Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Siết cổ 2 người phụ nữ, hãm hiếp rồi treo xác lên cây cà phê

12/11/2012 13:22
Theo Câu Chuyện Pháp Luật
Vụ án Phan Văn Hải (SN 1990) giết hai người phụ nữ (hai chị em dâu- PV), rồi treo cổ lên cây cà phê không chỉ gây rung động dư luận mà còn để lại nỗi đau đớn cùng cực cho hai anh em trai trong cùng một gia đình. Hậu vụ án, người anh Nguyễn Tiến Lực (SN 1979) đã phải gửi đứa con thơ 7 tháng tuổi ra miền Bắc nhờ nuôi dưỡng, còn người em Nguyễn Quốc Việt (SN 1985, đều ngụ xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) đã phải “bỏ nhà” đi khắp nơi lao động để mưu sinh…

Hai thiếu phụ bị treo cổ trên cây cà phê

Trở lại thôn Trường Hà (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) sau gần 3 năm xảy ra thảm án “sát thủ dây phanh” Nguyễn Văn Hải (SN 1990) giết hại và treo cổ hai thiếu phụ là chị Trần Thị Lan (SN 1987, vợ anh Nguyễn Tiến Lực) và chị Đàm Thị Hòa (SN 1985, vợ anh Nguyễn Quốc Việt), sự hoang mang, ám ảnh vẫn còn nguyên vẹn nơi đây. Con đường đất đỏ dẫn vào khu dân cư Trường Hà càng trở nên “rờn rợn” bởi những rẫy cà phê rậm rạp được cắt xẻ bởi những lối mòn. Sau một hồi khá lâu vòng vèo, hỏi han, lạc vào “mê cung trận” giữa những rẫy cà phê, khách mới tìm được nhà của hai nạn nhân.

Trong căn nhà gỗ lụp xụp, anh Lực (chồng chị Lan) còn nhớ như in về xuất xứ của gã sát nhân này. Theo đó, ngày 28/11/2009, vợ chồng anh có thuê Phan Thanh Hải cùng 2 công nhân ở ngoài Quảng Bình vào hái cà phê cho gia đình. Hàng ngày, sau khi làm việc ở nhà anh Lực xong thì đến tối, các công nhân xuống nhà vợ chồng anh Việt, chị Hòa cạnh đó để ngủ.

4 tháng trôi qua, sáng sớm ngày 25/01/2010, anh Lực đi ăn cưới một người thân quen ở tỉnh Gia Lai. Ở nhà chỉ có vợ anh và hai đứa con (lớn 2 tuổi, nhỏ 7 tháng tuổi). Em trai anh Lực là anh Việt cũng đi sửa máy cày ở xa, trong nhà cũng chỉ còn vợ anh Việt và một đứa con gái 3 tuổi. “Khi biết chuyện, tôi không mường tượng được vợ mình và em dâu lại chết đau, chết đớn đến vậy. Mãi đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk đưa hắn (đối tượng Phan Thanh Hải – PV) về dựng lại hiện trường tôi mới thấy hết được hành vi tội ác của hắn”, anh Lực thở dài.

Cụ thể, chiều hôm đó – 25/01/2010, lợi dụng lúc ở nhà chỉ có phụ nữ và trẻ em nên tên Hải đã nảy sinh ý định giết người để cướp tài sản. Khi chị Lan đang rửa bát ở đằng sau hông nhà, Hải từ phía sau đi đến dung cây gậy to bằng cổ tay, dài nửa mét đập mạnh vào đầu khiến chị gục tại chỗ. Chưa dừng lại ở đó, Hải còn dùng sợi dây phanh xe đạp quấn hai vòng cổ chị Lan kéo ra gốc cây cà phê cách đó 9 mét. Thấy nạn nhân còn thở, hắn đã giở trò đồi bại. Thỏa mãn thú tính rồi, tên cướp tháo đôi bông tai của nạn nhân rồi treo xác nạn nhân lên cây cà phê.

Sau đó, Hải đi tắt qua vườn cà phê sang nhà chị Hòa. Phát hiện chị Hòa đang bế con, hắn đến gần cầm gậy đánh vào đầu thiếu phụ này khiến chị té ngã. Chị Hòa cố gắng chạy về phía nhà chị Lan kêu cứu nhưng bị tên Hải đuổi kịp, đánh thêm nhiều nhát vào đầu, vào gáy và tử vong. Sau khi treo xác nạn nhân lên cây cà phê, tên Hải quay vào nhà chị Hòa lục tìm gần 200 triệu đồng mà vợ chồng chị vừa bán cà phê có được nhưng hắn chỉ thấy 470.000 đồng tiền tiêu vặt của chị Hòa và một chiếc điện thoại di động. Thấy hai đứa con trẻ con (một là con chị Lan, một là con chị Hòa) đang khóc ở sân, hắn lôi hai bé vào trong nhà rồi khóa chặt cửa từ bên ngoài.

