GÓC NHÌN:

Putin thành công trên chính trường nhờ kinh nghiệm tình báo

15/11/2011 19:03
Chấn Hưng (theo strategy)
(GDVN) - Với việc lấy ngày 5/11 hàng năm là "Ngày tình báo", Thủ tướng Putin cho thấy rõ tham vọng đưa RGU trở về với thời huy hoàng như KGB dưới thời Xô Viết.

Tại Nga, ngày 5 tháng 11 hàng năm sẽ là “ngày tình báo” để kỷ niệm một thế kỷ hoạt động gián điệp của cường quốc hàng đầu thế giới này. Ngày đặc biệt này không phải là sản phẩm còn lại từ thời Xô Viết, mà do Tổng thống Putin, một điệp viên hàng đầu kỷ nguyên Xô Viết, thành lập năm 2000.

Nhưng đây không phải là một nỗ lực nhằm tái tôn vinh những điệp viên từ thời Xô Viết (bởi phần lớn trong số họ đã chuyển ngành sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991). Thay vào đó, mục đích của Putin là tôn vinh những điệp viên Nga trong giai đoạn hòa bình hiện nay.

Giống như Trung Quốc, Nga cũng hiểu được giá trị của các thông tin công nghệ nước ngoài qua hoạt động gián điệp và nước này cần rất nhiều những điệp viên có kỹ năng cho mảng hoạt động này.

Trong khi Putin từng là một cựu chiến binh KGB thì phần lớn quan chức chính phủ Nga hiện nay không từng hoạt động trong lĩnh vực này. Trong số 100 quan chức hàng đầu của chính phủ Nga hiện tại, chỉ có khoảng hơn chục người từng hoạt động trong KGB.

Nhưng ảnh hưởng của KGB trong chính phủ Nga là có thật, dù không phải là một sự thống trị rõ ràng. Phần lớn các quan chức KGB đều cảm thấy hoạt động trong lĩnh vực công như hiện nay thoải mái hơn nhiều. KGB được coi là nơi tập trung toàn bộ những người “xuất sắc nhất và tỏa sáng nhất” dưới thời Xô Viết.

Một thế kỷ hoạt động, KGB đã đóng góp rất lớn cho sự huy hoàng một thời của nhà nước Nga Xô Viết
Một thế kỷ hoạt động, KGB đã đóng góp rất lớn cho sự huy hoàng một thời của nhà nước Nga Xô Viết

Những con người thông minh này sau khi rời KGB đều làm việc rất tốt trong mọi lĩnh vực dân sự trong một nhà nước Nga mới.

Thủ tướng Putin luôn cố gắng tạo ra một cơ quan tình báo theo mô hình KGB trong giai đoạn hiện nay. Năm năm trước, ông đã đầu tư 300 triệu USD để mở tổng hành dinh GRU (tương tự cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ).

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy Nga rất quan tâm đến lĩnh vực tình báo. Khu tổ hợp rộng 62.200 m2 của GRU bao gồm những thiết bị tối tân nhất để phục vụ cho những hoạt động nhỏ nhất của tình báo Nga.

Trong suốt năm năm qua, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ tăng cao, Nga càng đầu tư vào tình báo nhiều hơn. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, hoạt động tình báo của Nga đã bị suy giảm đáng kể, thậm chí, nhiều điệp viên Nga hoạt động ở nước ngoài đã đào thoát và bán nhiều bí mật cho các nước phương Tây.

Giờ đây, với việc mở rộng đầu tư cho KGB, Nga hy vọng sẽ mở rộng hơn nữa hoạt động tình báo đối ngoại cho thế kỷ 21.

Nhờ những năm tháng hoạt động trong KGB, Putin đã gặt hái được nhiều thành công khi đảm nhiệm những vị trí cao nhất của nhà nước Nga mới
Nhờ những năm tháng hoạt động trong KGB, Putin đã gặt hái được nhiều thành công khi đảm nhiệm những vị trí cao nhất của nhà nước Nga mới

Những thay đổi này phần lớn là do sự tác động của Thủ tướng Putin. Nhưng hiện nay Nga vẫn hy vọng hoạt động của KGB sẽ nối tiếp con đường như từng có trong quá khứ là tăng cường vào công tác thu thập công nghệ hiện đại của các nước khác.

Dưới thời Xô Viết, Nga rất hạn chế việc xuất khẩu vũ khí công nghệ mới của mình và tăng cường thu thập hoặc mua thêm công nghệ mới từ bên ngoài.

Theo trang chiến lược Mỹ, hiện nay Nga có khoảng 100 điệp viên đang hoạt động ở Mỹ, và khoảng 20 đến 40 điệp viên ở các nước có nền công nghiệp phát triển khác. Tuy nhiên, Nga cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu những điệp viên giỏi và giầu tâm huyết như dưới thời Xô Viết.

Thậm chí, Thủ tướng Putin còn ra lời cảnh báo về năng lực của thế hiện điệp viên hiện tại. Với việc lấy ngày 5 tháng 11 hàng năm là ngày truyền thống tình báo Nga, Thủ tướng Putin hy vọng KGB và RGU sẽ nối tiếp những thành công và huy hoàng của tình báo Nga dưới thời Xô Viết.

Chấn Hưng (theo strategy)