Nơi đào tạo “vũ khí đặc biệt” cho quân đội Việt Nam

14/12/2011 11:19
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Trong biên chế của quân đội, chó nghiệp vụ thuộc vũ khí trang bị nhóm I và là loại “vũ khí đặc biệt”
Trong biên chế của quân đội, chó nghiệp vụ thuộc vũ khí trang bị nhóm I và là loại “vũ khí đặc biệt” bởi các khả năng: Bảo vệ mục tiêu, tấn công tội phạm, cứu hộ cứu nạn, phát hiện thuốc nổ và ma túy... Nơi đào tạo “vũ khí đặc biệt” này là Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng), ngôi trường đặc thù duy nhất trong toàn quân.

Gian nan với nghề

Một ngày ở Trường Trung cấp chó nghiệp vụ bao giờ cũng bắt đầu từ 5 giờ sáng. Ngay sau tiếng kẻng báo thức, cùng với tiếng hô tập thể dục của cán bộ, chiến sĩ là tiếng sủa rộn ràng của hàng trăm “học viên chó”.

Trên đường chạy, từng cặp huấn luyện viên và chó nghiệp vụ cùng tham gia bài chạy rèn luyện thể lực, vượt vật cản. Buổi sáng mùa đông rét căm căm, thế mà khi kết thúc bài tập, trên lưng áo của mỗi huấn luyện viên đều thấm đẫm mồ hôi.
Cùng nhau luyện rèn.
Cùng nhau luyện rèn.
Đại tá Phan Văn Thùy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Mỗi học viên tham gia khóa học huấn luyện viên chó nghiệp vụ đều được biên chế ngay một chú chó.

 Đôi bạn này sẽ gắn bó với nhau trong suốt thời gian học (từ 12 đến 18 tháng) và sau khi được huấn luyện, chú chó nghiệp vụ thường được biên chế luôn cho huấn luyện viên sau khi ra trường, về các đơn vị công tác. Trách nhiệm của học viên là phải chăm sóc người bạn học của mình từ bữa ăn, giấc ngủ, làm vệ sinh… Chính vì đặc thù ngành học, nên các huấn luyện viên khá vất vả".

Ngồi bên “người bạn” cùng học nặng tới hơn 30kg, học viên Nguyễn Văn Tuấn tâm sự: "Để cùng nhau tiến bộ, ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã phải học cách làm quen với nhau. Hằng ngày, ngoài cho ăn, tắm, ngủ... còn phải chải lông và cùng “bạn” đi dạo chơi.

Nhưng, khó khăn nhất vẫn là khi luyện tập bởi tốc độ chạy, thể lực, phản xạ... của bạn học đều hơn mình. Trong quá trình học còn phải luôn nắm bắt được tâm lý, trạng thái thần kinh của “anh bạn” này để có cường độ tập luyện phù hợp. Đến bây giờ khi chúng tôi đã “hiểu” nhau, nên chỉ cần một biểu hiện nhỏ có thể biết “bạn” tập muốn gì.

"Điểm 10 cho chất lượng"

Tại phòng khách của Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ, có một chú chó dòng Béc-giê to, được thuộc da, nhồi bông và trưng bày trong tủ kính. Thấy chúng tôi tò mò về chú chó này, Đại tá Phạm Văn Phương, Chính ủy nhà trường kể:

"Tên chú chó là Pu, là một học viên xuất sắc nhất của nhà trường trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Chó Pu đã tham gia phá nhiều vụ án lớn, uy hiếp tội phạm. Đặc biệt, năm 1987, chó Pu cùng đoàn công tác đặc biệt của Bộ đội Biên phòng tham gia truy bắt nhóm phản động do Hoàng Cơ Minh vượt biên giới Thái Lan – Lào và sau đó vượt biên giới Lào về Việt Nam để chống phá cách mạng nước ta.

Chính chó Pu đã lần ra dấu vết của nhóm phản động, giúp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp với quân và dân nước bạn Lào bắt sống và tiêu diệt toàn bộ".

Trung úy QNCN Đào Duy Hà, người tham gia phá vụ án ma túy, thu giữ hàng chục bánh hê-rô-in tại Sơn La năm 2010 kể: "Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ cho ban chuyên án: Đối tượng luôn đi từ 3 tên trở lên, luôn mang theo súng, lựu đạn và sẵn sàng tự sát hoặc bị đồng bọn bắn chết để tránh khai báo. Các đồng chí phải bắt sống đối tượng, thu giữ tang vật và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Chính vì thế, nhà trường đã huy động 15 chó nghiệp vụ cùng với các trinh sát đặc nhiệm phòng, chống ma túy Bộ đội Biên phòng tiến hành mật phục. Khi phát hiện ra 3 đối tượng đang luồn rừng với súng tiểu liên AK lăm lăm trong tay vào đúng điểm phục kích, tôi đã ra lệnh cho các huấn luyện viên thả chó nghiệp vụ.

15 chú chó như những mũi tên bật khỏi dây cung, lao thẳng vào quật ngã và khống chế cả 3 đối tượng khiến chúng hoảng sợ không kịp trở tay và bị khuất phục hoàn toàn".

Tại lớp học giám biệt nguồn hơi, chúng tôi được Thiếu tá Nguyễn Danh Thuận kể về chuyến đi công tác hồi đầu năm nay tại Nghệ An. Đó là ngày 1/4/2011, vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, tỉnh Nghệ An đã khiến 18 lao động bị tử nạn và vùi lấp bởi đống đất đá hàng nghìn mét khối. Nhiệm vụ của đơn vị là cùng với chó nghiệp vụ, tìm kiếm nạn nhân. Chỉ trong 3 ngày, lần lượt thi thể 18 nạn nhân đã được chó nghiệp vụ tìm thấy, trong đó có thi thể nằm ở độ sâu gần 20m…

Năm mươi năm xây dựng và trưởng thành, giờ đây Trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ đã trở thành mái trường duy nhất tại Việt Nam và khu vực, lưu lại nhiều chiến công cũng như những câu chuyện cảm động giữa người và vật nuôi. Ngoài công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong những năm qua, nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;

tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài như: “Nghiên cứu nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng trong tìm kiếm cứu nạn”; "Biện pháp khắc phục một số nhược điểm huấn luyện chó nghiệp vụ truy theo nguồn hơi dấu vết"; "Cải tiến vật cản huấn luyện chó nghiệp vụ vượt vòng lửa" được Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá cao.

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân