Sau khi học Singapore, hãy học Israel

04/03/2016 14:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Singapore đã mang lại cho Trung Quốc nhiều giải pháp ban đầu, giờ đã đến lúc Trung Quốc nên chuyển sang một quốc gia công nghệ cao khác.

Giáo sư Yasheng Huang từ Trường Quản lý Sloan ngày 4/3 bình luận trên South China Morning Post, mô hình Israel chính là câu trả lời mà Trung Quốc đang tìm kiếm cho đột phá công nghệ và đối mới, sau khi đã học hỏi được kinh nghiệm phát triển của Singapore.

Hình minh họa: Viola Notes.
Hình minh họa: Viola Notes.

Trung Quốc cần phải di chuyển từ một mô hình tăng trưởng đầu tư chuyên sâu sang mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ - đổi mới.

Singapore đã mang lại cho Trung Quốc nhiều giải pháp ban đầu, giờ đã đến lúc Trung Quốc nên chuyển sang một quốc gia công nghệ cao khác để tìm nguồn cảm hứng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Singapore và Israel, hai mô hình một kết quả

Giáo sư Yasheng Huang nhận xét, cả hai quốc gia này đều có quy mô nhỏ, một có dân số 5,5 triệu người còn nước kia là 8 triệu. Ở cả hai nước, nhóm dân tộc thống trị chiếm 75% dân số, còn lại là các cộng đồng thiểu số.

Tất nhiên, cả hai quốc gia này đều giàu có và phát triển. Một nước có GDP bình quân đầu người 52 ngàn USD, nước kia khoảng 35 ngàn USD. Cả hai đều phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh tồn vong từ bên ngoài, quân đội hai nước đều có chế đội gọi nhập ngũ bắt buộc với công dân.

Một đất nước bị "đá" khỏi nhà mà bây giờ là nước láng giềng lớn hơn mình rất nhiều bởi vì họ "đe dọa" sự thống trị của các nhóm dân tộc chủ yếu. Đất nước kia thì nằm giữa một khu vực bao quanh bởi các kẻ thù. Đó là Singapore và Israel.

Singapore là mô hình của một quốc gia sử dụng hệ thống kiểm soát chính trị từ trên xuống dưới để đạt được sự tăng trưởng và một bộ máy chính phủ trong sạch.

Họ không tin vào dân chủ, họ không tin vào các mô hình cạnh tranh chính trị sôi động hay một nền tư pháp độc lập và hệ thống chính trị minh bạch công khai là chìa khóa giúp Singapore kiểm soát tham nhũng và quản trị tốt.

Thay vào đó, Singapore sử dụng một sự kết hợp giữa trừng phạt nghiêm khắc và trả lương xứng đáng, cạnh tranh để ngăn chặn các hành vi tham nhũng của quan chức, và thu hút nhân tài cho bộ máy nhà nước.

Ngược lại, Israel là một nền dân chủ đa đảng. Trong thực tế Israel có thể xem là một bằng chứng sống động cho thấy dân chủ có thể tồn tại và phát triển rực rỡ bất chấp một số điều kiện địa chính trị ngặt nghèo, môi trường quốc tế thù địch.

Nền chính trị Israel thay đổi nhanh chóng và khó lường giống như sức sáng tạo và phát minh ra công nghệ mới của người Do Thái. Khu vực tư nhân của Israel khá độc lập với nhà nước, hệ thống các trường đại học của Israel có quyền tự do học thuật và tự chủ.

Trung Quốc nên học Israel

Sau khi học Singapore, hãy học Israel ảnh 2

Sự chân thành đáng sợ

(GDVN) - “Triệu tấc đất” của tổ tiên dần dần trở thành tài sản của người khác trong một cuộc chiến âm thầm – chiến tranh kinh tế - thì nhiều người có thể dễ lãng quên.

Tính đến năm 2013 theo báo chí Trung Quốc, nước này có khoảng hơn 30 ngàn quan chức đã sang Singapore để học hỏi mô hình, cách kiểm soát tham nhũng. Các quan chức Trung Quốc cũng thường xuyên tới tham quan học hỏi Temasek, công ty đầu tư chính phủ, một mô hình quản lý tài sản nhà nước.

Đối với các quan chức Trung Quốc, mô hình nhà nước Singapore là rất đáng học tập và cạnh tranh. Trong khi đó giới doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc đang hướng về Israel, các công ty đầu tư và chuyên gia Trung Quốc đang lũ lượt đổ sang Israel.

Mặc dù lịch sử quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Israel ngắn ngủi hơn nhiều nếu so với Singapore, khối lượng đầu tư từ Trung Quốc sang Israel lại đang tăng lên nhanh chóng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu IVC, kể từ năm 2012 đã có hơn 30 tổ chức đầu tư mạo hiểm tư nhân của Trung Quốc đầu tư vào Israel. Trong năm 2015, số tiền đầu tư của Trung Quốc vào Israel đạt 500 triệu USD. Năm nay dự kiến sẽ có khoảng từ 20 đến 40 giao dịch mới của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Israel.

Trong khi Singapore vẫn thu hút các tập đoàn nhà nước "kếch xù" của Trung Quốc, thì các tập đoàn công nghệ nước này như Alibaba, Baidu, Fosun, Lenovo và Xiaomi đã mở ra các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Israel.

Câu chuyện về Singapore và Israel là câu chuyện về sự kiểm soát từ trên xuống với từ dưới lên. Cách người Singapore làm việc cũng có thể thích hợp cho mô hình xây dựng đường cao tốc và sân bay, nhưng mô hình của Israel mới là cái đích Trung Quốc cần phải đi tiếp.

Các quan chức Trung Quốc thường xuyên tuyên bố mục tiêu đổi mới công nghệ, nhưng những gì họ thể hiện chủ yếu liên quan đến mục tiêu chứ không phải phương pháp. Điều này là sai lầm, bởi thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ không giống như thò tay bật công tắc và sau đó mọi thứ tự động phát triển.

Đó là nơi tồn tại sự khác biệt về chính trị giữa Singapore và Israel, nó vô cùng có ý nghĩa. Trung Quốc muốn thay đổi và nắm lấy cơ hội phát triển dựa trên công nghệ, nước này phải thay đổi thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đối xử bình đẳng, tôn trọng tự do học thuật và tự chủ. Trên hết, Trung Quốc cần phải giảm và hạn chế vai trò kiểm soát của chính phủ với nền kinh tế và xã hội.

Hồng Thủy