Pakistan bắt tay Trung Quốc chế tạo xe tăng chiến đấu Khaled mới

09/01/2013 08:26
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)
(GDVN) - Theo báo Trung Quốc, nhờ hợp tác chế tạo thành công xe tăng chiến đấu Khalid, Trung Quốc và Pakistan đều thu được "lợi ích".
Xe tăng Khalid của Lục quân Pakistan
Xe tăng Khalid của Lục quân Pakistan

Tờ “Thời báo Ấn Độ” cho biết, ngày 31/12/2012, Công ty công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc và Nhà máy công nghiệp nặng Taxila Pakistan đã ký hợp đồng, quyết định hợp tác nghiên cứu chế tạo xe tăng chiến đấu Khalid-1.

Có bước tiến nhanh hơn Ấn Độ?

Xe tăng chiến đấu Khalid được cải tiến trên nền tảng xe tăng chiến đấu Type 90-2M của Trung Quốc. Năm 1988, Pakistan chính thức lập chương trình Khalid, Công ty công nghiệp Phương Bắc đã tham gia chương trình và đã sản xuất chiếc xe nguyên mẫu cho phía Pakistan.

Một tên gọi khác của xe tăng Khalid là xe tăng chiến đấu MBT-2000. Loại xe tăng này được thiết kế định hình vào năm 2001, sau đó phía Pakistan đã sản xuất hàng loạt ở trong nước.

Báo Trung Quốc khoe rằng, xe tăng Khalid đã kế thừa truyền thống “xe nhỏ pháo nặng” của xe tăng Trung Quốc, ngoại hình bé nhỏ, trọng lượng chỉ có 46 tấn, nhưng trang bị một khẩu pháo nòng trơn cỡ 125 mm có thể phóng tên lửa, hỏa lực và tính năng phòng vệ.

Xe tăng Khalid hay còn gọi là MBT-2000, do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển.
Xe tăng Khalid hay còn gọi là MBT-2000, do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển.

Xe tăng Khalid được nghiên cứu chế tạo thành công đã làm cho Quân đội Pakistan và công nghiệp Trung Quốc đều thu được lợi ích lớn. Qua đây, Pakistan đã trở thành một trong số ít các nước Nam Á có khả năng sản xuất xe tăng.

Hơn nữa, Pakistan còn liên tục nỗ lực cải thiện tính năng và trình độ nội địa hóa của xe tăng Khalid. Ngày 17/4/2012, tờ “Dawn” Pakistan cho biết, Pakistan chính thức có ý định chuyển sang trang bị pháo 125 mm tự sản xuất cho xe tăng Khalid.

Trong khi đó, Ấn Độ có nền tảng công nghiệp tốt hơn Pakistan, nhưng xe tăng Arjun do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo lại gặp phải nhiều vấn đề, mãi tới gần đây mới trang bị một cách miễn cưỡng. Sau khi trang bị, xe tăng Arjun cũng liên tục gặp trục trặc, ngay cả Quân đội Ấn Độ cũng không hứng thú với nó.

Bên cạnh đó, Ấn Độ thúc đẩy kế hoạch sản xuất xe tăng T-90S (Nga) ở trong nước càng không thuận lợi. Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Deepak Kapoor cho biết, hiện nay chỉ có 20% xe tăng chiến đấu của Quân đội Ấn Độ có khả năng nhìn đêm, trong khi tỷ lệ trang bị thiết bị nhìn đêm cho xe tăng của Lục quân Pakistan là 80%.

Xe tăng chiến đấu Arjun do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo
Xe tăng chiến đấu Arjun do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo

Trên nền tảng đó, Pakistan thậm chí đang xem xét thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu xe tăng Khalid. Theo tờ “Kanwa Defense Review”, Pakistan đang chào bán xe tăng Khalid cho Jordan, Bahrain ở khu vực Trung Đông.

Người phát ngôn Nhà máy công nghiệp nặng Taxila Pakistan cho biết, đối tượng xuất khẩu tiềm năng của xe tăng chiến đấu Khalid gồm có Bangladesh, Bhutan, Sri Lanka, nhưng cũng đứng trước sự cạnh tranh thị trường gay gắt.

Đối với hợp đồng hợp tác nghiên cứu chế tạo xe tăng chiến đấu Khalid-1 mới ký kết, những tuyên bố công khai hoàn toàn không tiết lộ nhiều chi tiết, chỉ cho biết “sẽ cải tiến chức năng và hệ thống”. Nhưng, căn cứ vào các nguồn tin trước đây, có thể đưa ra một dự đoán sơ lược về phương hướng cải tiến có thể của nó.

Theo tin từ “Kanwa Defense Review” được báo chí TQ "tô vẽ" tháng 8 năm 2012, chuyên gia công nghiệp xe tăng Pakistan bày tỏ không hài lòng với động cơ 6TD-2 của Ukraine trang bị cho xe tăng Khalid, cho rằng khả năng chống nhiệt độ cao, chống cát bụi của nó yếu, tỷ lệ sự cố tương đối cao.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lần lượt nghiên cứu chế tạo thành công động cơ 1.200 mã lực và động cơ 1.500 mã lực, đáng chú ý là động cơ 1.200 mã lực đã có giấy phép xuất khẩu. Hiện nay, các kỹ sư của Trung Quốc và Pakistan đang tiến hành kiểm tra đối với động cơ 1.200 mã lực ở sa mạc Pakistan.

Xe tăng Khalid
Xe tăng Khalid

Căn cứ vào các thông tin nêu trên, có quan điểm cho rằng, phần cải tiến chủ yếu nhất của xe tăng Khalid-1 do Trung Quốc-Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo chính là đổi sang trang bị động cơ do Trung Quốc sản xuất, thứ hai là đổi sang lắp pháo do Pakistan chế tạo, ngoài ra đạn dược sử dụng của xe tăng cũng có thể được cải tiến.

Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)