Tiếp đó, tên Hải quay sang nhà chị Lan thay quần áo của chồng chị, rồi lấy một điện thoại di động, xe máy đi ra đại lý thu mua nông sản gọi người vào bán cà phê của gia đình này. Nhưng lúc đó, có một người hàng xóm sang chơi thấy có hai đứa trẻ con khóc nên đã gọi điện bảo Hải về mở cửa cho các cháu. Sợ hành vi phạm tội của mình bị bại lộ, hắn phóng thẳng xe ra Quốc lộ 14 và bắt xe về Quảng Bình.

“Sát thủ dây phanh” đền tội

Sau khi xảy ra thảm án, gia đình và người dân đi tìm thì phát hiện ra xác của hai nạn nhân treo ở gốc cây cà phê mới điện báo cho công an. Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Đăk Lăk đã đề nghị Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp để truy bắt hung thủ. Các chiến sỹ cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình và tổ công tác Công an huyện Bố Trạch được huy động chốt tại các quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã nhằm phát hiện và bắt giữ đối tượng.

Đến khoảng giữa đêm 27/01/2010, lực lượng công an phát hiện hai thanh niên đến quán anh Tuấn ở thôn 5, xã Mỹ Trạch để trả vỏ chai bia có dấu hiệu đáng ngờ. Thông qua lời khai của anh Tuấn, lực lượng công an đã tiến hành triệu tập ngay Phạm Văn Đông. Đông khai rằng người đi cùng mình chính là tên Phan Thanh Hải. Các  mũi trinh sát lập tức tâp trung bao vây, chặn tất cả các ngả đường nhưng mãi đến sáng, đối tượng Hải vẫn biệt tích.

Sáng 28/01/2010, bất ngờ có tin tên Hải đã về nhà Đông để sạc pin điện thoại. Tuy nhiên, khi trinh sát đến nơi thì hắn đã bỏ chạy trước đó ít phút. Trưa hôm đó, các trinh sát tiếp tục nhận được tin báo ở một quán cháo cá tại xã Mỹ Trạch có một thanh niên chừng 20 tuổi vào mua thuốc lá có vẻ khả nghi. Xác định đó chính là Hải, các mũi trinh sát lập tức bao vây và tóm gọn đối tượng.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, đối tượng Phan Văn Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, Hải sinh trưởng trong một gia đình thuần nông. Do mẹ mất sớm, không được cha thừa nhận nên Hải sớm phải sống với ông ngoại ở thôn 6, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Tháng 1/2009, Hải bị TAND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích”.

Ra tù, Hải vào Đăk Lăk và được vợ chồng anh Lực, chị Lan nhận làm công nhân hái cà phê. Do thấy hai người đàn ông đều đi vắng, ở nhà chỉ có phụ nữ và trẻ em neen Hải đã thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi sát hại hai thiếu phụ, Hải đã bỏ trốn về quê sinh sống. Đang lẩn trốn tại địa phương thì hắn bị cơ quan CAĐT Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ và trao cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk.

Bản giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Đăk Lăk kết luận: Chị Lan có nhiều vết tích ở đầu, cổ, mặt, vai, tụ máu nội sọ và phù não, tụ máu và chèn ép vùng cổ trước dẫn đến choáng, suy hô hấp và hôn mê não không hồi phục, nạn nhân bị xâm hại tình dục. Còn chị Hòa cũng có nhiều vết thương ở đầu, mặt, tụ máu và chén ép vùng cổ trước dẫn đến choáng suy hô hấp và suy tuần hoàn không hồi phục.

Ngày 16/8/2010, vụ án được đưa ra xét sử lưu động tại xã Ea Hồ. Kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh Đăk Lăk xét thấy hành vi phạm tội của Phan Văn Hải là vô cùng nghiêm trọng, một lúc đã tước đi mạng sống của hai người phụ nữ, cướp đi tài sản của hai gia đình bị hại. Đồng thời hành vi phạm tội của bị cáo còn gây hậu quả xấu đến trật tự trị an xã hội tại địa phương nên kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt tử hình đối với Phan Thanh Hải về tội “Giết người”, 6 năm tù về tội “Hiếp dâm”, và 7 năm tù về tội “Cướp tài sản” – tổng mức hình phạt Hải phải chịu là tử hình.

