Quân sự hóa phi pháp ở Trường Sa là âm mưu của phe Giang Trạch Dân?

22/06/2015 10:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Nói ông Bình không hoàn toàn nắm được quân đội, nên việc quân đội Trung Quốc leo thang ở Biển Đông không phải chỉ đạo của Tập Cận Bình là chuyện hoang đường.
Ông Tập Cận Bình thị sát căn cứ Tam Á của hạm đội Nam Hải tháng 4/2013 và chỉ thị cho hải quân Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh. Ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình thị sát căn cứ Tam Á của hạm đội Nam Hải tháng 4/2013 và chỉ thị cho hải quân Trung Quốc sẵn sàng cho chiến tranh. Ảnh: SCMP.

Đài Tân Đường Nhân, một hãng truyền thông tiếng Hoa khá lớn ở hải ngoại, trụ sở đóng tại New York Hoa Kỳ ngày 22/6 đăng bình luận của Triệu Bồi, một nhà phân tích thời sự của đài này cho rằng, động thái bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc trên 7 bãi đá trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ 1988, 1995 đến nay) là âm mưu của phe Giang Trạch Dân.

Triệu Bồi nhận định, đang có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Trung Nam Hải giữa phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân với cánh lãnh đạo đương nhiệm do ông Tập Cận Bình đứng đầu. Sự chia rẽ này thể hiện qua các biến động chính trị tại Hồng Kông vừa qua với cuộc "Cách mạng Dù" và hoạt động quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Trường Sa. Triệu Bồi lý luận, tháng trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Trung Quốc, căng thẳng Biển Đông đã leo thang đến bờ vực xung đột.

Hoạt động leo thang của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông được ông Bồi cho là "âm mưu của phe Giang Trạch Dân" nhằm phá hoại thể diện của Tập Cận Bình trước người Mỹ trong bối cảnh ông Bình lần đầu tiên công du chính thức tới Hoa Kỳ tháng 9 này.

Ngày 16/6 Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đột ngột tuyên bố "sắp bồi lấp, xây dựng xong" đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa và sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng, cài đặt cơ sở hạ tầng "phục vụ mục tiêu quân sự và dân sự" là đòn đáp trả của ông Tập Cận Bình để ổn định cục diện Biển Đông trước khi qua Mỹ?!

Hôm nay Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong Đối thoại Chiến lược kinh tế Mỹ - Trung, quan hệ hai nước đã bắt đầu hòa hoãn, trước khi Tập Cận Bình đi Mỹ đã kịp thời "ổn định quân đội", Triệu Bồi lập luận.

Các diễn biến mới trên Biển Đông cũng như trên vũ đài chính trị Hồng Kông đều xảy ra sau khi Chu Vĩnh Khang bị tuyên án tù chung thân sau phiên xử kín. Điều này theo Triệu Bồi khiến người ta không thể không có cảm giác "náo loạn Hồng Kông, gây hấn Biển Đông" có liên hệ mất thiết với vụ Chu Vĩnh Khang.

Triệu Bồi bóp méo, xuyên tạc lịch sử khi đưa ra kết luận: "Từ những sự kiện này đối với dân Trung Quốc mà nói, liệu đảng Cộng sản Trung Quốc cổ súy 'yêu nước' còn có ý nghĩa hay không? Nhìn lại lịch sử, sau Chiến tranh Triều Tiên thì đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhượng một nửa dãy Trường Bạch (Paektu) cho Bắc Triều Tiên."

"Trong khi 'viện Việt kháng Mỹ' đảng Cộng sản Trung Quốc đã tặng cả quần đảo Bạch Long Vỹ cho Việt Nam. Thực chất xung đột trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chỉ là nhằm bảo toàn phe cánh Giang Trạch Dân, xin đừng biến dân Trung Quốc thành bia đỡ đạn, (đảng Cộng sản Trung Quốc) hãy tự đỡ lấy"?!

Triệu Bồi bình luận trên đài Tân Đường Nhân.
Triệu Bồi bình luận trên đài Tân Đường Nhân.

Lại một sự bịa đặt trắng trợn, nhưng lần này là từ phía "lực lượng thù địch của Bắc Kinh ở hải ngoại" chứ không phải từ lục địa. Điều đó cho thấy tư tưởng đại Hán, bành trướng đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ của các thế lực chính trị trong và ngoài Trung Quốc - PV.

Đầu tiên phải khẳng định rằng việc phe phái tranh giành nọ kia là chuyện nội bộ của Trung Quốc, Tân Đường Nhân hay Triệu Bồi xoáy vào chuyện này là có mục đích riêng của họ không phải nội dung cần bàn ở đây. Nhưng nói hoạt động leo thang bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo và quân sự hóa 7 bãi đá Trung Quốc xâm lược chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam ở Trường Sa là "âm mưu của phe Giang Trạch Dân trong quân đội Trung Quốc" chứ không phải của chính quyền ông Tập Cận Bình là điều không thuyết phục - PV.

