Ông Nguyễn Bá Thuyền: Nếu vô tư, việc chứng minh đưa tiền nâng điểm không khó

19/09/2019 06:24
Nhật Minh
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, việc chứng minh có đưa tiền hoặc vật chất để được nâng điểm thi vừa dễ mà cũng rất khó.

“Nếu vô tư, làm việc công tâm thì dễ, còn nếu bị “ảnh hưởng”, bị chi phối thì sẽ rất khó”. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Bá Thuyền – nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng việc hoãn phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La ngày 16/9 đến ngày 15/10 là điều đã được dự báo trước.

Ông Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Quochoi.vn
Ông Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Quochoi.vn

“Tôi ủng hộ quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Thực tế các vụ gian lận điểm thi phải là đưa và nhận hối lộ mới đúng.

Nếu tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ là tội nhẹ hơn rất nhiều”.

Theo ông, vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Hà Giang và Sơn La là tương đối giống nhau. Tại Hòa Bình, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bổ sung tội đưa và nhận hối lộ. Nó cho thấy, Trung ương vào cuộc sẽ khách quan và thuyết phục hơn

“Thực tế, với kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang đến nay khiến cho dư luận băn khoăn việc tội danh khác nhau có bị chi phối vì cái gì không? Quyền lực, tiền bạc hay tình cảm?

Vì thế, việc Trung ương dự định rút hồ sơ để điều tra vụ gian lận điểm thi ở Sơn La về tội đưa và nhận hối lội là chính xác.

Tôi tin, không chỉ tôi mà dư luận rất ủng hộ điều này. Không chỉ đối với Sơn La, Trung ương cũng cần rút hồ sơ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang để trực tiếp làm. Có như vậy mới làm dư luận an tâm, lấy lại niềm tin của Nhân dân”, ông Nguyễn Bá Thuyền nói.

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, ngày 16/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, theo điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tòa đã triệu tập 43 người làm chứng, trong số này có 27 người là phụ huynh có con được nâng điểm. Nhưng chỉ có 11 người có mặt, 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người còn lại vắng mặt nhưng không lý do. Theo đó, 32 người không đến.

Hội đồng xét xử cũng triệu tập 47 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng chỉ có 3 người có mặt tại tòa.

Vắng ông Đức và nhiều nhân chứng quan trọng, tòa hoãn đến ngày 15/10
Vắng ông Đức và nhiều nhân chứng quan trọng, tòa hoãn đến ngày 15/10

Do quá nhiều nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, đặc biệt ông Hoàng Tiến Đức vắng mặt nên chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa đến ngày 15/10.

Trước đó, tại phiên họp thứ 37 trong phần giải trình một số ý kiến đại biểu liên quan vụ gian lận điểm thi, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói: “Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung 7 bị can nữa”.

Như vậy, đến nay, Sơn La, Hà Giang, hai địa phương trực tiếp tiếp điều tra vụ gian lận điểm thi xảy ra trên địa bàn mới chỉ ra tội Lợi dụng chức, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Riêng Hòa Bình, việc điều tra do Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an làm thì ngày 12/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can, Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can thuộc vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Nhật Minh