Philippines sẽ cứng rắn với Trung Quốc do có Mỹ hỗ trợ

12/03/2014 10:32
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, Mỹ và Philippines sắp đạt thỏa thuận đồn trú luân phiên quân Mỹ ở Philippines, được Mỹ hỗ trợ, Philippines sẽ gia tăng hành động.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Hawaii lớp Virginia Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Hawaii lớp Virginia Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu)

Đàm phán vòng thứ 6 về vấn đề đóng quân giữa Philippines và Mỹ được dư luận quan tâm, đã kết thúc vào ngày 9 tháng 3 tại Washington. Theo tờ "Philippines Star" ngày 10 tháng 3, "cuộc hội đàm đã đạt được tiến triển mang tính thực chất, hơn nữa có nhiều thành quả".

Truyền thông Trung Quốc phỏng đoán, có lẽ vì được cổ vũ bởi "tin tốt" này, người phát ngôn phủ Tổng thống Philippines Herminio Coloma đã có phản ứng cứng rắn với tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 8 tháng 3 của ông Vương Nghị, người phụ trách cơ quan ngoại giao Trung Quốc. Coloma tuyên bố: "Philippines cũng có quyền bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ".

Báo Trung Quốc cho rằng, ngoài tuyên bố chính trị, Philippines còn "giở trò" ngầm trên Biển Đông. Ngày 9 tháng 3, 2 tàu Philippines áp sát bãi Cỏ Mây trước những con mắt nhòm ngó của tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Tôn Tiểu Nghênh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu": Thỏa thuận đóng quân giữa Mỹ-Philippines một khi đạt được, Philippines sẽ có nhiều hành động hơn ở Biển Đông.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ neo đậu ở Philippines (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ neo đậu ở Philippines (ảnh tư liệu)

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Philippines, người phụ trách nhóm đàm phán của Philippines Battino cho biết, ngày 9 tháng 3 tại Washington, Tiểu ban đàm phán Philippines-Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán thứ 6 về thảo luận thỏa thuận khung tăng cường đồn trú luân phiên của quân Mỹ tại Philippines.

Thỏa thuận khung này được cho là sẽ làm sâu sắc hợp tác phòng thủ giữa hai nước. Ghi chép đàm phán lần này cho biết, "đàm phán là thiết thực, nhiều kết quả, đã đạt được tiến triển rất lớn".

Tờ "Philippine Daily Inquirer" ngày 10 tháng 3 đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines tiết lộ, hai bên Philippines và Mỹ đã thảo luận dự thảo thỏa thuận, đồng thời đạt được đồng thuận về rất nhiều điều khoản, trong đó có các điều khoản như lời mở đầu thỏa thuận, mục đích và phạm vi, định nghĩa thuật ngữ, quyền sở hữu công trình hạ tầng cơ sở, phối hợp an ninh, trình tự ký kết thỏa thuận và giải quyết tranh chấp.

Hai bên sẽ tiến hành đàm phán về các vấn đề còn lại ở Manila vào cuối tháng 3. Battino cho biết, hội đàm đã thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác của hai bên trong các lĩnh vực có liên quan như quốc phòng, an ninh, cứu trợ nhân đạo và phản ứng thảm họa.

Trước đó, Mỹ-Philippines cũng đã tiến hành đối thoại chiến lược song phương vòng thứ 4 ở Washington và ra Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông. Tờ "Philippine Daily Inquirer" ngày 9 tháng 3 cho rằng, tuy tuyên bố hoàn toàn không "nhấn mạnh" phòng thủ chung, nhưng bày tỏ quan ngại đối với tình hình khu vực Biển Đông gần đây, rõ ràng mục tiêu chủ yếu là nhằm vào các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Tàu tuần duyên USS Freedom Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu)
Tàu tuần duyên USS Freedom Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu)

Mỹ-Philippines còn đặc biệt nhấn mạnh, cần giải quyết hòa bình bất đồng hàng hải trong phạm vi luật pháp quốc tế trong đó có trọng tài. Tờ "Philippine Daily Inquirer" cho rằng, trước khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Philippines vào tháng tới, thỏa thuận quân Mỹ đóng luân phiên ở Philippines có thể cuối cùng sẽ đạt được.

