Cách đây 10 năm, khi được Đại tá Nguyễn Huyên báo tin Văn phòng đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý cho tôi được gia nhập đoàn tiền trạm trong cuộc hành trình trở lại chiến trường xưa của Đại tướng, cả đêm 12-4-2004, tôi không sao ngủ được. Tôi thao thức mong trời sáng để đến giờ lên đường.
Đến Điện Biên sau hai ngày và một đêm rong ruổi trên đường và nghỉ đêm ở thị xã Sơn La, chúng tôi nhận được sự tiếp đón hết sức chân tình, chu đáo và trọng thị vì là đoàn tiền trạm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian không eo hẹp lắm nên mọi người trong đoàn đều chiều ý tôi - vừa đi vừa chụp ảnh phong cảnh Tây Bắc. Đèo Pha Đin lúc mưa, lúc nắng. Núi đồi Tây Bắc bao la, trùng điệp mà vẫn còn cơ man nào là những quả núi trọc mang trên mình những tấm áo vá.
Nạn đốt rừng, làm nương vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Những quả đồi được trồng trỉa cây rừng bằng trực thăng và cấy lúa, reo hạt trên ruộng bậc thang nhiều năm rồi mà vẫn chưa vá lành được những tấm áo rách do thói quen chặt phá, đốt rẫy làm nương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫy tay chào nhân dân Mường Phăng, ngày 19-4-2004 (Ảnh: Trần Định) |
Ngày 15-4, đoàn tiền trạm bắt đầu công việc của mình. Anh Huân tham gia cuộc họp bao gồm Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự và Công an tỉnh để chuẩn bị cho chuyến đi trở thành chiến trường xưa của Đại tướng. Những người còn lại thì đi khảo sát những địa điểm dự kiến Đại tướng sẽ đến thăm.
Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, đồi A1, đồi D1- nơi đang ngổn ngang công trường xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà lưu niệm Noong Nhai, cầu Mường Thanh và Sở chỉ huy chiến dịch vẫn được thân mật hóa bằng tên gọi "Hầm Đại tướng", ở Mường Phăng, cách trung tâm Điện Biên Phủ 40 cây số.
Ngày đó, trong dự án biến Điện Biên thành thành phố, chính quyền địa phương dự trù xây dựng những tour du lịch lịch sử bằng ô tô. Cho đến thời điểm ấy, phần lớn tuyến đường đã được hoàn thiện, trừ đường đến hầm Đại tướng ở Mường Phăng. Mường Phăng là khu rừng nguyên sinh, cách sở chỉ huy của tướng Pháp - Đờ Cát 40 cây số. Bằng biệt tài quân sự và cảm quan phong thủy của mình, cách đây nửa thế kỷ, Đại tướng đã nhận thấy lợi thế của vị trí này.
Ông đã chọn nơi đây để xây dựng hầm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng kể lại rằng, những ngày đẹp trời, nhiều lần ông đã từng trèo lên vọng gác trên đỉnh núi để quan sát khu vực Sở chỉ huy của tướng Đờ Cát giữa trung tâm thung lũng Mường Thanh bằng ống nhòm. Từ đây còn có thể nhìn cả khúc sông Nậm Rốm và những dãy núi xa mờ bên kia sông. Nơi ấy, hàng vạn bộ đội đang phục sẵn nhiều ngày đêm để đợi "giờ G".
Mường Phăng - Hầm Đại tướng - là nơi diễn ra những cuộc họp có tính quyết định trong quá trình tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Mường Phăng, tháng Tư của 50 năm sau đã thay đổi quá nhiều. Một thay đổi mang đầy tính lịch sử là sau nửa thế kỷ, những tướng, tá, thế hệ con cháu cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã trăn trở tìm cách đưa vị tướng già ở tuổi cửu tuần về lại Mường Phăng an toàn, khỏe mạnh trong bối cảnh đường xe hơi chưa làm xong.
Cuối cùng, phương án được chọn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Điện Biên bằng chuyên cơ của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), từ sân bay Điện Biên đến Mường Phăng thì di chuyển bằng trực thăng và từ trung tâm thị tứ Mường Phăng đến hầm Đại tướng thì bằng võng cáng.
Đây không phải là lần đầu Đại tướng trở lại Mường Phăng. Vào những dịp kỷ niệm 30, 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vẫn trở lại đây. Nhân dân Mường Phăng, cựu chiến binh Điện Biên vẫn dành cho ông nhiều sự nồng nhiệt, thân kính như những người con đón người cha thân thương về lại quê hương.
Những lần đó, ông còn sức vóc, dẫu ở độ bảy, tám mươi tuổi. Ông đã từng trở lại Điện Biên bằng ô tô hàng ngày trời trên đường, đi bộ xuyên rừng đến sở chỉ huy xưa của mình giữa sự "bao vây" của hàng trăm phóng viên cả trong và ngoài nước, giữa sự bảo vệ nồng ấm ruột rà của bà con nơi đây. Lần này khác. Ở tuổi ngoài chín mươi, sức khỏe ông đã giảm sút, chân lại đau. Không ai dám để cho ông bước bộ trên gần một cây số theo kiểu trèo đèo, lội suối như trước.
