành lập “Phòng Chiến lược Vũ trụ” đối phó với Trung Quốc

25/02/2012 08:41
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Một số nước như Trung Quốc, Mỹ đang có tốc độ khai phá vũ trụ rất nhanh, khiến cho Nhật Bản rất sốt ruột.
Nhật Bản phóng tên lửa đẩy.
Nhật Bản phóng tên lửa đẩy.

Năm 2011, sau khi lên làm Thủ tướng, Yoshihiko Noda đã nhanh chóng ra chỉ thị, muốn thành lập một “Phòng Chiến lược Vũ trụ” trong Văn phòng Nội các.

Hiện nay, có tin cho biết, “Phòng Chiến lược Vũ trụ” dự kiến sẽ được thành lập vào mùa xuân năm nay. Tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản cho rằng Noda là “người rất quan tâm tới sự khai phá vũ trụ của Nhật Bản”.

Vấn đề là, so với các Thủ tướng khác của Nhật Bản, Noda tại sao lại quan tâm đến khai phá vũ trụ của Nhật Bản như vậy? Ông sẽ đưa việc khai phá vũ trụ của Nhật Bản tới đâu?

Năm 2008, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua “Luật cơ bản vũ trụ” do Đảng Dân chủ Tự do, Đảng New Komeito và Đảng Dân chủ cùng đề xuất.

Nếu đem so sánh bộ luật này với bộ luật có liên quan được Quốc hội Nhật Bản thông qua năm 1969 sẽ phát hiện, khi đó Nhật Bản đề xuất việc khai phá vũ trụ phải lấy “phi quân sự” làm nguyên tắc, còn bộ luật hiện nay khẳng định việc khai phá vũ trụ của Nhật Bản “phải có lợi cho bảo đảm an ninh”, đồng thời cho phép dùng cho phòng vệ với phạm vi nhất định.

Vệ tinh khí tượng MTSAT-2 của Nhật Bản.
Vệ tinh khí tượng MTSAT-2 của Nhật Bản.

Sau khi lên làm Thủ tướng, Noda đã xác định khai phá vũ trụ là “lĩnh vực mới” để tái sinh Nhật Bản, có ý định thành lập một “Cơ quan Vũ trụ” cấp gần tương đương với Bộ, trên nền tảng “Ban chiến lược khai phá vũ trụ” của Chính phủ Nhật Bản.

Nhưng, khai phá vũ trụ của Nhật Bản hiện ở trạng thái “rắn không đầu”, với không dưới 10 cơ quan: Bộ Văn hóa-Khoa học có cơ quan khai phá của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ (JAXA), vệ tinh do thám do Văn phòng Nội các trực tiếp phụ trách, vệ tinh khí tượng do Bộ Lãnh thổ-Giao thông phụ trách, hệ thống thông tin vũ trụ do Bộ Nội vụ phụ trách, vệ tinh quan trắc môi trường Trái đất do Bộ Môi trường phụ trách, Bộ Quốc phòng đang tiến hành phòng thủ tên lửa đạn đạo, còn Bộ Ngoại giao phụ trách ngoại giao vũ trụ.

Hiện nay, mỗi năm Chính phủ Nhật Bản cấp 300 tỷ yên cho khai phá vũ trụ, số lượng không ít, nhưng lại không tập trung.

Do đó, Noda đã chỉ thị sửa đổi “Luật thiết lập cơ quan nghiên cứu khai phá vũ trụ”, tăng thêm nội dung có liên quan đến việc thiết lập “Phòng Chiến lược Vũ trụ” trong Văn phòng Nội các, trình lên Quốc hội xem xét, tranh thủ thành lập vào mùa xuân năm nay.

Đồng thời, còn chuẩn bị thành lập “Ủy ban Chính sách Vũ trụ” dành cho các nhà khoa học Nhật Bản.

Tàu Thần Châu - 7 của Trung Quốc.
Tàu Thần Châu - 7 của Trung Quốc.

Thực ra, bối cảnh sâu sắc dẫn đến Nhật Bản vội vã đầu tư khai phá vũ trụ như vậy có nguồn gốc từ việc khai phá vũ trụ của các nước như Trung Quốc, Mỹ.

Dự kiến đến giữa thập niên 30 của thế kỷ này, Mỹ sẽ đưa người bay lên quỹ đạo của Sao Hỏa, đồng thời coi đó là kế hoạch khai thác không gian vũ trụ có người lái thời đại “hậu tàu con thoi”.

Trung Quốc có kế hoạch đưa “xe mặt trăng” lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2013, đồng thời có kế hoạch phóng một thiết bị bay đổ bộ lên Mặt Trăng có người lái từ năm 2025-2030. Điều này làm cho Nhật Bản rất sốt ruột.

Nhật Bản muốn dựa vào Mỹ, năm 2009 từng đưa ra kế hoạch khai phá vũ trụ có người lái, phối hợp với kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng của Mỹ để đưa người Nhật lên Mặt Trăng, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ do Mỹ tuyên bố dừng kế hoạch ban đầu.

Ngày 4/1/2011, tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản có bài xã luận cho rằng “Nhật Bản không có chiến lược khai phá vũ trụ lâu dài. Nhật Bản cần tích cực thúc đẩy hợp tác với Mỹ, tăng cường bảo đảm an ninh để ứng phó với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trên phương diện khai phá vũ trụ”.

Các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc.
Các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc.

Trong cuốn sách “Kẻ thù của nền dân chủ”, Thủ tướng Nhật Bản Noda cho biết: “Hiện nay, đất hiếm dùng cho sản xuất điện thoại di động, máy tính của Nhật Bản, 90% dựa vào nhập khẩu của Trung Quốc. Đồng thời, trước mắt chúng ta còn không thể tự điều tiết.

Nếu làm được vệ tinh do thám, sẽ có thể phát hiện được lượng lớn đất hiếm ở dưới đáy biển. Cho nên, chúng ta cần tiến hành chuẩn bị mang tính chiến lược”.

Như vậy, một trong những mục đích mà Thủ tướng Noda thúc đẩy Nhật Bản khai phá vũ trụ chính là tiến hành đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ.

Có lẽ, điều này đã trở thành phương hướng khai phá vũ trụ trong tương lai của Nhật Bản, từ đó mở ra một cuộc cạnh tranh khai phá vũ trụ giữa Trung-Nhật.

Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)