EMagazine

Vì một Việt Nam xanh khởi nguồn cho “Trạm cứu hộ bã mía” của nhóm HS Đà Nẵng

Vì một Việt Nam xanh khởi nguồn cho “Trạm cứu hộ bã mía” của nhóm HS Đà Nẵng

29/11/2024 06:42
Vân Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Từ bã mía, một phế phẩm nông nghiệp, nhóm 5 em học sinh đã triển khai dự án giải cứu bã mía thành phân bón hữu cơ.

Câu chuyện về năm em học sinh, đến từ Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công, Đà Nẵng. Các em đã thành lập dự án “Trạm Cứu Hộ Bã Mía” nhằm tận dụng bã mía - một phế phẩm nông nghiệp phổ biến nhưng có nhiều giá trị tiềm năng.

Dự án không chỉ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường mà còn thể hiện tinh thần sáng tạo, sự dám nghĩ, dám làm và khát khao khởi nghiệp từ các bạn trẻ. Nhóm được dẫn dắt bởi trưởng nhóm Nguyễn Khánh Nguyệt Dương, 17 tuổi, cùng các thành viên đầy nhiệt huyết gồm Thái Thị Mỹ Tuyết, Huỳnh Thị Hà, Nguyễn Thị Kiều Oanh và Phan Văn Phú, tất cả các em đều 16 tuổi.

tít 1.png

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Nguyệt Dương (trưởng dự án) cho biết: “Dự án - Trạm cứu hộ bã mía, được xuất phát từ thực trạng tại khu vực em đang sinh sống. Đây là nơi bã mía bị thải ra quá nhiều, dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu tới người dân nơi đây. Có thể kể đến các tác hại như làm mất mỹ quan đô thị, tích tụ chất thải rắn, và tạo điều kiện cho vi khuẩn, ruồi, bọ sinh sôi”.

Trước thực trạng này, nhóm học sinh đã khởi động dự án “Trạm Cứu Hộ Bã Mía”. Mô hình được khởi động vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ mía giải khát của khu vực tăng cao.

Trong quá trình tìm kiếm, tham khảo và nghiên cứu, nhóm đã kết hợp các thành phần dinh dưỡng bổ sung cho đất và cây trồng vào quy trình ủ bã mía. Sau khi thử nghiệm với hạt đậu xanh, nhóm đã thống nhất được công thức phù hợp cho quy trình này. Từ đó, nhóm tiến hành ủ với số lượng lớn hơn để tạo ra thành phẩm hoặc sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Cuối cùng, mọi người có thể mang bã mía đến trạm cứu hộ để đổi lấy phân bón hoặc cây trồng. Điều này giúp mọi người nhận thấy rõ ràng rằng, bã mía cũng chứa những thành phần “đắt giá” có thể tận dụng để làm phân bón cho cây trồng và cải thiện đất đai.

ảnh 1.png

Để “cứu bã mía”, em Nguyệt Dương hiểu rằng “Nhóm cần tuyên truyền cho mọi người xung quanh hiểu về giá trị của bã mía. Việc sử dụng bã mía làm phân bón là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, với nguyên liệu và dụng cụ có sẵn trên thị trường”.

Về mặt lý thuyết, ý tưởng là như vậy, nhưng thực tế lại khác. Em Nguyệt Dương bồi hồi, chia sẻ về thời gian khó khăn trong giai đoạn đầu của dự án. “Ban đầu, nhóm chỉ có ý tưởng đơn giản là xây dựng trạm cứu hộ bã mía bằng cách đổi bã lấy hiện vật. Tuy nhiên, chúng em chưa biết phải làm gì với bã mía đã thu gom, đổi lại hiện vật gì cho người mang bã đến, kinh phí duy trì sẽ lấy từ đâu, quy mô ảnh hưởng sẽ ra sao, và làm thế nào để huy động nhân lực tham gia?”.

