Nóng sáng 7/5: 300 nghìn dân Hà Nội bị ảnh hưởng nếu động đất

07/05/2012 10:56
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Gần triệu dân ở Đà Nẵng phải dùng nước mặn để sinh hoạt. Hà Nội: Đề nghị bỏ trạm thu phí Vĩnh Thanh, Đông Anh... là những thông tin đáng chú ý sáng 7/5.
300 nghìn dân Hà Nội bị ảnh hưởng nếu động đất

Nguồn tin trên báo An ninh thủ đô cho hay, Sở Công Thương Hà Nội vừa đưa ra phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác khắc phục hậu quả nếu thiên tai xảy ra. 

ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)


Theo đó, nếu xảy ra động đất (dự báo Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ richter với tâm chấn sâu 15 - 20 km liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy), số người bị ảnh hưởng khoảng 300.000 người. 

Với tình huống vỡ đê (đê Hữu Hồng đoạn Phúc Thọ; đê Hữu Hồng đoạn Thọ Xuân đến cống Liên Mạc; đê Tả Hồng, tả Đuống, hữu Cà Lồ…), số người bị ảnh hưởng sẽ từ 8.500 đến 300.000 người tùy theo tuyến đê bị vỡ. 

Từ các tình huống  trên, Sở Công Thương đưa ra phương án dự trữ một số hàng hóa thiết yếu (gạo tẻ, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, nước sạch đóng chai, nến thắp sáng, sữa uống...) với kinh phí trên 111 tỷ đồng đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong 7 ngày cho khoảng 300.000 người.
Gần triệu dân ở Đà Nẵng phải dùng nước mặn để sinh hoạt
Thông tin trên Thanh Niên Online, những ngày qua, nhiều khu dân cư ở Q.Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) nước chảy yếu, nhất là vào giữa trưa, khi mà cái nóng hầm hập. Nhiều gia đình phải mở vòi hứng nước từ sáng sớm mới đủ dùng cho các nhu cầu thiết yếu trong ngày. Nước chảy yếu lại có mùi lờ lợ khó chịu khiến người dân hoang mang.

Lãnh đạo Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, do nắng nóng thất thường và tăng cao đột ngột trong mấy ngày qua, khiến nước trên sông Cẩm Lệ, sông Yên bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Độ mặn đo được tại khu vực cấp nước ở nhà máy nước cao gần 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Nước không nhiễm mặn lấy từ trạm bơm An Trạch đưa vào hồ xử lý. Ảnh: H.T.
Nước không nhiễm mặn lấy từ trạm bơm An Trạch đưa vào hồ xử lý. Ảnh: H.T.

Ngoài ra, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về cũng quá thấp, lại đỏ ngầu khiến các họng thu nước tại nhà máy này phải ngưng hoạt động. Để khắc phục, Dawaco đã đưa 3 máy đào túc trực ngày, đêm tại khu vực cửa thu nước nhằm làm mọi cách đưa lượng nước nhiều nhất vào bể chứa.

Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 5/5, hồ sơ lắng này cũng đang ở mức rất thấp, nước đỏ quạch.
Hà Nội: Đề nghị bỏ trạm thu phí Vĩnh Thanh, Đông Anh
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 1008/SGTVT-KHĐT gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về việc bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường do TP Hà Nội quản lý có đặt trạm thu phí. Đó là thông tin đăng tải trên báo Hà nội mới sáng nay.
Trạm thu phí Vĩnh Thanh (ảnh chụp ngày 6/5). Ảnh: Nam Sương/ Giadinh.net.vn.
Trạm thu phí Vĩnh Thanh (ảnh chụp ngày 6/5). Ảnh: Nam Sương/ Giadinh.net.vn.

Theo đó, tại trạm thu phí Vĩnh Thanh, nằm trên đường Bắc Thăng Long - Vực Dê (Đông Anh), lượng ô tô qua không nhiều, đa số ô tô lưu thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản của nhân dân địa phương. Khu vực trạm thu phí thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Để bảo đảm giao thông tại khu vực, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét, dỡ bỏ trạm Vĩnh Thanh. 
Với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ GTVT tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tại khu vực này vào giờ cao điểm cũng thường xảy ra ùn ứ phương tiện.
Bắt vụ vận chuyển hơn 60 m³ gỗ lậu

Thông tin trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vào khoảng 22 giờ ngày 5/5, lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng địa phương đã phát hiện gần 61 m³ gỗ quý, hơn 300 kg than được đốt từ gỗ rừng tại bờ hồ Liệt Sơn (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi) đang được vận chuyển trái phép.