Thứ nhất, từ khi lên cầm quyền về mặt đối nội ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch đả hổ đập ruồi chưa từng có trong lịch sử quốc gia này. Chỉ tính riêng trong quân đội Trung Quốc đã có ít nhất 1 viên Thượng tướng, Phó Chủ tịch quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu cùng một loạt tướng tá cấp cao bị lôi ra xét xử.

Trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, lần đầu tiên một cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là ông Chu Vĩnh Khang bị xử chung thân. Ngoài ra những con hổ lớn khác như Lệnh Kế Hoạch, Bạc Hy Lai cũng đã bị bắt, bị xét xử. Do đó nói ông Bình không hoàn toàn nắm được quân đội, nên việc quân đội Trung Quốc leo thang ở Biển Đông không phải chỉ đạo của Tập Cận Bình là chuyện hoang đường - PV.

Thứ hai, ngay từ khi lên nắm quyền, ngày 20/1/2013 khi phát biểu trước hội nghị Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không bao giờ đem "lợi ích cốt lõi" đi đổi chác, Bắc Kinh quyết không thỏa hiệp về "chủ quyền, an ninh và lợi ích của mình". Ông Bình nói với 24 thành viên còn lại trong Bộ Chính trị rằng, Trung Quốc theo đuổi chính sách "phát triển hòa bình", nhưng sẽ không bao giờ "hy sinh quyền lợi chính đáng hoặc các lợi ích cốt lõi".

"Dù là quốc gia nào cũng đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận đem các 'lợi ích cốt lõi' của mình đi đổi chác, đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận ăn 'trái đắng' tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia", Tập Cận Bình nhấn mạnh. Quan điểm "quyết không đổi chác" được Tập Cận Bình đưa ra đúng thời điểm Philippines kiện "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ra Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển và ngay trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ.

Ông Tập Cận Bình vào khoang 1 tàu ngầm hạm đội Nam Hải neo đậu tại Tam Á ngày 9/4/2013. Ảnh: Caixin.
Ông Tập Cận Bình vào khoang 1 tàu ngầm hạm đội Nam Hải neo đậu tại Tam Á ngày 9/4/2013. Ảnh: Caixin.

Chiều 30/7/2013 Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc triển khai đợt học tập tập thể lần thứ 8 chuyên đề xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển, chương trình học tập do ông Tập Cận Bình chủ trì. Khai mạc đợt học tập này, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, các ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải quan tâm hơn nữa, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề biển, quy hoạch biển và thúc đẩy công cuộc xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển phát triển không ngừng, giành nhiều thành tựu mới.

Ông Bình nhận định, Trung Quốc vừa là nước lớn lục địa đồng thời là nước lớn về biển và có "lợi ích chiến lược về biển rất rộng". Tập Cận Bình yêu cầu các ủy viên Bộ Chính trị phải tập trung bàn bạc việc nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phát triển khoa học công nghệ về biển.

Đặc biệt, Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp, tức Biển Đông và Biển Hoa Đông)?!

Thứ ba, sau những phát biểu chỉ đạo chiến lược này, ông Tập Cận Bình còn trực tiếp tuần du phương Nam, 2 lần thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải sau đại hội 18. Lần thứ nhất diễn ra từ ngày 8 đến 10/12/2012 khi ông vừa trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương khóa 18. Lần thứ 2, ông Tập Cận Bình thị sát hạm đội Nam Hải và đến căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải Nam ngày 9/4/2013, ngay sau khi gặp các ngư dân đánh bắt trên Biển Đông ngày 8/4/2013.

Tại đây ông Bình kêu gọi hải quân Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị cho chiến tranh trong bối cảnh (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông leo thang, theo South China Morning Post ngày 12/4/2013 cho biết.

Còn nhiều bằng chứng khác có thể bác bỏ bình luận trên của Triệu Bồi, nhưng chỉ xin tạm dẫn một số có liên hệ trực tiếp đến vấn đề Triệu Bồi và Tân Đường Nhân đưa ra. Còn luận điệu xuyên tạc rằng "đảng Cộng sản Trung Quốc cắt Bạch Long Vỹ cho Việt Nam" dù bóp méo sự thật với mục đích gì thì cũng không đáng bàn. Bạch Long Vỹ là một phần lãnh thổ máu thịt của Việt Nam, chưa bao giờ là của Trung Quốc nên cái sự "cắt" này mà Triệu Bồi rêu rao chỉ là chuyện hoang đường!

Đó chỉ là trò trẻ con, bởi lẽ một nước láng giềng lúc nào cũng rắp tâm thừa cơ chiếm đoạt, la liếm lãnh thổ lân bang như vụ xâm lược Hoàng Sa năm 1956, 1974, 6 bãi đá ở Trường Sa năm 1988, mon men vào bãi Tư Chính trong thềm lục địa Việt Nam năm 1994 hay gần đây nhất là vụ giàn khoan 981 năm ngoái cũng đủ thấy tham vọng không cùng của phương Bắc, đòi độc chiếm cả Biển Đông làm ao nhà thì làm gì có cái gọi là "nhượng đất cho nước ngoài"?!

Hồng Thủy