Trước khi hành động, nhóm đã phải đối mặt với vô vàn thách thức. Để tìm ra lối đi, không ít lần nhóm đã tranh luận, bác bỏ ý kiến và thậm chí là cãi vã. Nhưng chính trong những buổi tranh luận ấy, nhóm chúng em đã thấu hiểu nhau hơn, và từng bước một, dự án dần trở nên hoàn thiện. “Cãi nhau để hiểu ý của nhau” là cách chúng em vẫn thường nói, vì chỉ khi thấu hiểu, mới có thể đi chung một con đường, trưởng dự án chia sẻ thêm.

ảnh 2.png
tít 2.png

Trong ký ức của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nữ sinh Nguyệt Dương nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ. “Đó là những buổi trưa nắng gắt, đứa nào đứa đấy mồ hôi nhễ nhại, chúng em chở nhau đến từng quán nước mía trong khu vực, xin bã mía từ cô chú bán nước.

Những bao bã mía đầy ắp được chúng em cẩn thận gom lại. Cảm giác vui sướng và hào hứng mỗi lần nhận bã mía như thể chúng em tìm được kho báu vậy. Sau đó, nhóm lại cùng nhau đi tìm các vật liệu khác như thùng xốp, phân gà, cám gạo, rồi lại khảo sát giá cả từng thứ”.

“Cứ như vậy, qua từng chuyến đi, chúng em dần hoàn thiện quy trình ủ phân. Khi bắt tay vào ủ mẫu thử, đó là khoảng thời gian chúng em cảm nhận rõ nhất sự khó khăn và vất vả. Những thùng ủ đầu tiên bốc lên mùi hôi thối, khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được và nhiều lần thử nghiệm không ra thành phẩm như mong muốn, nhóm rất chán nản” - em Nguyệt Dương tâm sự.

Chính trong những giây phút đơn giản ấy, dù là những công việc nhỏ như thế, lại chứa đựng biết bao tình cảm, sự đoàn kết và niềm tin vào một dự án môi trường xanh với biết bao ý nghĩa. Nhóm học sinh Đà Nẵng, không chỉ làm việc cùng nhau, mà các em còn cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, để cuối cùng có được thành quả là phân bón hữu cơ vi sinh từ bã mía, một sản phẩm mang đậm dấu ấn của sự nỗ lực và tâm huyết.

Không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, mô hình của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công đã mang lại lợi ích thiết thực trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Với sự đồng lòng và nhận thức đúng đắn, việc tái chế bã mía sẽ trở thành một giải pháp bền vững, giúp tạo ra một cộng đồng xanh, sạch và đầy trách nhiệm với môi trường.

Em Dương nhớ lại, một trong những thử thách của giai đoạn đầu. “Tuy dự án đã được giới thiệu và tuyên truyền, nhưng không phải ai cũng chú ý và sẵn sàng mang bã mía đến để đổi lấy phân bón hoặc cây trồng. Những buổi đầu tiên, trạm gần như không có người đến, khiến chúng em cảm thấy hoang mang và lo lắng”.

Tuy nhiên, thay vì bỏ cuộc, nhóm đã kiên trì, tiếp tục cải tiến cách thức truyền thông và tìm cách để thu hút sự tham gia của mọi người. Những khó khăn ấy đã thử thách sự kiên nhẫn và quyết tâm của nhóm, nhưng đồng thời cũng là bài học quý giá trong hành trình xây dựng và phát triển dự án.

Trong bã mía có những thành phần “đắt giá” bao gồm: Cellulose (50%), Hemicellulose (25%), Lignin (20%) và các khoáng chất khác (1,5%). Bã mía có nhiều ứng dụng thực tiễn mang lại giá trị lớn trong cuộc sống. Chúng có thể được dùng làm chất đốt, cung cấp nguồn năng lượng sạch, thức ăn cho gia súc,... Những ứng dụng này không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên mà còn giảm áp lực lên môi trường.

