Rủ nhau né đường cao tốc

26/02/2012 07:26
Mức phí đối với xe container đi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cao gấp 4 lần các tuyến đường khác

Mức phí đối với xe container đi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cao gấp 4 lần các tuyến đường khác nên trong ngày đầu tiên thu phí trên đường cao tốc này (25-2) lượng xe tải, xe container né trạm và đổ vào Quốc lộ 1A tăng gấp 4 - 5 lần ngày thường

Lo ngại ùn tắc giao thông xảy ra tại trạm thu phí Chợ Đệm và Thân Cửu Nghĩa trong ngày đầu tiên thu phí nên lực lượng CSGT và thanh tra giao thông đến hỗ trợ khá đông. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông đã không xảy ra như dự đoán trước đó.

Trục trặc đủ kiểu

Có mặt tại trạm thu phí Chợ Đệm (TPHCM) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) vào sáng 25-2, chúng tôi nhận thấy hầu hết tài xế không biết phải tự bấm nút lấy thẻ. Nhiều tài xế còn chuẩn bị sẵn tiền để đưa cho nhân viên đứng tại trụ phát thẻ vì quen đóng phí theo kiểu cũ.

Mỗi trụ phát thẻ có hai ngăn, ngăn phía dưới dành cho xe khách và ô tô, ngăn phía trên dành cho xe tải và xe container. Tại mỗi làn của trạm thu phí đều có thiết bị chụp ảnh biển số xe, qua đó xác định tải trọng của xe để tính tiền.

Do hầu hết tài xế còn bỡ ngỡ trước quy trình thu phí mới nên đơn vị thu phí - Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Sửa chữa cầu đường 175 (trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Cuu Long CIPM) - bố trí từ 1 - 2 nhân viên tại trụ phát thẻ để giúp tài xế lấy thẻ và hướng dẫn quy trình thu phí. Thao tác đọc thẻ, tính tiền tại làn ra diễn ra chậm hơn so với làn vào. Một số thẻ không thể nhận dạng được biển số xe.

Rủ nhau né đường cao tốc ảnh 1
Do chưa quen với quy trình thu phí mới, nhiều tài xế không biết họ sẽ phải tự lấy thẻ. Ảnh: ÁNH NGUYỆT

Tại trạm Chợ Đệm, có 4 trụ phát thẻ, trong đó một trụ phát thẻ không hoạt động được ngay khi bắt đầu thu phí. Dòng chữ “nhấn nút lấy vé” trên trụ phát thẻ cũng quá nhỏ làm tài xế khó nhìn thấy. Lúc tính tiền tại làn ra, thỉnh thoảng máy tính trong ca-bin bị “treo” nên việc in phiếu thanh toán diễn ra khá chậm.

Ông Lê Chí Công, Trạm trưởng Trạm Thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cho biết trong 3 ngày thu phí thử (từ 22 đến 24-2), nhiều lúc máy tính bị treo, một số trụ phát thẻ cũng không chịu “nhả” thẻ. Mặc dù nhà thầu cung cấp thiết bị này - Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong - đã sửa chữa trong mấy ngày qua nhưng hệ thống vẫn tiếp tục trục trặc.

Phí cao, tài xế xe tải kêu trời

Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng xe đi trên đường cao tốc từ TPHCM về hướng Trung Lương đông hơn lượng xe đi từ hướng Trung Lương về TPHCM. Phương tiện lưu thông chủ yếu là xe du lịch và xe khách, còn xe tải và container hầu như vắng bóng. Ông Trần Huệ Ninh, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, xác nhận: “Trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 xe các loại đi qua đường cao tốc, sáng 25-2, lượng xe trên đường này có giảm”. Theo Trung tá Lại Văn Ba, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, sáng 25-2, lượng xe tải, container tăng gấp đôi trên Quốc lộ 1A so với trước đó nhưng đến chiều cùng ngày, lượng xe tăng gấp 4 - 5 lần.

Nguyên nhân khiến xe tải, xe container dồn về Quốc lộ 1A là do mức phí trên đường cao tốc quá cao. Một tài xế xe container bị thu phí 320.000 đồng trên đường cao tốc đã than: “Tôi cứ tưởng phải đóng chừng 100.000 đồng nên đi đường cao tốc, không ngờ mắc quá. Lượt về tôi phải trở ra Quốc lộ 1A để khỏi phải tốn thêm 320.000 đồng nữa”.

Tài xế này đã lầm tưởng mức phí trên đường cao tốc là 1.000 đồng/km. Thực tế, mức giá trên chỉ áp dụng cho xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng. Mức phí mà một xe tải có trọng tải 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet phải trả cho lượt đi và về trên đường cao tốc là 640.000 đồng! So với mức phí ở các trạm thu phí hiện nay, loại xe này chỉ phải đóng 160.000 đồng.

Thà chịu kẹt xe !

Biết trước lượng xe container, xe tải sẽ đổ về Quốc lộ 1A khi bắt đầu thu phí trên đường cao tốc nên Cuu Long CIPM đã xúc tiến việc xây dựng trạm thu phí trên tuyến đường này. Mục đích của việc xây dựng trạm thu phí trên Quốc lộ 1A, theo Cuu Long CIPM, là để điều tiết giao thông giữa đường cao tốc và Quốc lộ 1A.

Theo phân tích của đơn vị này, tài xế sẽ phải mất khoảng 1 giờ và chi thêm 30.000 đồng tiền chênh lệch nhiên liệu khi đi Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, ngay cả khi cộng với mức phí sẽ bị thu tại trạm thu phí Quốc lộ 1A, tài xế xe container 40 feet chỉ phải bỏ ra 190.000 đồng so với mức phí 640.000 đồng nếu đi đường cao tốc. Với hai mức phí đó, nhiều tài xế cho biết họ sẵn sàng chịu kẹt xe trên Quốc lộ 1A!


Minh Sơn – Ánh Nguyệt/Người lao động