Nhìn vào tình trạng “bán cái ăn hoa hồng” để xác định hành động tiếp theo

07/10/2015 09:52
Nhóm PV
(GDVN) - Nội địa hóa việc tư vấn, thiết kế, chế tạo các nhà máy nhiệt điện là chủ trương của Chính phủ. Chủ trương này cũng đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1791...

Được nhận thầu không phải do năng lực

Quyết định 1791 đặt ra mục tiêu, thí điểm tư vấn, thiết kế, chế tạo trong nước hệ thống thiết bị phụ của 3 dự án nhiệt điện: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1.

Mục tiêu đã rõ ràng, thế nhưng, khi triển khai, không hiểu bằng cách nào rất nhiều gói thầu lớn lại rơi vào tay các doanh nghiệp… nước ngoài, cụ thể là Cty TNHH Doosan Vina do người Hàn Quốc làm chủ.

Hình ảnh mới nhất tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Hình ảnh mới nhất tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) là một trong số ít ỏi những đơn vị trong nước được giao triển khai các gói thầu tại Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Từ thực tế ấy, những tưởng đây phải là một đơn vị có năng lực vượt trội so với các đơn vị trong nước khác. Nhưng nhìn vào Hồ sơ năng lực chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện của NARIME trình Bộ Công thương, rất nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng.

Hồ sơ ghi rõ, bộ phận sản xuất của NARIME chỉ vẻn vẹn 25 lao động gồm: 10 thợ hàn, 4 thợ gia công cơ khí, 10 thợ lắp đặt, 1 thợ điện; danh mục máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất hiện có được 13 máy công cụ thì 8 cái từ thời Liên Xô…  

Khi hầu hết các gói thầu đều rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp yếu kém trong nước, lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp có năng lực thực sự chỉ còn biết “ngồi chơi xơi nước”. Đại diện một doanh nghiệp cơ khí trong nước cho biết, họ có khả năng cung cấp đến 80% các hạng mục nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 nhưng hiện giờ công việc họ có thể làm ở đây chỉ là đứng ngoài và quan sát.

Những lí giải lòng vòng

Để lí giải cho những bất cập trong việc triển khai Dự án Nhà máy thủy điện Sông Hậu 1, chúng tôi đã nhiều lần tiếp xúc với ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), một đơn vị có vai trò quan trọng trong việc xác định doanh nghiệp được tham gia các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Hình ảnh mới nhất tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Hình ảnh mới nhất tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Theo tiết lộ của ông Long, hiện dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 chưa đâu vào đâu và con nhiều chuyện lùm xùm. Cũng theo thông tin từ ông Long, có tới 80% gói thầu đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. 

Về việc NARIME chỉ lèo tèo vài công nhân song lại được nhận gói thầu “khủng”, để chia nhỏ các gói thầu cho các đơn vị khác, ông Long giải thích, việc nhận gói thầu rồi thuê các đơn vị khác là chuyện bình thường, cũng giống như, một doanh nghiệp không thể sản xuất toàn bộ chiếc ô tô mà phải có sự phối hợp của nhiều doanh nghiệp.

Giải thích của ông Long thoạt nghe có vẻ có lí, nhưng nếu suy xét kĩ hơn, có thể nhận thấy, dù có thể thuê gia công nhiều chi tiết thì những bộ phận, những chi tiết quan trọng nhất của chiếc ô tô vẫn phải do doanh nghiệp sản xuất ra chiếc ô tô đó trực tiếp làm ra.

Còn trong trường hợp của NARIME, với đội ngũ nhân sự hết sức khiêm tốn, hệ thống máy móc quá đỗi lạc hậu, có thể khẳng định, khi tham gia Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, họ chỉ nhận thầy rồi “bán cái ăn hoa hồng”. 

Chìa khóa để khắc phục hạn chế

Nhận thấy những bất cập trong việc thực hiện Quyết định 1791, mới đây, ngày 19/7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai “Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện”. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã chỉ rõ, các doanh nghiệp cơ khí tham gia thiết kế, chế tạo còn có quy mô nhỏ, trong khi quan hệ hợp tác, liên kết còn hạn chế; chưa có chiến lược phát triển dài hạn trong điều kiện hội nhập quốc tế...  Bộ Công thương cũng nêu quan điểm, điểm yếu nhất của ngành cơ khí hiện nay là công tác làm chủ phần tư vấn, tổ hợp các nhà tư vấn trong nước: PEEC1-4, Viện Năng lượng, NARIME, TCty Tư vấn thiết kế Dầu khí chủ yếu vẫn tập trung vào phần chế tạo (tư tưởng làm thuê) triển khai các bản vẽ kỹ thuật thi công. 

Hình ảnh mới nhất tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Hình ảnh mới nhất tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương: “Đánh giá khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khi thực hiện từng hạng mục, từng thiết bị… Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá trên, đề xuất bổ sung các thiết bị có thể thiết kế, chế tạo trong nước ở nhà máy nhiệt điện; bổ sung các doanh nghiệp cơ khí khác có năng lực và các dự án nhà máy nhiệt điện dự kiến thực hiện. Thực hiện các thủ tục theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh Quyết định 1791”.

Được biết, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã thực hiện đầu tư chiều sâu hàng trăm tỉ đồng thiết bị, máy móc và có lực lượng nhân lực hùng hậu hàng nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp này được tham gia vào các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, rất nhiều những hạn chế trong việc triển khai Quyết định 1791 sẽ được khắc phục một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Nhóm PV