Dự án “Trạm Cứu Hộ Bã Mía”, khi đi vào hoạt động, không chỉ hướng tới mục tiêu xử lý bã mía mà còn hy vọng sẽ thành công trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trước khi triển khai dự án, nhóm học sinh đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo các phương pháp ủ phân từ bã mía, đặc biệt là phương pháp ủ nóng mà các em đã học trong trường. Nhóm đã kết hợp phương pháp này với chế phẩm sinh học EM gốc, có vai trò phân hủy các chất hữu cơ phức tạp và tạo ra các vi sinh có lợi.

Em Nguyệt Dương chia sẻ chi tiết về quá trình phát triển dự án: “Sau khi phát triển dự án, nhóm đã nhận thấy rằng có hai loại chế phẩm sinh học hiệu quả hơn và có giá thành hợp lý hơn so với chế phẩm EM gốc.

Thứ nhất, là vi khuẩn Bacillus, loại vi khuẩn này có khả năng phân hủy các chất hữu cơ phức tạp, giúp tạo mùn trong đất, cải thiện chất lượng đất trồng. Thứ hai, là nấm Trichoderma, có khả năng sản sinh các kháng sinh tự nhiên, giúp ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây hại trong quá trình ủ phân”.

tít 3.png

Dự án “Trạm Cứu Hộ Bã Mía” đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm của “nhóm cứu hộ”.

Em Nguyệt Dương tự hào, chia sẻ: “Về phương diện phân bón, chúng em đã tìm ra quy trình ủ phân từ bã mía đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả. Mô hình này cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, để chúng em có thể tổ chức các buổi tuyên truyền và hoạt động trao đổi bã mía thành cây trồng trong giờ sinh hoạt lớp.

Bên cạnh đó, chúng em còn được phường Hòa Xuân, nơi sinh sống - cấp phép tổ chức một buổi sinh hoạt giới thiệu mô hình, thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Xuân Phan Phú Cường. Phó Chủ tịch đã có những chia sẻ, động viên và ủng hộ các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường của chúng mình. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích mở rộng buổi tuyên truyền đến các khu vực khác để lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng”.

ảnh 3.png

Hiện nay dự án chưa có sự hợp tác với các tổ chức khác như nhà sản xuất hay các tổ chức bảo vệ môi trường, bởi vì nhóm dự án đang tập trung phát triển tại chính nơi mình sinh sống.

Mục tiêu ban đầu là giúp giảm thiểu và cải thiện tình trạng bã mía bị xả tràn lan ra môi trường, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm và bài học quý giá trong quá trình triển khai.

Tuy nhiên, trong tương lai, nếu có cơ hội, em Dương hy vọng “Chúng em rất mong muốn mở rộng quy mô dự án, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức khác để nâng cao hiệu quả và lan tỏa dự án ra cộng đồng rộng lớn hơn. Chúng em tin rằng sự kết hợp này sẽ giúp dự án phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường”.

ảnh 4.png

Ban đầu, khi triển khai dự án mọi người chưa thực sự quan tâm hay biết đến các trạm cứu hộ. Tuy nhiên, khi được nhóm học sinh thực hiện công tác tuyên truyền trong môi trường học đường và tại các buổi sinh hoạt ở phường, người dân địa phương đã dần thay đổi thái độ, thể hiện sự quan tâm và ủng hộ đối với dự án.

Họ không chỉ đồng tình mà còn khuyến khích các em tiếp tục duy trì và phát triển dự án này. Chính sự ủng hộ này là động lực để nhóm dự án không ngừng nỗ lực, góp phần xây dựng một Đà Nẵng ngày càng xanh, sạch và xứng đáng với tên gọi “thành phố đáng sống”.

Em Nguyệt Dương tin rằng: “Nếu được mở rộng, dự án sẽ có tác động tích cực hơn nữa, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường và tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên bền vững. Từ đó, dự án sẽ góp phần vào sự phát triển của một Việt Nam xanh, sạch và bền vững hơn trong tương lai”.

Vân Anh