Mường Phăng hôm nay, vẫn con đường mòn xuyên rừng ấy, Hầm Đại tướng vẫn ở trong rừng. Khác xưa, chỉ có trung tâm xã Mường Phăng đổi thay. Cách đó vài trăm mét có hai thửa ruộng liền bờ. Lúa trên ruộng vừa cấy được vài tuần. Chủ nhân hai thửa ruộng biết ý định của chính quyền tỉnh muốn làm sân bay dã chiến ngay trong đêm. Sân bay còn cách cửa hầm 800m và phải đi qua cây cầu làm bằng 3 khúc bê tông giả gỗ nối vào con đường rải sỏi mấp mô rộng khoảng 50-60cm dưới tán rừng già. Sau khi tham quan hầm Đại tướng, du khách trở ra bằng con đường rộng hơn chạy men theo bìa rừng ven các thửa ruộng, nhưng quãng đường này chỉ thích hợp cho du khách chứ không thể phù hợp với vị Tổng tư lệnh đã cận kề trăm tuổi.
Tăng vòng đã sẵn sàng. Những người lính trẻ được vinh dự nhận nhiệm vụ hồi hộp chờ đợi giờ phút được đưa vị tướng về thăm Sở chỉ huy xưa. Nếu không có sự thay đổi, giờ phút vinh hạnh ấy là 8h sáng ngày 19-4-2004, khi chiếc trực thăng MI-18 chở Đại tướng hạ cánh ở bìa rừng Mường Phăng.
Nhưng vinh hạnh mà những người lính trẻ chờ đợi mấy ngày đêm đã không diễn ra. Đại tướng quyết định đi bộ.
Biết tin này, bộ đội địa phương đã lập tức tính đến phương án mở ngay con đường xuyên qua những thửa ruộng đủ để xe du lịch đưa được Đại tướng tới tận lán chỉ huy năm xưa. Không ai từ chối để con đường cho Đại tướng đi qua những thửa ruộng của mình. Ông Lò Văn Mún là người có nhiều ruộng trên tuyến đường đi qua cũng đồng ý bỏ ruộng vô điều kiện.
18h chiều ngày 18-4, bộ đội và dân quân địa phương bắt đầu làm đường mới. Nước từ các thửa ruộng được tháo hết. Những phương tiện cơ giới của bộ đội được đem đến nạo vét hết bùn cho đến tận nền đất cứng rồi đổ đá và đất cát lên để thành đường.
Xuyên đêm 18-4 tới 3h sáng ngày hôm sau, con đường dài gần một cây số đã cơ bản hoàn thành.
8 giờ sáng, Đại tướng đã trở lại Sở chỉ huy xưa trong tư thế oai phong của người cầm quân. Ngoài chín mươi tuổi, ông vẫn tươi tắn, hồ hởi vẫy tay chào rừng người, rừng khăn piêu và rừng cờ hoa đợi ông ở đó từ 6 giờ sáng giữa rừng già Mường Phăng.
Hai chị em cụ bà Lò Thị Đôi, 98 tuổi và Lò Thị Ún, 94 tuổi cũng đã đợi sẵn ở đây với chiếc khăn piêu và cái tay nải làm quà tặng cho bà Đặng Bích Hà- phu nhân Đại tướng. Nửa thế kỷ trước, hai cụ bà đã từng vinh dự làm cấp dưỡng lo bữa ăn hằng ngày cho Đại tướng và chăm sóc thương binh, bệnh binh trong những ngày chiến dịch.
Năm mười năm sau, Đại tướng đã về đây trọn vẹn trong tình cảm thân thương của đồng bào Mường phăng. Ông chia sẻ niềm hạnh phúc với vợ con, cháu chắt tại cánh rừng già, nơi đồng bào đã từng che chở, chia sẻ với ông những khó khăn và nâng ông lên tầng cao nhân loại. Hàng trăm nhà báo, phóng viên quay phim, chụp ảnh vây lấy ông. Bước chân vẫn nhanh nhẹn, ông bước tới tấm bản đồ chiến dịch, ngằm nhìn và hồi tưởng. Ông làm những việc ấy trong thói quen như không có bất cứ ai quanh mình.
Tôi sung sướng đến gần Đại tướng, chụp ảnh và ghi trọn những lời ông căn dặn các cấp chính quyền địa và bà con Điện Biên về việc giữ gìn, tôn tạo Mường Phăng thành di tích lịch sử quốc gia cho con cháu muôn đời sau.
Hình dáng Đại tướng khi ấy như pho tượng tạc vào nền xanh của bầu trời Mường Phăng tháng tư.
Bài viết này lấy nguồn từ cuốn sách "Tòa soạn Tiền Phương trong rừng Mường Phăng", nhà xuất bản Quân đội nhân dân.