PCT Quốc hội Uông Chu Lưu: "Tư hữu hóa đất đai sẽ rất phức tạp"

08/03/2013 07:08
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, phải kiên trì giành từng tấc đất mới có được ngày hôm nay. Chế độ đất đai của ta qua nhiều thời kỳ khác nhau nên có thể nói tư hữu hóa đất đai hoặc nhiều hình thức sở hữu đất đai sẽ nảy sinh những phức tạp về chính trị, xã hội".

Tại Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do HĐND TP Hà Nội tổ chức ngày 7/3, ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội (đồng thời là Phó Chủ tịch Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) đã thẳng thắn chỉ ra rằng nhà nước cần bảo hộ quyền sở hữu đất đai cho nhân dân, đồng thời phải giải quyết được bất cập hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất nhưng đền bù chưa thỏa đáng cho người dân.

Sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với lịch sử Việt Nam
- Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai, có một vấn đề mà người dân đang rất quan tâm là xuất hiện một số ý kiến về hình thức đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai. Ông có thể cho biết vì sao Ban soạn thảo Hiến pháp cũng như Luật Đất đai chưa đưa ra hướng lựa chọn khác về chế độ đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân như một số ý kiến đã đưa ra?

Ông Uông Chu Lưu: Đây là một vấn đề lớn, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số ý kiến của nhân dân, các cơ quan tổ chức đều khẳng định trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta sở hữu toàn dân về đất đai là phương án hợp lý nhất. Nó có tính chất lịch sử tất yếu và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của nước ta, bởi vì đây không chỉ thuần túy là kinh tế mà đây còn là vấn đề chính trị - xã hội.

Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, phải kiên trì giành từng tấc đất mới có được ngày hôm nay. Chế độ đất đai của ta qua nhiều thời kỳ khác nhau nên có thể nói tư hữu hóa đất đai hoặc nhiều hình thức sở hữu đất đai sẽ nảy sinh những phức tạp về chính trị, xã hội. Ở đây không chỉ nằm ở vấn đề sở hữu mà cốt lõi là quy định quyền của người chủ sở hữu đất thay mặt cho toàn dân trong sở hữu đất, cũng như quyền của người dân được giao quyền sở hữu đất như quyền sở hữu tài sản.

- Trên thực tế những năm gần đây, việc thu hồi đất đai để thực hiện ở nhiều dự án được cho là đền bù không thỏa đáng, khiến người dân bức xúc. Theo ông, sẽ phải làm gì để giải quyết bất cập này?

Ông Uông Chu Lưu: Pháp luật phải bảo hộ, bảo vệ quyền tài sản đó của người dân và xử lý được những bất cập hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giá của đất đai. Bên cạnh đó, chính sách về đất đai, cơ chế để quản lý quy hoạch, kế hoạch đất đai cũng phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm khắc phục những vấn đề bất cập hiện nay.

Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Có ý kiến cho rằng, trong dự thảo hiện nay đã có quy định về việc nhà nước có quyền thu hồi đất phục vụ cho các mục tiêu an ninh, quốc phòng; nhưng nếu để cả vế “thu hồi đất để phát triển dự án kinh tế xã hội” có thể dẫn đến việc lạm quyền, xâm phạm quyền sử dụng đất của người dân. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Uông Chu Lưu: Các đại biểu cũng đã có ý kiến và bày tỏ về chi tiết này, có thể dẫn tới mở rộng quá quyền của các cơ quan nhà nước, và có thể dẫn tới tùy tiện ở chỗ này, chỗ khác. Sở dĩ dự thảo có chi tiết này, là vì trong lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao hàm cả vấn đề thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế- xã hội nên cần thiết phải bổ sung thêm điều đó. Theo tôi, ý kiến góp ý này cũng là hợp lý, cần được ghi nhận và sẽ trình Quốc hội quyết định.

Tôn trọng ý kiến khách quan của nhân dân khi góp ý cho dự thảo

- Thưa Phó Chủ tịch, việc lấy ý kiến đến từng hộ dân làm thế nào để vừa bảo đảm sự công khai minh bạch lại vừa phát huy được trí tuệ của toàn dân, thưa ông?

Ông Uông Chu Lưu: Việc mỗi người dân tiếp cận với dự thảo và có điều kiện để tham gia vào Dự thảo Hiến pháp có trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể.

Hiện nay, Ủy ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp đề nghị các tỉnh, thành in, sao chép các tài liệu hướng dẫn về Dự thảo Hiến pháp cũng như bản Hiến pháp hiện hành để gửi đến từng hộ dân. Làm như vậy để mỗi người dân trong từng hộ gia đình đó có điều kiện tiếp cận nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến.

- Xin nêu một thí dụ cụ thể như Hà Nội, trong việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, theo ông cần phải chú trọng đến vấn đề gì?

Ông Uông Chu Lưu: Tôi nghĩ rằng Hà Nội đã có rất nhiều cách làm sáng tạo, bài bản. Từ việc thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ra các văn bản hướng dẫn, tổ chức các hình thức tuyên truyền phổ biến: Đưa xuống các chi bộ, tổ dân phố, cụm dân cư, qua các chương trình phát thanh- truyền hình… để tất cả các tầng lớp nhân dân được tiếp cận với dự thảo.

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo của Hà Nội được tổ chức không chỉ ở cấp ủy hay chính quyền. Cách đây mấy hôm, Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị để cán bộ chủ chốt, lãnh đạo của hai cơ quan đó góp ý kiến và hôm nay Hà Nội lại tổ chức hội nghị lấy kiến của các đại biểu HĐND, sau đó sẽ triển khai xuống các quận, huyện, xã, phường. Điều này cho thấy cuộc tham gia tổ chức lấy ý kiến này là rộng khắp đầy đủ ở mọi cơ quan tổ chức, đoàn thể của Hà Nội. Đây là một việc làm tốt. Vấn đề đặt ra bây giờ là tập hợp phản ánh những ý kiến đó thế nào cho chính xác khách quan, đầy đủ, tránh phiến diện, xuôi chiều.

Các địa phương phải ghi nhận được cả ý kiến đồng thuận và chưa đồng thuận, kể cả những kiến nghị bổ sung vào điều khoản cụ thể đều được ghi nhận phản ánh với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Và Ủy ban sẽ tiếp thu chắt lọc những gì là tinh hoa, giải trình thấu đáo, hợp lý để đưa vào bản Hiến pháp. Có thể nói đây biện pháp phản ánh thật sự ý chí nguyện vọng của nhân dân.

- Thưa ông, gần đây có một số ý kiến cho rằng, cần xây dựng luật về Đảng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Uông Chu Lưu: Ta cần khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo xã hội. Mà đã nói tới lực lượng lãnh đạo xã hội rồi thì không có nghĩa rằng phải có một luật về Đảng giống như luật về Mặt trận Tổ quốc, luật về Công đoàn. Đảng là lực lượng tiên phong, hoạt động theo cương lĩnh, theo điều lệ, theo quy chế, theo các nghị quyết của Đảng. Đồng thời, Đảng cũng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không đứng trên pháp luật và cũng không đứng ngoài pháp luật, điều đó đã thể hiện rất rõ trong Điều 4 của dự thảo. Vì vậy, những ý kiến cho rằng phải làm luật cho Đảng là không phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)