Sinh viên năm cuối và những mối lo việc làm

20/04/2013 08:50
Nguyễn Hậu
(GDVN) - Trước niềm vui lớn khi thi đỗ đại học của các em tân sinh viên thì chỉ sau 3, 4 năm niềm vui đó đã trở thành nỗi lo lắng về việc làm. "Ra trường về quê hay ở lại?" luôn là những câu hỏi thường trực của sinh viên và bạn bè người thân.
Ước mơ công việc đúng ngành

Được đi học đó là một niềm vui lớn, niềm tự hào của biết bao người. Nhưng chẳng ai có thể ngờ rằng, sinh viên sau khi ra trường sẽ đi về đâu. Nguyễn Thị Thu Chung, sinh viên năm cuối ĐH Sư Phạm 1 chia sẻ: "Mình đang tập trung làm khóa luận, chuẩn bị bảo vệ. Dù biết ra trường được bằng giỏi nhưng thật sự mình vẫn không biết có xin được việc hay không. Bây giờ chỉ mong ra trường làm đúng ngành giáo viên thôi, mình thấy mấy anh chị trước khóa hay làm trái ngành. Người thì làm công nhân, nhân viên tiếp thị, đa ngành mà chẳng mấy ai được làm cái nghề đã đào tạo bài bản".

Công việc khi ra trường luôn là mối lo của nhiều sinh viên khi ra trường
Công việc khi ra trường luôn là mối lo của nhiều sinh viên khi ra trường

Cũng cùng một cảm xúc như Chung, Nguyễn Thị Lệ sinh viên Học viện Tài Chính đang đi thực tập tâm sự: " Sắp ra trường rồi mà mình vẫn chưa biết đi về đâu. Bao nhiêu năm ăn học vất vả, bây giờ lại về làm công nhân thì mình thấy có lỗi với gia đình. Nhưng không biết với cái bằng khá và không có chút quan hệ nào, mình sợ ra trường sẽ như hầu hết các sinh viên nghèo từ trước đên nay". Sinh viên năm cuối, chỉ còn vài tháng nữa là đã ra trường, nhưng ai cũng mang một tâm trạng giống hệt nhau.

Không còn vẻ ngây thơ ngày nào khi mới bước chân vào cổng trường đại học. Cũng không có ai còn đủ mộng mơ để ước về một công việc với bao điều đẹp đẽ. Giờ đây, khi chuẩn bị bước vào cuộc sống tự lập, mỗi sinh viên chỉ mong có một công việc ổn định. Hơn ai hết, đều mong muốn công việc sau này sẽ phù hợp với chuyên môn năng lực, những công việc chuyên ngành mà khi còn trên giảng đường đại học họ được trau dồi.

Đó là những sinh viên còn đang đi học, còn đang ở giữa cái ngưỡng cửa của cuộc đời. Có nhiều sinh viên, đã ra trường đã lâu mà vẫn chưa kiếm được việc làm. Đỗ Văn Bài từng là sinh viên của Học viện báo chí tuyên truyền, ra trường được một năm nhưng anh vẫn đang đợi việc. Bài có chia sẻ: "Cái cảm giác đợi việc nó thật lâu và nhàm chán.

Dù đã được thông báo đi làm từ đâu năm nhưng cứ đến hạn thì lại có cái hạn mới. Mình cũng muốn tìm một công việc mới nhưng tiếc cái công bốn năm đèn sách. Viết báo là công việc mình yêu thích, mình không muốn bỏ dở để tìm một công việc không đúng chuyên ngành". Không chỉ một vài trường hợp mà hầu hết sinh viên Việt Nam ra trường đều không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc. Và cũng một phần nữa, sinh viên muốn có việc làm không chỉ cần giỏi mà cần phải có tiền và có quan hệ"

Làm những công việc không liên quan đến ngành

Nhiều trường hợp vì không đủ kiên nhẫn để theo đuổi ước mơ đã rẽ sang ngang. Ngay sau khi ra trường, vì nhận thấy điều kiện tài chính nhà mình không cho phép, Hạnh cô sinh viên Cao đẳng sư phạm Hải Dương đã về nhà xin làm công nhân.

Hạnh tâm sự thêm: " Lúc cầm hồ sơ đi xin việc, người ta nói cần phải có tiền chạy. Bao năm bố mẹ nuôi mình ăn học, bây giờ mình không nỡ để bố mẹ khổ thêm. Là thân con gái nên mình cũng muốn ổn định. Về về công ti gần nhà xin việc, tháng cũng được 3-4 triệu đồng. Công việc vất vả một chút nhưng mình không phải lo lắng về món nợ mà nếu xin việc bố mẹ mình sẽ phải đi vay".

Công việc của nhiều sinh viên khi ra dựa vào sự may rủi của bản thân
Công việc của nhiều sinh viên khi ra  dựa vào sự may rủi của bản thân

Có những người không được may mắn như hạnh, sau khi ra trường vì nhà nghèo mà vẫn phải bươn trải nơi thành phố. Con gái chọn những công việc nhẹ nhàng như bán quần áo thuê, phụ quán ăn, nhà hàng, nhân viên tiếp thị, siêu thị,... Con trai có sức khỏe thì chọn những công việc nặng nhọc như chở hàng, công nhân công trường,... Họ cũng đã một thời là sinh viên, từng mơ ước một công việc nhẹ nhàng và kiếm nhiều tiền.

Nỗi lo về việc làm càng ngày lớn, sinh viên ra trường không việc làm càng nhiều. cuộc sống mưu sinh đã buộc những cô cậu sinh viên phải từ bỏ ước mơ của mình. Người may mắn thì làm những công việc nhẹ nhàng, người không may mắn thì có những công việc chân tay.
Nguyễn Hậu