Phía sau việc NATO chọn thành viên thứ 29

22/05/2016 08:54
Ngọc Việt
(GDVN) - Nga càng đáng gờm bao nhiêu thì thiệt hại cho họ càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy, Nga càng “phóng đại” tầm ảnh hưởng của việc Montenegro gia nhập NATO...

The New York Times ngày 19/5 đưa tin, Ngoại trưởng các nước NATO đã ký thoả thuận cho phép Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của liên minh quân sự này. Phát biểu tại buổi lễ ngày 19/5 ở Brussels, Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic coi việc gia nhập NATO là điều rất quan trọng vì nó sẽ mang đến sự ổn định trong khu vực.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, việc Montenegro trở thành thành viên chính thức của NATO sớm hay muộn tuỳ thuộc quá trình phê chuẩn của 28 nước thành viên hiện nay và ông Stoltenberg dự đoán quá trình này có thể kéo dài cả năm. Tuy nhiên, Montenegro sẽ được tham gia vào tất cả các cuộc họp của NATO với vai trò quan sát viên của tổ chức này.

Montenegro là một quốc gia nhỏ bé ở trung nam Âu, có diện tích khoảng hơn 15.000km2, dân số khoảng hơn 600.000 người và quân đội chỉ có khoảng 2.000 binh sĩ tại ngũ. Như vậy, Montenegro sẽ là thành viên có lực lượng vũ trang nhỏ nhất của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương này.

Có thể thấy rằng, việc có thêm thành viên thứ 29 này gần không làm thay đổi NATO, không mạnh hơn, không lớn hơn. Có khác chăng là trên bàn nghị sự của NATO từ nay có thêm ghế của đại diện Montenegro. Việc kết nạp Montenegro với NATO đúng là chỉ như “thêm bát thêm đũa” mà thôi.

Các quan chức Montenegro và NATO. Ảnh: Reuters.
Các quan chức Montenegro và NATO. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, sự thiết tha của Ukraine và Gruzia với thế và lực hơn lớn rất nhiều, thậm chí cả khát khao hơn nữa, nhưng lại bị NATO bỏ qua hoặc chưa xem xét, mà tổ chức này lại chọn Montenegro – một thành viên mà “có cũng như không”. Điều gì khiến NATO có quyết định khó hiểu như vậy?

Gờm Nga

Việc NATO chọn kết nạp Montenegro là một lựa chọn đảm bảo sự an toàn nhất trong quan hệ với Nga. Bởi lẽ, bất cứ “nhất cử nhất động” mà NATO “đông tiến” đều là một sự khó chịu với Nga vì Kremlin luôn cho đó là sự đe doạ trực tiếp đến an ninh của nước Nga. Do vậy, việc chọn kết nạp thành viên mới của NATO luôn gây nên những cơn bão với Moscow.

Điều đó khiến cho NATO phải tính toán chi tiết, cân nhắc cẩn thận việc mở rộng quy mô của mình. Có thể thấy rằng, việc nhận đơn của Ukraine hoặc Gruzia lúc này thì chắc chắn sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Nga và NATO.

Cuộc chạy đua vũ trang không hồi kết sẽ khiền cho hai bên trở lại thế giằng co chứ không nghiêng hẳn về NATO như hiện nay.

Điều đó làm mất đi vị thế của NATO có được trong một phần tư thế kỷ qua, cùng với đó là việc làm mưa làm gió trên khắp các điểm nóng hay tạo điểm nóng trên thế giới. Trong khi đó, cả hai quân cờ Ukraine và Gruzia không những yếu về tiềm lực kinh tế, mà lực lượng quân sự cũng hết sức thiếu thốn về trang thiết bị và trình độ tác chiến không tinh nhuệ.

Cuộc chiến Nga – Gruzia năm 2008 và cuộc xung đột tại miền đông Ukraine đã chứng minh, lực lượng quân sự của cả Ukraine và Gruzia đều thiếu và yếu. Từ tư duy chiến lược, chiến thuật đến tính cơ động trên chiến trường đều kém quá xa so với chuẩn NATO.

Điều đó cho thấy nếu kết nạp Ukraine và Gruzia thì NATO phải “đại tu” cả hai quân cờ này và không biết khi nào mới sử dụng được.

Nghĩa là Ukraine và Gruzia nếu có chân trong NATO lúc này cũng chẳng khác gì “thêm bát thêm đũa” mà thôi. Vì vậy, NATO chọn Montenegro cũng chẳng thua kém gì nhưng lại không mất quá nhiều thời gian và chi phí để đại tu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của việc lựa chọn thành viên thứ 29 của mình vẫn là NATO gờm Nga.

Chỉ riêng việc chọn Montenegro “vô lợi, bất hại” mà Nga cũng đã thể hiện sự phản ứng dữ dội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng NATO đang cố thay đổi bối cảnh chính trị tại châu Âu và ảnh hưởng đến lợi ích của Nga, buộc Nga phải đáp trả.

