KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Quyết định sinh tử trong đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

04/05/2014 16:05
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Vấn đề thay đổi phương án tác chiến có ý nghĩa quyết định đối với trận Điện Biên Phủ, đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của Đại tướng.

Tháng 12/1953, Bộ chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Dọc đường, Đại tướng có suy nghĩ đến phương án phải đánh dài ngày, đồng chí trưởng đoàn cố vấn đi cùng cũng nhất trí như vậy.

Nhưng, khi lên đến Sở chỉ huy tiền phương thì được đồng chí cố vấn đi trước nghiên cứu chiến trường báo cáo tình hình và đề nghị phương án tác chiến “đánh nhanh thắng nhanh” tiêu diệt địch trong ba đêm hai ngày.

Đồng chí trình bày: Đánh nhanh có thể lợi dụng tình hình địch mới đến chưa kịp đứng chân vững chắc; ta lại không kéo dài đến mùa mưa sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tiếp tế.

Đồng chí lại cho biết, các cán bộ ta và các đồng chí cố vấn đều hoàn toàn nhất trí và đều có quyết tâm cao sẵn sàng đợi lệnh. Trong khi đó, Đại tướng được quân báo cho biết, lúc bấy giờ quân số của địch đã lên đến chín tiểu đoàn.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) (Ảnh tư liệu).
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) (Ảnh tư liệu).

Khi trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn cố vấn thì đồng chí ấy cũng cho biết đã nghe các đồng chí cố vấn đi trước báo cáo kỹ, toàn thể cán bộ đều nhất trí là nên đánh nhanh thắng nhanh.

Trước khi ra trận, Bác Hồ trao cho Đại tướng nhiệm vụ "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" và căn dặn: "Tướng quân tại ngoại, giao cho Chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau".

Trước tình hình ấy, Đại tướng vẫn giữ vững quan điểm không thể đánh nhanh thắng nhanh được, nhưng chưa có cơ sở cụ thể để đề xuất vấn đề thay đổi quyết tâm. Đại tướng đã cho triển khai kế hoạch nhưng sau khi giao nhiệm vụ có nói thêm: Tình hình địch còn thay đổi nên chủ trương cũng có thể thay đổi.

Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói riêng suy nghĩ trên với đồng chí Chánh Văn phòng và chỉ thị cho quân báo theo dõi tình hình địch chặt chẽ, có triệu chứng gì mới thì báo cáo ngay, báo cáo từng ngày, mỗi ngày hai –ba lần.

Đến ngày nổ súng, địch đã lên đến 12 tiểu đoàn, các binh chủng kỹ thuật như pháo binh, xe tăng được tăng cường, đặc biệt là địch đã củng cố công sự thực sự trở thành một tập đoàn căn cứ điểm vững chắc.

Đêm 25/1, Đại tướng thao thức. Đầu đau nhức. Đồng chí bác sĩ buộc trên trán Đại tướng một nắm ngải cứu.

Khi nghe đồng chí Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh thắng nhanh, Đại tướng đã thấy nếu ta làm như vậy là mạo hiểm. 

Đại tướng nhận thấy rõ ba khó khăn hiện lên rất rõ dành cho quân của ta:

Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ mới tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc, ở Nghĩa Lộ. Khi đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta mới đánh từng tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến mà còn đánh rất dở!

Thứ hai, trận này ta không có xe tăng, máy bay nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng, vì không biết phải phối hợp như thế nào!

Thứ ba, bộ đội từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng, trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài mười ba km…Tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn cách giải quyết …

Suốt đêm Đại tướng không làm sao ngủ được, càng thấy trách nhiệm nặng nề. Đại tướng chỉ mong trời chóng sáng để triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận.

Hình ảnh Tướng Giáp nhân ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu).
Hình ảnh Tướng Giáp nhân ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
(Ảnh tư liệu).

"Đánh chắc tiến chắc" -"Quyết định khó khăn nhất!"

