Phát triển xe thiết giáp sử dụng kỹ thuật điện

09/10/2011 09:17
Theo Đặng Đồng Tiến/báo Quân Đội Nhân Dân
Hiện nay, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phát triển xe thiết giáp thế hệ mới sử dụng hoàn toàn kỹ thuật điện.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phát triển xe thiết giáp thế hệ mới sử dụng hoàn toàn kỹ thuật điện. So với xe thiết giáp truyền thống, xe thiết giáp sử dụng kỹ thuật điện có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, do sử dụng hệ thống truyền động điện, sẽ tiết kiệm được không gian, thuận tiện cho bố cục tổng thể của xe, đồng thời có lợi cho việc thực hiện tự động hóa, thông minh hóa trong vận hành và điều khiển, giảm bớt tiếng ồn và lượng dầu tiêu hao, nâng cao được tính tàng hình và tính linh hoạt cho xe, đáp ứng yêu cầu tác chiến liên tục.

Thứ hai, do lựa chọn pháo điện từ hoặc pháo điện-nhiệt làm vũ khí chính khiến sơ tốc và động năng của đạn cao hơn, độ chính xác bắn và hiệu quả phá hủy, sát thương cũng cao hơn. Cuối cùng, xe sử dụng giáp điện để phòng hộ sẽ làm năng lực sống còn của xe nâng lên do năng lượng giáp điện tạo ra dòng điện từ cao, có thể phá hủy phần chiến đấu của đầu đạn tiến công hoặc giảm thấp hiệu năng xuyên giáp của đầu đạn.
Xe quan trắc, trinh sát và chỉ thị mục tiêu (RST-V) sử dụng hệ thống động lực lai điện. Ảnh: ST.
Xe quan trắc, trinh sát và chỉ thị mục tiêu (RST-V) sử dụng hệ thống động lực lai điện. Ảnh: ST.

Xe thiết giáp sử dụng hoàn toàn kỹ thuật điện là một hướng phát triển trong tương lai, giúp tính năng chỉ huy điều khiển và phòng vệ, cơ động, hỏa lực của xe được nâng lên rõ rệt. Truyền động điện (động cơ đi-ê-den dẫn động cho máy phát điện; máy phát điện cung cấp điện cho động cơ điện được gắn trực tiếp với bánh chủ động) khiến xe không cần hộp số và trục truyền, tiết kiệm khối lượng trung gian cũng như giảm chi phí bảo dưỡng.

Hãng United Defence đã sản xuất xe thiết giáp chở quân M113 với hệ thống động cơ điện và xe chiến đấu bộ binh Bradley với hệ thống động lực và truyền động lai điện, qua thực tế đã chứng tỏ nhiều ưu điểm nổi trội... Theo dự đoán, đến năm 2020, hệ thống truyền động điện hỗn hợp sẽ được quân đội nhiều nước sử dụng phổ biến trên các xe chiến đấu thế hệ mới.

Vũ khí điện là trang bị sử dụng điện năng để thay thế hoặc bổ trợ cho đạn pháo sử dụng thuốc phóng. Vũ khí điện có thể phân chia thành pháo điện từ, pháo điện-nhiệt, vũ khí la-de. Những năm gần đây, việc phát triển kỹ thuật pháo điện-nhiệt đã đạt được những đột phá quan trọng như kỹ thuật hệ thống điểm hỏa mạch xung nguồn điện, máy nạp đạn…

Thậm chí nhiều nước đã thành công trong tiến hành thử nghiệm bắn đạn thật. Loại pháo điện-nhiệt được cải tiến từ pháo tăng cỡ nòng 120mm XM291 có một hệ thống điểm hỏa xung mạch nguồn điện (ETIPPS), cho phép điểm hỏa plasma đối với đạn pháo 120mm và có thể đồng thời bắn đạn pháo điện-nhiệt và đạn pháo thông thường.

So với pháo điện-nhiệt thì việc phát triển pháo điện từ sử dụng cho xe thiết giáp có tiến triển chậm hơn và khó khăn hơn do vấn đề giảm nhỏ thể tích nguồn điện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, quân đội nhiều nước đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng khi thử nghiệm thành công đối với cối điện từ và pháo điện từ (phóng thành công đạn 120mm với sơ tốc đạt hơn 420m/s). Xe tăng sử dụng hoàn toàn kỹ thuật điện sẽ ứng dụng rộng rãi hệ thống giáp điện để tự vệ. Giáp điện là một loại giáp tự vệ có thể chống lại sự tấn công có năng lượng cao từ bên ngoài.

Giáp sử dụng nguồn điện năng lớn được dự trữ trong bộ tích điện để chống lại đầu đạn tiến công. Giáp điện bao gồm giáp điện từ thụ động, giáp điện từ chủ động và giáp điện-nhiệt. Giáp điện từ thụ động là loại giáp điện ra đời sớm nhất, gồm 2 tấm giáp có cự ly giãn cách khá lớn cấu thành, trong đó một tấm giáp được liên kết với bộ tích điện cao áp, tấm giáp còn lại tiếp đất.

Khi luồng phụt của đầu đạn di chuyển vào giữa 2 tấm giáp này sẽ khiến 2 tấm giáp tiếp xúc với nhau và giải phóng điện năng, sản sinh ra dòng điện cường độ cao. Điều này sẽ làm mất ổn định đường đạn, từ đó làm giảm lực xuyên của đầu đạn tiến công. Loại giáp này còn được dùng để đối phó với đạn xuyên giáp ổn định bằng cánh đuôi vì năng lượng dòng điện mạnh có thể khiến lõi đạn bị mất ổn định và phá hủy lõi đạn.

Hiện nay, quân đội các nước trên thế giới đặc biệt chú trọng đến việc phát triển giáp điện. Tháng 4-2010, Phòng thực nghiệm khoa học kỹ thuật quốc phòng Anh cho biết, họ đang nghiên cứu chế tạo một loại giáp điện mới tương tự như chụp phòng hộ trường lực.

Loại giáp này có thể sử dụng mạch xung điện năng để chống lại tên lửa tiến công, cối, đạn pháo. Khi xe phát hiện ra mối uy hiếp hỏa lực của đối phương, năng lượng dự trữ trong bộ tích điện siêu cấp nhanh chóng truyền ra bên ngoài xe tạo ra một trường điện từ mạnh. Trường điện từ sẽ hình thành chụp phòng hộ trường lực trong quãng thời gian ngắn, có tác dụng ngăn chặn sự tiến công của viên đạn pháo.

Theo Đặng Đồng Tiến/báo Quân Đội Nhân Dân