Báo Trung Quốc tuyên truyền, đã có "chỗ dựa" Mỹ, phát ngôn của Philippines trong đòi hỏi chủ quyền Biển Đông trở nên cứng rắn. Ngày 9 tháng 3 tại cuộc họp báo, người phát ngôn phủ Tổng thống Philippinese Coloma cho biết, Philippines cũng có quyền bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ. Coloma nói: "Bảo vệ lãnh thổ quốc gia của mình là quyền lợi của mỗi quốc gia. Đó cũng là nguyên tắc chúng tôi tuân thủ".

Coloma cho biết, lập trường của Philippines là dựa vào nguyên tắc luật pháp quốc tế như Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc. Philippines đồng thời hy vọng ASEAN có thể đạt được đồng thuận về đưa ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Ngoài ra, tờ "Philippines Star" ngày 10 tháng 3 cho biết, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio tuyên bố, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển "đường lưỡi bò" trên Biển Đông hoàn toàn không có bất cứ căn cứ luật pháp quốc tế nào, những đòi hỏi chủ quyền này chỉ có "căn cứ lịch sử" của Trung Quốc.

Mỹ-Philippines tập trận chung (ảnh tư liệu)
Mỹ-Philippines tập trận chung (ảnh tư liệu)

Đây không phải là lần đầu tiên Carpio công khai ủng hộ yêu cầu chủ quyền của Chính phủ Philippines đối với đảo, đá và vùng biển có liên quan. Năm 2013, Carpio cũng tuyên bố, tin rằng, Philippines sẽ giành được chiến thắng tại Tòa án Luật biển quốc tế.

Tôn Tiểu Nghênh ngày 10 tháng 3 nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu" rằng, hiện nay, Chính phủ Philippines lôi kéo người Mỹ đến, còn thỏa thuận quân Mỹ luân phiên đóng ở Philippines sẽ trở thành một cơ chế công khai của hai bên. Có thể dự đoán, trong tương lai, hành động của Philippines ở Biển Đông sẽ "táo bạo" hơn.

Học giả này dị nghị: Do giá trị địa-chiến lược của Philippines ở Biển Đông, từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản, Mỹ đều lôi kéo Philippines để tiến hành đóng quân, mà có nước lớn ở phía sau thì Philippines luôn trở nên "ngang tàng" ở khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, cùng với sự suy yếu của thực lực kinh tế, Philippines chỉ có thể "ôm lấy cây lớn" Mỹ. Nhưng, trong vấn đề đồn trú luân phiên của quân Mỹ, thái độ của người dân và Chính phủ Philippines có bất đồng, cùng với quân số đồn trú ở Philippines của quân Mỹ tăng lên, nội bộ Philippines có thể sẽ phát sinh bất mãn.

Máy bay vận tải Osprey Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan 2013
Máy bay vận tải Osprey Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan 2013

Báo Trung Quốc đặt điều cho rằng, cùng với việc thúc đẩy thỏa thuận đóng quân Mỹ-Philippines, Philippines lại "giở trò" ở Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 10 tháng 3 thì theo thông báo của Cảnh sát biển Trung Quốc, ngày 9 tháng 3, biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến hành "tuần tra thường lệ" (bất hợp pháp) ở vùng biển bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), đã phát hiện 2 tàu chở vật liệu thi công và mang quốc kỳ Philippines đang tới gần bãi Cỏ Mây. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã (ngang nhiên) "gọi hàng", hai tàu Philippines đã rời khỏi vùng biển bãi Cỏ Mây vào chiều cùng ngày.

Theo Tần Cương, Philippines trước đây dùng lý do "sự cố" đã đưa lên bờ bãi Cỏ Mây 1 chiếc tàu cũ, Trung Quốc luôn đòi Philippines phải dời nó đi, nhưng Philippines dùng lý do kỹ thuật không làm, lần này còn muốn tiến hành thi công ở bãi Cỏ Mây.

Bài báo cho hành động này là "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc", đã "đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN".

Tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Tại cuộc họp báo ngày 8 tháng 3, về chủ quyền lãnh thổ như ở Biển Đông, Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đưa tuyên bố hết sức nực cười rằng: “Cái gì không phải của chúng tôi (Trung Quốc), một phân cũng không cần; cái gì nên là của chúng tôi thì một tấc cũng phải giữ”.

Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với đảo, đá và vùng biển trong “đường lưỡi bò” bất hợp pháp. Tham vọng đó, tuyên bố như vậy, rõ ràng, các nước không nên mơ hồ, mất cảnh giác cho rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò” bất hợp pháp này, đồng thời, các nước nên sớm chuẩn bị mọi phương án, mọi đối sách ứng phó hiệu quả nhất, phù hợp nhất.

Đông Bình