Sáng ngày 26/1/1954 (trước đây có những tài liệu nói ngày 25 là không đúng), các đồng chí trong Đảng ủy xuống đơn vị nắm tình hình chưa về đủ. Trong khi chờ đợi cuộc họp, Đại tướng chỉ thị cho đồng chí Hoàng Minh Phương chuẩn bị cho gặp một đồng chí bạn.

Đồng chí trưởng đoàn quân sự của bạn ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán Đại tướng, sau khi ân cần hỏi thăm sức khỏe rồi nói: “Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao?”

Đại tướng đáp: “Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định…”.

Đại tướng nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận: “Nếu đánh là thất bại”.

Trong khi đồng chí bạn còn băn khoăn, lo lắng, Đại tướng khẳng định: “Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí bạn nói: “Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm việc với các chuyên gia”.

Cuộc trao đổi diễn ra khoảng hơn 30 phút, do thời gian gấp, Đại tướng cần quay về sở chỉ huy họp với Đảng ủy để quyết định. Và trong suy tính, Đại tướng đã có dự kiến cho đại đoàn 308 về Luông Phabăng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo không quân về hướng đó, không để chúng tập trung gây khó khăn khi quân ta lui quân và kéo pháo ra…

Tại cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ của mình đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.

Mọi người im lặng một lúc, rồi đồng chí chủ nhiệm chính trị phát biểu:  Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?

Đồng chí Chủ nhiệm hậu cần nói: Tôi thấy cứ nên giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này càng không đánh được!

Đại tướng lên tiếng: “Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở...Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng quyết định, là phải có cách đánh đúng”.

Tuy nhiên, đồng chí tham mưu trưởng nói: Anh Văn cân nhắc cũng phải…Nhưng lần này, ta có ưu thế binh lực, hỏa lực, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi…

Trao đổi một hồi chưa đi đến kết luận. Cuộc họp tạm dừng một lát. Khi cuộc họp tiếp tục, Đại tướng nói: Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng tôi vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”

Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ chính trị, Đại tướng đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”.

Đồng chí Chủ nhiệm chính trị nói: Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo đảm là chắc thắng trăm phần trăm?

Đồng chí Chủ nhiệm hậu cần nói tiếp: Làm sao dám bảo đảm như vậy!

Đại tướng nghĩ với trận này, ta phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm.

Bấy giờ đồng chí tham mưu trưởng mới nói: Nếu yêu cầu phải chắc thắng trăm phần trăm thì khó…

Lát sau Đảng ủy đi đến nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dõng dạc tuyên bố quyết định: "Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".

Sau đó, Đại tướng phân công đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh. Tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho đại đoàn 308.

Kéo pháo, tất cả cho Điện Biên Phủ - Ảnh: tư liệu
Kéo pháo, tất cả cho Điện Biên Phủ - Ảnh: tư liệu

Đích thân Đại tướng gọi điện cho pháo binh: Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí  từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.

Đầu dây đằng kia, tiếng đồng chí Phạm Ngọc Mậu, chính ủy pháo binh đáp: Rõ, xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.

Đến đúng 14 giờ 30 phút, mới có liên lạc điện thoại với anh Vương Thừa Vũ, Tư lệnh đại đoàn 308: Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Pha Băng tiến quân. Dọc đường, gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi mới trả lời.

Rõ.Triệt để chấp hành mệnh lệnh. Xin chỉ thị về sử dụng binh lực như thế nào?

Đại tướng đáp: Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay xuất phát.

Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh!

Đồng thời, Đại tướng chỉ thị cho một bộ phận nhỏ, mang theo một đài vô tuyến điện, đi về Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo “đại đoàn 308 đã về tới …”. Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Do những bức điện này, lúc đầu, địch đã tưởng 308 đang quay về đồng bằng.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng nhận định, trong ngày hôm đó đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Vì điều kiện khó khăn, không thể dùng điện đài, Đại tướng viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ chính trị. Ít ngày sau nhận được thư, đồng chí Trường Chinh cho biết Bác và các đồng chí ở nhà nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân dốc toàn lực cho tiền tuyến cho tới khi bộ đội giành toàn thắng tại Điện Biên Phủ.