Số tang vật nói trên đã được đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ chờ xử lý.
200 nhà dân ở Mường Lát bị tàn phá do lốc
Lao Động Online đưa tin, khuya 6/5, ông Lương Văn Bường - Chủ tịch UBND huyện vùng cao cực tây Mường Lát, Thanh Hóa - cho biết: Khoảng 15h ngày 6/5, một trận lốc xoáy và mưa dông đã xảy ra trên địa bàn nhiều xã gồm: Quang Chiểu, Mường Chanh, Tén Tằn, Tam Chung.
Năm 2011, nhiều trận lốc xoáy cục bộ đã xảy ra trên địa bàn Thanh Hóa làm hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái. Ảnh: Dân trí.
Năm 2011, nhiều trận lốc xoáy cục bộ đã xảy ra trên địa bàn Thanh Hóa làm hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái. Ảnh: Dân trí.

Trận lốc xoáy đã làm sập và tốc mái khoảng 200 nhà dân thuộc các xã nêu trên. Theo nguồn tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh thì Đồn biên phòng 483 đóng tại xã Tam Chung cũng bị lốc xoáy làm tốc mái nhà chỉ huy và nhà thông tin. Không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn có một người dân ở xã Tén Tằn bị thương, do tấm lợp prôximăng văng trúng người. Sau khi lốc xoáy xảy ra, lực lượng đồn biên phòng đã triển khai các phương án khắc phục hậu quả và giúp đỡ người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai.

Taliban đang ngày càng mạnh hơn
VOV Online dẫn lại tin trích nguồn Reuters cho biết, đây là nhận định do các quan chức cấp cao Mỹ đưa ra ngày 6/5.
Lực lượng Taliban đang mạnh hơn so với thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh tăng cường 33.000 binh sĩ Mỹ tại Afghanistan vào hồi cuối năm 2009. 

Các tay súng Taliban tại Afghanistan. Ảnh: Internet.
Các tay súng Taliban tại Afghanistan. Ảnh: Internet.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Fox News Sunday, Chủ tịch Uỷ ban tình báo Thượng viện Mỹ, bà Dianne Feinstein và Chủ tịch Ủy  ban tình báo Hạ viện Mỹ, ông Mike Rogers đều nhất trí cho rằng, lực lượng Taliban đang ngày càng mạnh hơn.

Các nhà chức trách cho biết, các trường học Hồi giáo cực đoan ở Pakistan vẫn đang tiếp tục huấn luyện quân nổi dậy tại Afghanistan. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho lực lượng nổi dậy ngày càng mạnh hơn và quân đội Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực nhằm đánh bại Taliban.
Serbia sẽ phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai

Thông tin trên Vietnam+, THX, Reuters đưa tin, theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Serbia ngày 6/5 cho thấy ứng cử viên tổng thống thuộc Liên minh "Sự lựa chọn vì cuộc sống tốt đẹp hơn," cựu Tổng thống kiêm Chủ tịch đương nhiệm của Đảng Dân chủ Boris Tadic được 26,8% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên Tomislav Nikolic, Chủ tịch Đảng Tiến bộ đối lập thuộc Liên minh "Phát triển Serbia," được 25,6% số phiếu.
Cựu Tổng thống kiêm Chủ tịch đương nhiệm của Đảng Dân chủ Boris Tadic. Nguồn: Getty Images.
Cựu Tổng thống kiêm Chủ tịch đương nhiệm của Đảng Dân chủ Boris Tadic. Nguồn: Getty Images.

Đây là kết quả do Trung tâm vì cuộc bầu cử tự do và dân chủ (CeSID) công bố.
Do không có ứng cử viên nào giành quá 50% số phiếu ủng hộ nên Serbia sẽ phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai sau hai tuần, dự kiến vào ngày 20/5 tới.
Hải Phong (Tổng hợp)