Nhiều công trình không phép trên núi Hải Vân, Đà Nẵng có “xử” được không?

26/12/2015 11:35
THÙY LINH
(GDVN) - Biệt phủ của đại gia vàng xây không phép đã tháo dỡ, nhưng hiện còn nhiều công trình xây dựng trái phép trên núi Hải Vân thách thức chính quyền Đà Nẵng.

Dư luận vừa qua xôn xao về những biệt thự, biệt phủ xây trái phép trên núi Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trong một thời gian dài mà không ai ngăn cản.

Sau đó, chính quyền Đà Nẵng vào cuộc xử lý quyết liệt. Và, kết quả là biệt thự của ông Phan Như Thạch (thiếu tướng, nguyên giám đốc Công an Quảng Nam, nay đã nghỉ hưu - PV) và biệt phủ của ông Ngô Văn Quang (giám đốc một công ty vàng ở Quảng Nam) đã bị đập bỏ.

Biệt phủ xây trái phép trên núi Hải Vân của ông Ngô Văn Quang đã bị đập bỏ, còn nhiều công trình khác vi phạm, hiện đang thách thức chính quyền Đà Nẵng. Ảnh T.L
Biệt phủ xây trái phép trên núi Hải Vân của ông Ngô Văn Quang đã bị đập bỏ, còn nhiều công trình khác vi phạm, hiện đang thách thức chính quyền Đà Nẵng. Ảnh T.L

Từ đây, câu chuyện xây dựng không phép, trái phép của những công trình trên núi Hải Vân trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. 

Một lãnh đạo của quận Liên Chiểu cho hay, những công trình xây dựng trái phép trên núi Hải Vân đã có từ lâu nay. Nhưng chủ rừng lúc đó là Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân (đã giải thể vào năm 2008-PV, nay là Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu) không hiểu vì sao lại không biết hay làm ngơ?.

"Hồi đó, họ (Ban QL rừng đặc dụng Nam Hải Vân - PV) là chủ rừng, có nghĩa mọi hoạt động trong phạm vi rừng mà họ quản lý thì chắc chắn họ phải biết chứ. Nhưng không hiểu sao nhiều công trình xây dựng nằm trong rừng Hải Vân mà họ vẫn cứ làm ngơ!?", vị lãnh đạo này xin giấu tên, nói.

Nói rồi, vị lãnh đạo này cho phóng viên biết, nếu muốn tìm hiểu những hồ sơ "có vấn đề" thì nên tới UBND phường Hòa Hiệp Bắc sẽ rõ.

Biệt thự nguy nga của tướng Thạch cũng đã đập bỏ, chỉ còn lại đống gạch vụn...Ảnh T.L
Biệt thự nguy nga của tướng Thạch cũng đã đập bỏ, chỉ còn lại đống gạch vụn...Ảnh T.L

Sở dĩ vị lãnh đạo này hướng dẫn như thế bởi vì mới đây, phía Kiểm lâm Đà Nẵng bàn giao cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc hơn nửa rừng Nam Hải Vân cho địa phương quản lý, nhưng có 49 hồ sơ "có vấn đề" bị địa phương "ách" lại vì phía Kiểm lâm chưa giải quyết thấu đáo.

Theo ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết: Phía địa phương cũng đang "đau đầu" về việc bàn giao rừng của Kiểm lâm.

"Nếu chỉ nghe qua về việc những công trình xây dựng không phép trên núi Hải Vân thuộc địa phận của phường thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi chính quyền địa phương ở đâu? vì sao lại để chuyện này xảy ra?. Nhưng họ đâu có biết, rừng đó trước đây là do Kiểm lâm quản lý, mọi hoạt động trong rừng họ đều phải nắm và giải quyết. Khi chưa bàn giao cho địa phương thì địa phương cũng chịu...", ông Hải cho hay.

Để chứng minh, ông Hải cung cấp cho phóng viên Biên bản bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Biên bản bàn giao rừng và đất lâm nghiệp...Trong biên bản này, UBND phường Hòa Hiệp Bắc chưa chịu nhận 49 hồ sơ "có vấn đề"!. Ảnh T.L
Biên bản bàn giao rừng và đất lâm nghiệp...Trong biên bản này, UBND phường Hòa Hiệp Bắc chưa chịu nhận 49 hồ sơ "có vấn đề"!. Ảnh T.L

Trong biên bản này, UBND phường Hòa Hiệp Bắc chưa chịu tiếp nhận 49 hồ sơ đất rừng (khoảng 127 ha) có vấn đề về chuyển nhượng, mua bán và sử dụng không đúng mục đích... 

Ông Hải cho biết: Toàn bộ diện tích Rừng đặc dụng Nam Hải Vân trước đây có khoảng 3.200 ha. Đến ngày 18/10/2014, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc quản lý.

"Khoảng 1.630 ha được giao cho phường Hòa Hiệp Bắc quản lý, trong đó có 570 ha đất rừng sản xuất và số còn lại là quy hoạch 3 loại rừng, như dịch vụ, đất khác… Số còn lại là Rừng đặc dụng Nam Hải Vân do Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu quản lý.

Sau khi kiểm tra, trong đó có một số  hồ sơ chưa đủ pháp lý, chưa đảm bảo; bên cạnh đó, có một số hộ sử dụng đất không đúng với quy định giao khoán nên trong ngày bàn giao 17/8/2015 có sự tham gia các bên liên quan, phường Hòa Hiệp Bắc chưa tiếp nhận 49 hồ sơ (khoảng 127 ha) và đề nghị Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu giải quyết dứt điểm, hoàn thiện hồ sơ thì phía phường Hòa Hiệp Bắc mới tiếp nhận", ông Hải cho biết.