Ông Sergei Zheleznyak, một thành viên Quốc hội Nga thì cho biết, Moscow có thể sẽ thay đổi mối quan hệ vốn hoà hữu với Montenegro, có thể là cắt đứt làm ăn kinh tế hoặc cấm vận, theo TASS ngày 19/5.   

Điều đó cho thấy, nếu Ukraine hoặc Gruzia được chọn vào NATO thì phản ứng của Nga sẽ lớn hơn rất nhiều. Bởi lẽ Montenegro là một nước nhỏ và nằm cách xa biên giới Nga, trong khi Ukraine và Gruzia đều là những người vốn là anh em “gần nhà xa ngõ”.

Nga phản ứng việc Montenegro gia nhập NATO vì cho rằng việc này không theo ý nguyện người dân Montenegro.

Phía sau việc NATO chọn thành viên thứ 29 ảnh 2

Liên minh chồn - cáo: Thách thức của Putin

(GDVN) - Một NATO đã khiến Nga túng quẫn, nay thêm liên minh chồn – cáo, thêm đối trọng mới sẽ khiến Moscow mệt mỏi và tốn kém thêm nhiều.

Vì vậy, Nga kêu gọi Montenegro tổ chức trưng cầu dân ý đề người dân thể hiện nguyện vọng của mình. Tuy nhiên đó chỉ là cái cớ mà thôi, bởi lẽ trong tiềm thức của Kremlin bất cứ hành động nào thể hiện NATO “đông tiến” đều không phải là chuyện nhỏ với sự an toàn của nước Nga và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược quân sự của Nga.

Do đó, việc NATO chọn Montenegro là một bước thăm dò phản ứng của Nga để điều chỉnh kế hoạch kết nạp thành viên mới của họ. NATO không thể thực hiện việc kết nạp hàng loạt thành viên như thời với các nước vùng Baltic, bất chấp thái độ của Nga được nữa.

Cả vị thế, vai trò và sức mạnh của Nga lúc này đã rất đáng gờm và NATO không thể “vuốt mặt không nể mũi” được.  

Cộng hưởng trong việc làm thiệt hại nước Nga

Như người viết đã phân tích, Thổ Nhỹ Kỳ xây dựng liên minh chồn – cáo với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan đã hình thành nên một bàn cờ mới ngay sát nách nước Nga và sẽ làm thiệt hai cho Nga về nhiều mặt. Từ kinh tế, ngân sách quốc phòng đến ổn định xã hội của nước Nga đều có nguy cơ bị tác động rất xấu bởi sự ra đời của liên minh chồn – cáo này.

Cùng với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, liên minh chồn – cáo sẽ bọc lót cho nhau, đưa Moscow vào thế chống đỡ. Việc phải thay đổi chiến lược, chiến thuật và lực lượng là không thể tránh khỏi.

Việc kết hợp giữa hai liên minh này sẽ làm giảm tính chủ động, tăng tính bị động cho nước Nga trong chiến lược phòng thủ và bảo đảm an ninh của mình.

Cò thể thấy rằng, liên minh chồn – cáo chỉ là “muỗi” đối với Nga, vì vậy nó không thể là lực lượng đối trọng với Nga ở bất cứ mặt trận hay lĩnh vực quân sự nào. Vậy nhưng thiệt hại mà nó gây ra cho nước Nga thì không phải nhỏ như “muỗi”. Điều đó cho thấy, những quân cớ “bé hạt tiêu” rất lợi hại trong việc “làm tiêu hao sinh lực địch”.

Và NATO cũng sử dụng quân cờ “bé hạt tiêu” Montenegro để có thể làm thiệt hại cho nước Nga, cho dù với họ quân cờ này chẳng mang lại lợi lộc gì. Với bất cứ quân cờ nào liên quan đến “đông tiến” của NATO thì Kremlin luôn phải có điều chỉnh chiến lược quân sự của mình và phải có kế hoạch đáp trả dự phòng. 

Việc thay đổi chiến thuật, chiến lược của Nga khi NATO mở rộng sang hướng đông và ngày càng gần với biên giới nước Nga thì luôn phải ngang tầm mà không phụ thuộc vào thành viên mới đó là quốc gia nào, việc khác nhau chỉ về lực lượng và tác chiến mà thôi. Do đó, NATO chọn Montenegro hay Ukraine hay Gruzia thì sự cảnh giác của Nga vẫn phải ở mức cao độ.

Phía sau việc NATO chọn thành viên thứ 29 ảnh 3

Obama "rửa mặt" cho Putin

(GDVN) - Aegis đến với Putin rất kịp lúc, nó khiến cho ông nhen nhóm lại cơ hội cho nước Nga và cho bản thân ông. Lá chắn Aegis giúp Putin không cần phải thanh minh.

Những động thái tại Ba Lan hay các nước Baltic gần đây cho thấy sự nguy hại cho nước Nga không phụ thuộc vào các thành viên NATO lớn bé, mạnh yếu vì mọi hành động quân sự của họ đều là NATO hành động.