Đau đớn bởi mất vợ, nghẹn ngào vì con “xa lánh”

Trong nỗi đau đớn, anh Lực chia sẻ: Ngay sau khi mai táng cho vợ mình, anh đã bị đột qụy, nằm viện một thời gian. Đứa con gái 7 tháng tuổi không ai chăm sóc nên anh phải gửi ra Bắc nhờ nhà ngoại nuôi dưỡng. Mới đây, anh ra thăm con, nhìn thấy con, anh mừng đến rơi nước mắt, chạy đến ôm con nhưng cháu bé khóc thét và đẩy ra. Cũng vì thời gian xa cách của hai cha con đã được hơn 2 năm, khi gửi con ra, cháu vẫn còn quá nhỏ nên giờ đây cháu mới coi anh như người lạ lẫm.

Anh Lực nhớ con gái nên nán chơi lại nửa tháng để “làm quen” và cũng để thăm hỏi bà con đằng vợ. Trước khi trở lại Tây Nguyên anh trình bày với cha mẹ vợ muốn đón con gái vào Tây Nguyên để cháu có anh có em và cũng là để cha con đoàn tụ. Gia đình bên ngoại cũng đồng ý, dù gì cháu cũng cần có cha và anh nhưng đến ngày anh Lực đưa cháu vào thì cháu bé nhất định không nghe, hai tay ôm chặt bà ngoại khóc rưng rức. Vì lẽ đó, anh Lực quyết định gửi con gái lại cho gia đình ngoại, chờ thêm một thời gian nữa rồi sẽ đón cháu vào cùng. Khi trở lại Tây Nguyên anh còn đem theo hình ảnh con gái để cho nỗi nhớ con được vơi đi ít nhiều.

Anh Lực cho biết thêm: Anh là người con thứ 3 trong một gia đình nhà nông có 5 anh chị em, quê ở Quảng Bình. Mới 1 tuổi, anh đã theo cha mẹ vào Tây Nguyên để làm ăn kinh tế. Năm 1995, sau một thời gian tích góp, đi làm thuê, anh mua được một mảnh rẫy trồng cà phê. Sau đúng 10 năm cần mẫn lao động, anh quyết định làm một căn nhà gỗ rồi mới xây dựng gia đình.

Năm 2005, anh cưới chị Trần Thị Lan (quê ở Thanh Hóa), một cô gái hiền thục. nết na, cũng theo anh chị mình vào Tây Nguyên để đi làm thuê, làm mướn. Năm 2006, hai vợ chồng anh có con trai đầu lòng. Năm 2009, họ chào đón thêm một cô con gái. Cuộc sống gia đình của hai vợ chồng dù nghèo đói, vất vả, nhưng ngày nào cũng đầy ắp tiếng cười của con trẻ. Chính anh Lực cũng không thể ngờ được rằng tổ ấm gia đình đang êm đềm hạnh phúc thì bỗng chốc lại tan tành vì một người đồng hương với mình.

Để lo tiền ma chay cho vợ và để có tiền cho con đi học, anh Lực đã phải bán đi một nửa mảnh rẫy của mình. Kể từ đó, một anh lực điền vốn khỏe mạnh như anh Lực vì suy nghĩ, dằn vặt quá nhiều mà lăn ra đau ốm liên miên. Anh bị sụt mất 6 kg, dù nhiều lần bị bệnh tật hành hạ nhưng anh vẫn cố lao động chăm sóc những cây cà phê của mình và đi làm thuê bên ngoài để có tiền nuôi hai con nhỏ.

Mới đây, một cô gái cùng quê vì cảm phục tấm chân tình vầ đức tính hiền lành, chịu khó của anh Lực nên đem lòng yêu thương và giục cưới. Về phía anh Lực, vì sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, cũng không khỏi lo lắng cho sự thiếu vắng tình cảm người mẹ cho hai đứa con nhỏ nên anh cũng đồng ý nhưng phải chờ đến khi mãn tang vợ 3 năm thì hai người mới đăng ký kết hôn.

