Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

23/07/2017 07:00
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Xuân Trường (tên thật là Hoàng Văn Nhủng) trở thành liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh ngã xuống khi tuổi đời còn trẻ và chưa lập gia đình.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Đại tá Đặng Việt Thủy, một cây bút quen thuộc của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả đã gửi đến chúng ta hình ảnh người liệt sĩ cách mạng anh dũng, kiên trung đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân dự lễ thành lập ngày 22/12/1944 có Hoàng Văn Nhủng bí danh là Xuân Trường, dân tộc Tày quê ở Sóc Hà, Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. 

Năm 1936, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ phát triển, lan rộng đến vùng núi cao của châu Hà Quảng thì Hoàng Văn Nhủng bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. 

Hình ảnh nấm mộ người liệt sĩ Xuân Trường tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc (Ảnh: Tuoitre.vn)
Hình ảnh nấm mộ người liệt sĩ Xuân Trường tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc (Ảnh: Tuoitre.vn)

Suốt từ đó cho đến năm 1940, với bí danh là Xuân Trường từ một liên lạc viên, anh đã trở thành một cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong phong trào thanh niên phản đế của châu Hà Quảng.

Giữa năm 1940, cùng với một số cán bộ tiêu biểu của Cao Bằng, Xuân Trường được cử đi học ở quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Đầu năm 1944, Xuân Trường về nước và hoạt động chủ yếu ở vùng Lục Khu - Hà Quảng. 

Ngày 22/12/1944, Xuân Trường là một trong những đội viên vũ trang xuất sắc của châu Hà Quảng được chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, 17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim và xã Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, sau khi đồng chí Văn tuyên đọc bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, diễn từ trao nhiệm vụ cho Đội và tuyên đọc "Mười lời thề danh dự", 34 chiến sĩ trong đó có Xuân Trường đã giơ cao nắm tay, đồng thanh hô: "Xin thề".

Buổi lễ kết thúc trong không khí phấn khởi và tin tưởng. Tiếp đó là cuộc liên hoan bên cạnh ngọn lửa hồng với bữa cơm nhạt, không rau không muối, biểu thị quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.

Chiều ngày 24/12, Đội xuất quân; 17 giờ ngày 25/12 đã tiêu diệt đồn Phai Khắt; sáng 26/12 tiêu diệt đồn Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội ta.

Xuân Trường được giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng tiểu đội xung phong đầu tiên. Tiểu đội được chia làm 3 tổ chiến đấu, Xuân Trường trực tiếp phụ trách tổ 1. Ba chiến sĩ đó bao giờ cũng là quân tiên phong trong các trận đánh, nhiều phen làm cho quân địch khiếp sợ. 

Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ảnh 2

Ngày 27/7 được Chính phủ ta chọn làm ngày Thương binh Liệt sĩ như thế nào?

Trong trận đánh đồn Phai Khắt, chỉ trong ít phút Xuân Trường đã chiếm ngay kho súng. Còn trong trận Nà Ngần khi có lệnh nổ súng, Xuân Trường đã hạ ngay 2 tên lính ở giữa sân đồn của địch khi chúng tìm cách chống cự lại.

Sau hai trận Phai Khắt và Nà Ngần giành thắng lợi giòn giã, tiểu đội trưởng Xuân Trường cùng với anh em trong Đội hành quân về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi hành quân lên đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc).

Trong trận đánh đồn Đồng Mu, trận đánh diễn ra không như dự kiến. Do bị lộ, địch đã chuẩn bị đối phó và chống trả quyết liệt. Dù địch bắn ra rất mạnh nhưng tổ xung phong vẫn đột nhập được vào trong đồn, nổ súng rồi đánh giáp lá cà. 

Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập qua cửa sổ. Anh dùng tiểu liên diệt ngay tên đốc gác và một số tên khác. Đạn trong băng hết, không kịp thay băng khác, anh rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào sở chỉ huy. Một số tên địch nữa bị tiêu diệt, quân địch cố thủ ở một lô cốt giữa đồn, chống cự rất quyết liệt.

Xuân Trường dừng lại, lắp đạn mới vào súng. Dưới ánh lửa khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn do một tên địch bắn xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống. Lúc này, các tổ bên ngoài cũng vào tới nơi. 

Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu và nói: "Mình bị đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình đánh đi!". Nghe tiếng gọi, Thế Hậu chạy tới xốc Xuân Trường lên, nhưng anh gạt ra và giục: "Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên!". 

Xuân Trường tắt thở giữa lúc tiếng súng còn vang dội. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 11 giờ đêm ngày 4/2 tới 3 giờ sáng ngày 5/2/1945. 

Thấy trận chiến kéo dài sẽ không có lợi, Ban chỉ huy hạ lệnh quân ta rút khỏi đồn của địch trước lúc trời sáng, mặc dù nhiều chiến sĩ yêu cầu tiếp tục chiến đấu tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Trận này ta tiêu diệt 20 tên địch, thu 5 súng trường Mút cơ tông và một số đạn dược, bắt 3 tù binh. Tiểu đội trưởng Xuân Trường đã anh dũng hy sinh trong trận đánh lịch sử này.

Xuân Trường (tên thật là Hoàng Văn Nhủng) trở thành liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ và chưa lập gia đình.

Tên của Xuân Trường đã được đặt cho bản Đồng Mu ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, và con đường dài 19,2 km từ Lũng Phán về Đồng Mu để đời đời ghi nhớ công lao của anh.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2003.

- Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân, "Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1995. 

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY