"Nhiều người Hà Nội có biết câu: Miếng ăn là miếng nhục không?"

06/07/2012 06:50
Độc giả Phạm Văn Tính
(GDVN) - "Đúng là miếng ăn là miếng nhục, các cụ xưa vẫn nói vậy! Nhưng thời nay, bất chấp để được ăn thì quả là lạ. Còn những người chưa bị chửi khi ngồi ăn chắc thấy ngon miệng hơn khi kẻ thiếu văn hóa mắng chửi đồng loại, cuối cùng thì toàn kẻ thiếu văn hóa gặp nhau ở chỗ vắng văn hóa.." độc giả Phạm Văn Tính bày tỏ.
Xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ của không ít nhân viên, chủ nhà hàng, cửa hàng dành cho khách hàng trên mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.Một trong ý kiến đó là của độc giả Phạm Văn Tính. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi: "Bún mắng, cháo chửi, đốt vía..." nét văn hóa xấu lưu danh đã khiến cho không ít khách du lịch từ phương xa đến, thậm chí là chính người dân Hà Nội cũng phải "phát hoảng". Nhìn lại tất cả, xem lại tất cả, nghe lại tất cả, tôi mới thấy, không hoảng sao được, khi mà vừa mất tiền chi ra rồi lại vừa phải chịu cái cảnh "mua cái bực tức, mua cái dây tự trói mình" và cũng không ức sao được khi mà, đang từ cái danh được tâng lên là "thượng đế" thì lại bị hoán chỗ thành cái chỗ để không ít người buôn, kẻ bán ở Hà Nội xả những điều thô lỗ, khó nghe nhất...
Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. (Ảnh: nguồn Internet)
Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. (Ảnh: nguồn Internet)

Nhưng ở cái cảnh "bún mắng, cháo chửi", tôi lại thấy một điều rất lạ lùng, thảng thốt, đó là mặc cho người buôn, kẻ bán ra sức "văng" đủ các thứ tục tĩu, thô lỗ, thậm chí là hành hung những vị "thượng đế" của mình nhưng quán vẫn đông, hàng vẫn chạy, "thượng đế" vẫn ngồi la liệt, kể cả chấp nhận đứng, bưng bát để ăn.

Một điều lạ và khó hiểu cho một số người Hà Nội đó là không những họ không tẩy chay những hiện tượng đó, trái lại nhiều người còn tỏ ra thích thú và muốn đến đây ăn để xem thử chủ quán chửi như thế nào. Có người giải thích rằng, điều đó cho thấy sự thờ ơ, bàng quan trước những cái xấu, cái hành vi thô lỗ, thô bạo đó, hơn thế, nó cũng cho thấy những người ăn ở đây cho mình đứng cao hơn, không thèm chấp những chủ nhà hàng, nhân viên thiếu văn hóa. Còn những kẻ mà thích thú cái thói "bún mắng, cháo chửi" này thì thật là kiểu thích thú quái đản, đáng chê trách... Giải thích này có phần đúng nhưng như vậy, nó đã cho thấy rằng, nghịch lý này là một thực tế rất đáng buồn cho cách ứng xử, văn hóa của chính những khách hàng ăn là người Hà Nội mới hiện nay. Tôi cũng rất đồng tình với một ý kiến nào đó, khi yêu cầu cần phải xem lại thái độ của khách hàng khi xảy ra những cảnh đối xử thô lỗ, thậm chí hành hung khách hàng của chủ nhà hàng, nhân viên phục vụ. Nhưng xem lại thái độ ở đây là phải xem cái cách họ đang thờ ơ, để mặc cho những cái xấu, cái tiêu cực lộng hành với chính đồng loại, bản thân. Hay nói cách khác chính không ít những người Hà Nội không chỉ đã và đang cổ vũ cho một lối sống thiếu văn hoá mà còn đang tự bôi nhọ bản thân họ! Tôi không dám tự khẳng định chắc chắn mình là người có đầy đủ văn hoá theo đúng nghĩa hay là người sành ẩm thực, nhưng khi nhìn vài đây, tôi thấy rõ một “hạt sạn” lớn của văn hoá Hà Nội. Tôi còn nhớ, ông cha ta xưa vẫn có câu "miếng ăn là miếng nhục", để nói về sự ô nhục, suốt đời chạy theo miếng ăn, sống chết vì miếng ăn, coi miếng ăn là tuyệt đích... khi áp vào cái nghịch cảnh "bún mắng, cháo chửi" mới thấy, thời nay thật đau đớn thay cho không ít khách hàng dù bị đối xử tệ bạc, bị quát mắng thậm chí văng tục, chửi thề, hành hung... nhưng vẫn bất chấp tất cả để được ăn...
Cảnh xếp hàng để được ăn phở của người Hà Nội (nguồn: Internet)
Cảnh xếp hàng để được ăn phở của người Hà Nội (nguồn: Internet)

Người xưa cũng vẫn thường nói rằng, thưởng thức ẩm thực đâu phải chỉ là ăn không mà lúc đó mắt và tai cũng phải thưởng ngoạn. Ấy vậy mà không hiểu vì sao nhiều người Hà Nội hiện nay vẫn ngon miệng khi tai, mắt phải chứng kiến những thứ ô tạp bên cạnh. Ai đi ăn cũng luôn tâm niệm, luôn mong muốn nhận được sự phục vụ tốt nhất của nhân viên, chủ hàng dành cho mình. "Thượng đế" là người đã bỏ tiền ra để "nuôi béo" cho các hàng quán mà nay lại phải chịu cảnh nhục nhã chẳng khác nào như đi "ăn xin" thì đúng thật là không thể nào chấp nhận được. Không hiểu rằng, có phải chăng những người chưa bị chửi khi ngồi ăn chắc sẽ thấy ngon miệng hơn khi kẻ thiếu văn hóa mắng chửi đồng loại của mình? Tôi cũng thấy rằng, thà không biết, chứ đã biết thì có thế nào đi chăng nữa, cá nhân tôi sẽ không bao giờ dung túng, sẽ tẩy chay để những thói này, những hàng quán này không còn chỗ phát triển trong cộng đồng mình. Còn cuối cùng như ở đây mà chua xót nói, thì toàn là những kẻ thiếu văn hóa gặp nhau ở chỗ vắng văn hóa mà thôi. Ai cũng có danh dự, ai cũng có lòng tự trọng và mong muốn mọi người tôn trọng mình, đặc biệt là khi mình đã phải bỏ tiền ra nhằm mua những sự thân thiện, tôn trọng đó. Nhưng với cái nghịch cảnh trong văn hóa xấu xí "bún mắng, cháo chửi" này, thì tôi không hiểu nhiều người Hà Nội hiện nay đang nghĩ gì.  Tôi cũng xin được dùng lại câu của các cụ xưa vẫn nói "miếng ăn là miếng nhục" để hỏi nhiều người Hà Nội hiện nay rằng: Các vị có biết câu này chăng?*/ Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Phạm Văn Tính