Tổ ấm vỡ tan, bỏ nhà lang thang

Có mặt tại nhà anh Nguyễn Quốc Việt (chồng của nạn nhân Đàm Thị Hòa) sau gần 3 năm xảy ra thảm án thì căn nhà bé nhỏ được dựng nên bằng gạch, ngói này đã bị bỏ hoang, nền nhà rêu phong, tường ẩm mốc đầy mạng nhện, vườn tược um tùm bởi cỏ dại. Được biết, lâu nay anh Việt đã gửi con gái cho ông bà nội của cháu bé nuôi dưỡng, còn anh thì nay đây mai đó, sống du thử, du thực như người không nhà.

Khi phóng viên tìm đến, thật may mắn vì cũng là lần hiếm hoi anh Việt trở về địa phương. Khuôn mặt nhàu nhĩ, đau khổ, anh cho biết mình là con út trong gia đình. Vì gia cảnh nghèo khó mà anh phải bỏ học ngang chừng. Lớn lên trong cảnh nhà nông nên anh đã quá quen với công việc nương rẫy. Năm 2007, sau 4 năm yêu nhau, anh quyết định tổ chức đám cưới với chị Đàm Thị Hòa (quê ở Cao Bằng). Năm 2008, chị Hòa sinh con gái, hạnh phúc gia đình thêm gắn bó, bền chặt. Nhưng không nhờ chưa được 2 năm thì người vợ yêu thương của anh đã bị kẻ ác sát hại.

Cũng kể từ ngày vợ mất đi, anh Việt trở nên chán chường, đôi khi sống ngang tàng. Sau khi chôn cất vợ, anh gửi con gái cho cha mẹ mình nuôi dưỡng rồi đi làm thuê bên ngoài. Nay đây, mai đó, khi thì ở Gia Lai, lúc lại ở Sài Gòn, Bình Dương. Để có tiền sống qua ngày, anh đã làm đủ thứ nghề, lúc thì bán vé xe buýt, lúc thì làm công nhân, khi lại làm trông xe hoặc phát tờ rơi, bán vé số…

Cứ mỗi lần trở lại căn nhà nơi 2 vợ chồng đã từng chung sống với nhiều kỷ niệm ngọt ngào, anh Việt lại thấy buồn bã và nhớ vợ đến da diết. Rồi cũng chính những ký ức đó đã ám ảnh anh. Nhiều khi, anh nhớ vợ quá nên quyết định về nhà ngủ một đêm nhưng không tài nào chợp mắt được. Thế là người đàn ông tội nghiệp này lấy hũ rượu ngâm trong buồng ra uống, có điều càng uống anh lại càng thấy tỉnh. Không biết làm sao cho thỏa nỗi nhớ, anh lấy di ảnh vợ từ bàn thờ xuống đẻ ngắm. Ngắm mãi vẫn không hết nhớ, anh lại chạy ra gốc cà phê sau nhà, nơi vợ mình bị treo cổ mà khóc lóc. Nghe tiếng anh Việt khóc, anh Lực chạy sang đưa em trai vào nhà mà an ủi.

Cũng nhiều lần, vì quá thương vợ đã chết thảm mà anh nghĩ quẩn định tự vẫn. Nhưng khi cận kề cái chết, anh lại nhớ ra rằng mình chết đi rồi bố mẹ già cũng sẽ đau đớn mà ngã bệnh qua đời thì mình lại là một thằng con bất hiếu, rồi con gái mới 3 tuổi sẽ sống như thế nào khi mất cả cha lẫn mẹ? Cũng như anh Lực, anh Việt quyết định sẽ chịu tang vợ đủ 3 năm rồi mới tính đến tương lai của mình. Tuy nhiên đến nay anh vẫn sống cuộc đời “trôi nổi” đi làm thuê bên ngoài, chưa có tình cảm với cô gái nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Việt, Trưởng công an xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) cho biết: “Dù thảm án xảy ra đã được 3 năm nhưng mỗi khi nhắc lại thì bất cứ người dân nào cũng rùng mình sợ hãi. Cũng chính vì vụ án ấy mà không một gia đình nào dám thuê công nhân là người lạ về hái cà phê nữa. Gia cảnh của hai anh em Lực, Việt thì ai cũng biết, cả hai đều đang sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Càng xót thương cho hai người vợ bao nhiêu thì người dân lại càng cảm phục tấm chân tình của hai người bấy nhiêu. Cũng mong trong quãng đời về sau, họ sẽ lại được yêu thương và có được gia đình hạnh phúc”.
Để sống trọn nghĩa vẹn tình, cả hai người chồng này đều quyết định để tang vợ đúng 3 năm rồi mới nghĩ đến việc xây dựng gia đình mới.
Theo Câu Chuyện Pháp Luật