Sputnik ngày 30/4 cho biết, Hoa Kỳ và các đồng minh trong NATO đang chuẩn bị bố trí bốn tiểu đoàn với khoảng 4.000 binh sĩ tại Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Và thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Wark trong chuyến thăm Brussels đã khẳng định rằng, hiện các nước NATO đã vạch ra kế hoạch bố trí lực lượng chung. Cũng theo lời ông Robert Wark, việc mở rộng lực lượng quân đội phương Tây là nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Nga hướng về phía các nước Baltic, theo The Wall Street Journal ngày 29/4.

Khi không thể xem thường việc gia nhập NATO của bất cứ quốc gia nào thì sẽ đi liền với kế hoạch đối phó và theo sau là chi phí, là thiệt hại cho kinh tế của nước Nga. Và khi việc kết nạp thành viên mới “vô lợi” thì NATO sẽ chọn những quốc gia nào mà việc gia nhập gây ít tốn kém nhất cho họ và luôn gây thiệt hại cho Nga.

Nga càng đáng gờm bao nhiêu thì thiệt hại cho họ càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy, Nga càng “phóng đại” tầm ảnh hưởng của việc Montenegro gia nhập NATO sẽ càng khiến họ nhận lãnh thiệt hại ngay cho mình và không loại trừ NATO sẽ “té nước theo mưa”, nâng tầm quan trọng của việc này để trầm trọng hoá vấn đề và kèm theo đó là gia tăng thiệt hại cho nước Nga.

Chính thức công khai chiến lược mới của NATO   

Như người viết đã phân tích, việc NATO kích hoạt hệ thống lá chắn phòng thủ tại Châu Âu không chỉ đơn thuần là thay đổi chiến thuật của họ trong việc phòng thủ đối phương, mà đó chính là một sự bắt đầu của một chiến lược mới trong củng cố và phát triển lực lượng. NATO đã thay đổi cách cơ học trong việc tăng cường sức mạnh bằng việc kết nạp thêm thành viên mới.

Mở đầu cho chiến lược mới đó việc kích hoạt hệ thống “phòng hơn thủ” đặt tại Romania vừa qua, nhưng chọn Montenegro làm thành viên thứ 29 mới là việc NATO chính thức công khai chiến lược ấy.

Có thể nhận định rằng nếu NATO kết nạp thêm thành viên 30, 31, 32…trong tương lai, thì cũng không phải nằm trong chiến lược tăng cường sức mạnh của họ.    

Có thể thấy rằng nước Nga đang phải đối phó với một cuộc chạy đua của NATO không chỉ về vũ khi và đạn dược, mà còn là việc thích ứng với và đối phó với chiến lược mới của họ, trong đó có việc kết nạp những thành viên “vô lợi” với họ nhưng “bất lợi” cho Nga. Điều này khiến cho Moscow sẽ bị rối và khó có thể “toàn thắng” trên bất cứ mặt trận nào.  

Hệ thống phòng thủ của NATO tại Châu Âu không dừng lại và việc kết nạp thành viên mới “có cũng như không” của NATO cũng sẽ không dừng lại. Điều này khiến cho nước Nga của Putin sẽ không thể yên ổn để phát triển kinh tế - điều mà chính phủ Nga luôn phải tìm mọi cách để có được nhằm thoát ra khỏi khó khăn bế tắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sochi, ảnh: CTV News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sochi, ảnh: CTV News.

Nga đang hướng về mặt trận “mới mà cũ” ASEAN nhưng có lẽ NATO sẽ không để cho Nga có cơ hội thể hiện mình tại vùng chiến lược ảnh hưởng sát sườn đến quyền lợi của Mỹ và đồng minh này.

Trong khi tại Trung Đông, Israel đã nâng tầm trong quan hệ với NATO khiến cho có thể có một thành viên NATO mới tại đây, hành hạ nước Nga không thua gì Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, chiến tranh lạnh đã manh nha cơ hội quay trở lại sau một phần tư thế kỷ kết thúc cùng với thế giới đơn cực hình thành. Một thế giới lưỡng cực chưa thể hình thành ngay trong nay mai và Nga chưa thể trở thành cực thứ hai trong cái thế giới ấy.

Nhưng cuộc chạy đua giữa Nga với NATO trong chiến lược mới có thể bắt đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mà ai cũng nhân ra.

Tóm lại, phía sau việc NATO chọn Montenegro làm thành viên thứ 29 là một loạt những vấn đề mang tính chiến lược mà có thể sẽ góp phần làm thay đổi cục diện tại nhiều khu vục trên toàn thế giới, với những cuộc xung đột hay chay đua vũ trang gây tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, điều quan trọng qua sự kiện này cho thấy Nga rất đáng gờm, mọi kế hoạch của Mỹ và các đồng minh trong NATO đều hướng vào làm thiệt hại cho Nga về nhiều mặt, qua đó làm suy yếu Nga để khẳng định vị thế độc tôn của mình trong việc giải quyết những vấn đề nóng trên thế giới.   

Ngọc Việt