Những chuyện rơi nước mắt ở các trường sắp lên chuẩn

21/10/2019 06:09
Phan Tuyết
(GDVN) - Đừng đánh giá chuẩn dựa vào những đống hồ sơ sổ sách ấy, hãy nhìn vào chất lượng thật của các trường mà đánh giá, điều đó sẽ thực chất hơn rất nhiều.

Người ngoài nhìn vào hai tiếng trường chuẩn có thể sẽ ước ao, khát khao con mình sẽ được học tại nơi ấy.

Khi các trường lên chuẩn áp lực lớn nhất vẫn là các minh chứng mang nặng tính hình thức (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Khi các trường lên chuẩn áp lực lớn nhất vẫn là các minh chứng mang nặng tính hình thức (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Thế nhưng với nhiều Ban giám hiệu, nhiều giáo viên, hai tiếng ấy là nỗi ám ảnh khi chính họ bị cuốn vào vòng xoáy ‘chạy chuẩn” và “lên chuẩn” với khá nhiều áp lực về các thủ tục hành chính mà chẳng mang lại ích lợi gì cho công tác dạy và học.

Mệt mỏi vì phải “chạy” hồ sơ

Một số giáo viên ở tận Tây Nguyên than thở rằng trường em sắp lên chuẩn nên thời gian này chúng em mệt phờ vì phải chạy hồ sơ.

Rồi mọi người thi nhau kể, hồ sơ nào cũng đòi 5 năm về trước. Thế nên khốn khổ nhất là “chạy” sổ hội họp và sổ dự giờ.  

Theo các thầy cô, 2 loại sổ này là của cá nhân nên hàng năm nhà trường không thu lại để lưu. Nay đùng một cái đòi nộp nên ai cũng phải chép đại chép thí vào cho đủ.

Thế là nhiều giáo viên nháo nhào lục tìm sổ dự giờ cũ nhưng mấy ai còn lưu? Dự năm nào xong bỏ đi năm đó.

Những chuyện rơi nước mắt ở các trường sắp lên chuẩn ảnh 2
Chạy chuẩn ở trường chuẩn

Giải pháp được áp dụng là lấy giáo án cũ ra chép vào cho đủ.

Mỗi năm giáo viên phải dự khoảng 20 tiết, 5 năm phải chép cả trăm tiết dự giờ.

Dù thế vẫn khỏe hơn phải lo chép sổ hội họp và sổ hội họp thì biết lấy gì để làm mẩu chép vào?

Chúng tôi hỏi: “Sổ hội họp 5 năm thì lấy ở đâu mà chép? Mạnh ai nấy chép nhỡ họ kiểm tra 2 giáo viên không trùng khớp nội dung có mà toi à?”

Bạn bảo: “Thì kệ chứ biết làm sao? Chép cho có để lưu chứ chẳng ai có thì giờ mà đọc đâu ạ”.

Đúng vậy! Chẳng ai lại rảnh thời gian để lục đọc cuốn sổ hội họp cách đây 5 năm. Thế nhưng một số nơi vẫn yêu cầu giáo viên nộp để làm minh chứng cho việc xét chuẩn.

Chuyển đổi nhân sự

Sau khi đã chuẩn bị đủ hồ sơ minh chứng cho việc xét lên chuẩn, cấp trên tiếp tục làm cuộc chuyển đổi nhân sự cho nhà trường.

Giáo viên bị chuyển đi đầu tiên là những thầy cô vi phạm kỉ luật trong năm, những người sinh con thứ 3 (chuyện qua trường khác rồi mới xét kỉ luật).

Tiếp đến những giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo. Giáo viên được chuyển về là những giáo viên đủ chuẩn, giáo viên dạy giỏi cấp huyện thị trở lên.

Những chuyện rơi nước mắt ở các trường sắp lên chuẩn ảnh 3
Trường chuẩn quốc gia của huyện Vĩnh Thuận có phải là là dạng ốc mượn hồn

Vì chuyện chuyển đổi giáo viên vi phạm kỉ luật hay sinh con thứ 3 qua trường khác một số Ban giám hiệu cũng bức xúc cho rằng:

“Sản phẩm của trường nào trường ấy nên gánh chịu không nên đổ trách nhiệm qua trường khác”.

Và còn khá nhiều chuyện “chạy chuẩn” ở trường chuẩn tạo ra trường chuẩn mà chưa thật sự chuẩn đã làm cho không ít giáo viên sợ trường chuẩn là vì lẽ đó.

Khi xây dựng hệ thống trường chuẩn, chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn rằng sẽ có được những ngôi trường chuẩn đúng nghĩa để nâng chất lượng dạy và học đảm bảo lợi ích cho học sinh.

Nhưng thật đáng buồn là hiện nay, một số địa phương lên chuẩn theo chỉ tiêu đề ra nên một số trường còn “xanh” vẫn bị “ép chín” bằng một số những thủ tục hành chính rườm rà tạo ra sự mệt mỏi, áp lực cho nhà trường và giáo viên.

Đừng đánh giá chuẩn dựa vào những đống hồ sơ sổ sách ấy, hãy nhìn vào chất lượng thật của các trường mà đánh giá, điều đó sẽ thực chất hơn rất nhiều.

Phan Tuyết