Lính Trung Quốc, hình minh họa: Đa Chiều. |
The Diplomat ngày 18/6 bình luận, sự thật đằng sau tuyên bố "bồi lấp sắp xong" đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hôm 16/6 chẳng có gì mới và nó không làm giảm những lo ngại trước các hành vi (leo thang, bành trướng) của Trung Quốc trên Biển Đông. The Diplomat cũng lưu ý, với tốc độ bồi lấp chóng mặt của Trung Quốc trong vài tháng qua, tuyên bố hôm 16/6 của Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể "cám dỗ" một số người thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng "thở phào nhẹ nhõm" sau tuyên bố này của Trung Quốc sẽ là một sai lầm bi thảm, tạp chí này lưu ý. Một cái nhìn cận cảnh cho thấy tuyên bố của Trung Quốc không đưa ra bất cứ điều gì mới mẻ về những gì họ đang làm. Không có bất kỳ giảm bớt nào trong những hoài nghi về những gì Bắc Kinh sẽ làm trên Biển Đông.
Đầu tiên Lục Khảng nói rằng hoạt động bồi lấp, xây dựng của Trung Quốc trên "một số" rặng san hô Trung Quốc đóng quân (bất hợp pháp) sẽ được hoàn thành trong những ngày sắp tới. Từ khóa quan trọng (lừa đảo) ở đây là "một số", có nghĩa là không phải tất cả các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp).
Rõ ràng rằng với những ai theo dõi hoạt động bồi lấp, cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đều thấy đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở đá Chữ Thập đã gần như hoàn chỉnh trong khi hoạt động tương tự ở đá Vành Khăn thì mới bắt đầu và đang tiếp tục. Tuyên bố của Lục Khảng chỉ xác nhận hiện trạng chứ không có bất cứ thay đổi nào.
Thứ hai, ngay cả khi Trung Quốc đang hoàn tất một số hoạt động bồi lấp, xây dựng thì chỉ phần nào "cái gì đó" tạm dừng chứ không có nghĩa là chúng ta nên quên những gì đã xảy ra. Những hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng và bồi lấp ở Biển Đông cho đến nay vẫn là bất hợp pháp, phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông (xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa), đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) với quy mô chưa từng có.
Việc tuyên bố hoạt động bồi lấp, xây dựng "gần hoàn thành" không thay đổi tính chất bất hợp pháp, bất chính trong các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục lên án và ngăn chặn Bắc Kinh vào thời điểm này, nếu ngừng những nỗ lực như vậy chỉ vì thông báo tạm thời hoãn binh (nghi binh) của Trung Quốc sẽ tạo ra những rủi ro, bởi các nỗ lực trắng trợn thay đổi hiện trạng, chống lại luật pháp quốc tế, phá hoại hòa bình ổn định không được ngăn chặn.
Thứ ba, nếu hành vi trước đây của Trung Quốc là chỉ số tham chiếu cho các hành vi của Bắc Kinh trong tương lai, thông báo của Trung Quốc có thể nhằm đạt một lợi ích ngoại giao ngắn hạn chứ không phải thay đổi trong cách tiếp cận tổng thể của Bắc Kinh (bành trướng vẫn là bành trướng). Chiến lược 2 mũi giáp công của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn tiếp tục, một là củng cố quan hệ kinh tế với khu vực ASEAN để lôi kéo, chia rẽ khối trong vấn đề Biển Đông, mặt khác là tăng cường leo thang củng cố ngoài thực địa.
Sau cuộc khủng hoảng Scarborough giữa năm 2012, Trung Quốc đã tung ra một loạt cuộc "tấn công quyến rũ" vào năm 2013 bằng tuyên bố khởi động "khuôn khổ mới cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc". Nhưng chỉ 7 tháng sau đó, họ lại kéo giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Bắc Kinh đã bị rất nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế kể từ cuối năm ngoái, đặc biệt là Hoa Kỳ và một số nước ASEAN. Đối thoại Shangri-la năm nay là một minh chứng. Mặt khác Trung Quốc đang tiếp cận một loạt các cuộc họp quan trọng năm nay, nơi họ không muốn Biển Đông thành đề tài thống trị. Ví dụ như Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ cuối tuần này, hội nghị thượng đỉnh Obama - Tập Cận Bình tháng 9 tới. Do đó tuyên bố của Lục Khảng chỉ là thủ đoạn chiến thuật chứ không phải thay đổi chiến lược.
Thứ tư và quan trọng nhất là tuyên bố "sắp bồi lấp xong" của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh ngừng xây dựng các cơ sở quân sự (bất hợp pháp) trên các đảo nhân tạo đã bồi lấp. Trước khi công bố một dnh sách các công trình "mục đích dân sự", Lục Khảng đã nói rõ rằng xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đỏa nhân tạo là để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, quân sự cần thiết. Do đó giảm bớt lo lắng về những gì Bắc Kinh sẽ làm tiếp theo ở Biển Đông chỉ bởi tuyên bố của Lục Khảng là hoàn toàn không có cơ sở.