Ông Hải cho biết thêm, UBND phường Hòa Hiệp Bắc cũng đã đề nghị đối với phần diện tích 127,6 ha của các hồ sơ giao khoán không đúng thời điểm, mua bán chuyển nhượng, sử dụng không đúng mục đích thì  phường Hòa Hiệp Bắc chỉ tiếp nhận phân cấp quản lý, còn mọi vướng mắc có liên quan đến các hồ sơ thuộc diện tích 127,6ha thì mọi giải quyết thuộc trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, phối hợp với UBND phường xử lý.

Một công trình vi phạm trên rừng Nam Hải Vân, gần biệt phủ của ông Ngô Văn Quang nhưng không bị xử lý. Ảnh T.L
Một công trình vi phạm trên rừng Nam Hải Vân, gần biệt phủ của ông Ngô Văn Quang nhưng không bị xử lý. Ảnh T.L

Ngoài ra, do diện tích lớn, nên ngoài diện tích 127,6 ha chưa tiếp nhận trên, nếu phía UBND phường kiểm tra, rà soát phát hiện ra những thiếu sót khác thì Hạt KL có trách nhiệm phối hợp giải quyết.

“Căn cứ Luật quản lý, bảo vệ rừng  thì trách nhiệm quản lý, bảo vệ là của chủ rừng, tổ chức, cá nhân nào muốn tác động vào rừng thì phải thông qua đơn vị chủ rừng.

Còn việc chưa nhận bàn giao 49 hồ sơ thì phía phường thấy chưa bảo đảm hồ sơ nên chưa tiếp nhận, còn ai là chủ hồ sơ, mua bán, chuyển nhượng hoặc ai đứng sau thì phía phường chưa nắm, khi họ bàn giao đầy đủ hồ sơ thì chúng tôi mới nắm rõ được. Phường chỉ chịu trách nhiệm sau thời điểm bàn giao trở đi với phần đất rừng mình quản lý”, ông Hải nhấn mạnh.

Trạm Kiểm lâm Suối Lương đóng trong rừng Nam Hải Vân mà không biết các công trình xây dựng vi phạm đất rừng là điều mà dư luận đặt câu hỏi?. Ảnh T.L
Trạm Kiểm lâm Suối Lương đóng trong rừng Nam Hải Vân mà không biết các công trình xây dựng vi phạm đất rừng là điều mà dư luận đặt câu hỏi?. Ảnh T.L

Để tìm hiểu vì sao 49 hồ sơ "có vấn đề" này không được phía UBND phường Hòa Hiệp Bắc tiếp nhận, trưa 25/12, phóng viên đã tới trụ sở Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu.

Ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cho biết, do mới về nhận nhiệm vụ tại Hạt nên mọi hồ sơ liên quan đến vụ việc hiện "nằm" dưới Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi dù mới nhận nhiệm vụ là Hạt trưởng, nhưng khi bàn giao công việc thì ông cũng phải biết những hồ sơ này?. Chần chừ một lúc, ông Truyền lại nói "Cái này do lịch sử để lại, và tôi không có chức năng phát ngôn. Có gì phóng viên liên lạc với Chi cục trưởng Trần Văn Lương để được rõ".

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cho biết, vụ việc đang cho lực lượng rà soát lại cho kỹ rồi mới cung cấp cho phóng viên được.

"Tôi đang cho anh em rà soát lại kỹ tất cả hồ sơ vụ việc. Hiện giờ chưa có thông tin gì để cung cấp cho báo chí. Thời gian tới, khi xong xuôi, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo công bố rộng rãi", ông Lương nói.

Khi phóng viên hỏi, trong 49 hồ sơ "có vấn đề" này, có một số hồ sơ của các vị cựu "quan chức", đại gia...làm nhà vườn, các công trình trái phép trong thời gian dài mà Kiểm lâm không xử lý, báo cáo?, ông Lương cho rằng "Hiện giờ chưa biết của ai, để anh em rà soát lại đã, có gì đầu năm 2016 sẽ công bố sau".

Nhiều công trình xây dựng vi phạm trên núi Hải Vân đang chờ chính quyền Đà Nẵng vào cuộc xử lý. Ảnh T.L
Nhiều công trình xây dựng vi phạm trên núi Hải Vân đang chờ chính quyền Đà Nẵng vào cuộc xử lý. Ảnh T.L

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đàm Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho rằng việc UBND phường Hòa Hiệp Bắc chưa chịu nhận 49 hồ sơ trên là đúng.

"Phía Kiểm lâm chưa giải quyết dứt điểm những hồ sơ đó thì sao phường nhận được. Trách nhiệm đó của chủ rừng là đơn vị Kiểm lâm, không thể đổ cho chính quyền địa phương được bởi anh là chủ rừng, anh có quyền quyết định, còn chính quyền địa phương chỉ là đơn vị phối hợp", ông Hưng nói.

Sau biệt phủ, biệt thự của ông Quang, ông Thạch bị xử lý, tháo dỡ vừa qua, dư luận đang chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Đà Nẵng để rừng Hải Vân không phải chịu cảnh "xâu xé" và né trách nhiệm của chủ rừng!.

THÙY LINH