Trên mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mỗi người còn có những băn khoăn, suy nghĩ khác nhau, nhưng toàn  thể cán bộ, chiến sĩ đã triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân, biểu thị một niềm tin, một tin thần kỷ luật tuyệt vời.

Cả đại đoàn 312 và các chiến sĩ pháo binh, bảy ngày đêm ròng rã, đã kéo pháo ra an toàn trên con đường hiểm trở, bị máy bay và pháo địch biến thành con đường lửa.

Trên mặt trận Điện Biên Phủ, quyết định ngày 26 tháng giêng năm 1954 vẫn còn đứng trước những thử thách cực kỳ lớn. Quân số địch ở Điện Biên Phủ đã tăng lên 19 tiểu đoàn, và còn khả năng tăng lên nữa trong quá trình chiến đấu.

Chuẩn bị theo phương châm mới, trận đánh đã lui lại một tháng rưỡi.

Chúng ta đã xây dựng trận địa bao vây và tiếp cận chung quanh tập đoàn cứ điểm, với hàng trăm kilômét chiến hào, để bộ đội có thể chiến đấu cả ban ngày và ban đêm dưới bom đạn.

Chúng ta đã đưa những khẩu pháo vào ẩn náu an toàn trong những căn hầm nằm phân tán giữa lòng núi và làm đường cho xe vận tải chở đạn tới từng hầm pháo.

Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta không tiếc mồ hôi, xương máu, làm nên kỳ công bảo đảm việc tiếp tế đạn dược, lương thực cho các chiến sĩ ở mặt trận.

Ta đã dành cho kẻ địch một bất ngờ lớn nhất, là không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ địch náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố. Ta đã quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta, vào thời gian, địa điểm do ta lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh, đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho tới lúc tập đoàn cứ điểm nghẹt thở.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, tiếng súng tiến công của ta ở Điện Biên Phủ bắt đầu. Viên chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm, phụ trách pháo binh, phải tự sát vì không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo Việt Nam. Đờ Cátxtơri và bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đành bó tay ngồi nhìn những cứ điểm mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm lần lượt sụp đổ dưới bàn chân không giày của những chiến sĩ xung kích Việt Nam. Trận địa chiến hào của ta, từ núi cao đổ xuống cánh đồng, mỗi ngày càng siết chặt sợi dây định mệnh chung quanh tập đoàn cứ điểm.

… Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cátxtơri. Hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh kéo cờ trắng đầu hàng.

Cờ chiến thắng bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát Tơ Ri chiều 7/5/1954 (Ảnh tư liệu).

Cờ chiến thắng bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát Tơ Ri chiều 7/5/1954 (Ảnh tư liệu).

Quân và dân ta tháng Năm ấy lại có một chiến công lớn mừng ngày sinh của Bác Hồ. Thư khen ngợi của Bác tới ngay ngày hôm sau: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu...”.

Từ những căn cứ lịch sử, ta có thể khẳng định một điều, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc", thực hiện lui quân, kéo pháo ra là một quyết định hết sức đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đây được coi là quyết định mang tính thời đại, làm nên một chiến thắng đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận định, Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược mà quân và dân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương; tiêu diệt và bắt sống một số quân viễn chinh xâm lược đông nhất và tinh nhuệ nhất.

Chiến công oanh liệt ấy đã có tác động sâu rộng đối với phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Vì vậy, có thể nói, Điện Biên Phủ được xếp vào hàng chiến thắng oanh liệt nhất trong thế kỷ XX.

Bài viết có sử dụng tư liệu từ:

Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, Nxb Chí trị Quốc gia- sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 334;

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004.

NHẤT NGÔN