"Tạc tượng" những ngư dân Việt dám đương đầu hải giám Trung Quốc

14/03/2013 13:41
Bùi Hải
(GDVN) - Mỗi năm, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại có thêm những chiếc mộ gió. Đó là những ngôi mộ không có xương cốt, vì thân thể ngư dân đã gửi lại vĩnh viễn nơi biển cả. Trong số ấy, chắc chắn có mộ gió của những ngư dân dám đương đầu không sợ hãi với cái mà một thời gian chúng ta gọi là "tàu lạ".
Một trong 2 tàu cá Việt Nam kiên cường đương đầu với Hải giám Trung Quốc ngoài Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam
Một trong 2 tàu cá Việt Nam kiên cường đương đầu với Hải giám Trung Quốc ngoài Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam

Chưa có một "bức tượng theo nghĩa đen" nào được tạc lên sau những hình ảnh các ngư dân Việt Nam không sợ hãi trước sự đe dọa của hải giám Trung Quốc, được chính báo chí Trung Quốc công bố.

Nhưng bức tượng về những chiếc tàu cá nhỏ nhoi giữa biển cả mênh mông, ngay trước mũi những "con tàu chở chủ nghĩa Đại Hán bành trướng" của hải giám nước láng giềng, đã được tạc lên lồng lộng trong tim của hơn 90 triệu con dân Việt Nam, đặc biệt trong những ngày "tháng 3 bi hùng" này.

Họ ở đó, trong tay không vũ khí. 

Họ ở đó, nơi mà bất kì ứng cứu nào từ tổ quốc, đều có thể chậm hơn sự manh động, liều lĩnh của "lực lượng bên kia", vì khoảng cách địa lý quá xa.

Họ biết rõ, với bộ máy tuyên truyền hùng hậu và rất có thâm niên trong việc xuyên tạc, bóp méo sự thật của Trung Quốc, họ có thể trở thành "kẻ xâm phạm" dù đang lao động ở chính hải phận của đất nước mình. 

Nhưng, cũng như việc đương đầu với sóng dữ và bão tố, họ đã không hề run sợ trước hải giám Trung Quốc, lực lượng đang được đầu tư từng ngày để đe dọa láng giềng.

Sau lưng họ là tổ Quốc. Đó là thứ vũ khí vô hình mạnh mẽ nhất.

Xung quanh họ là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm mà cha ông thừa kế lại.

Trước mặt họ là chính nghĩa và niềm tin vững chãi vào công lý. Không phải ai cũng có một tâm lý vững chãi và đàng hoàng như thế: Không việc gì phải sợ hãi một người lạ trong chính "ngôi nhà chính chủ" của mình.

Và trên bờ, giản dị hơn, những vợ trẻ, con thơ đang chờ họ trở về với khoang đầy cá, để cải thiện cuộc sống đạm bạc và nuôi dưỡng tiếp những ước mơ thoát nghèo.

Họ, cũng giống tuyệt đại bộ phận con Lạc cháu Hồng khác, không muốn gây hấn với ai, nhưng ai đó cũng phải nhớ rằng: Truyền thống lịch sử đang đứng về những người bất khuất.

Dù vua tôi nhà Trần đã khiến những danh tướng Thoát Hoan năm xưa đã phải sợ hãi đến vỡ mật khi chui vào ống đồng để quân lính khiêng tháo chạy khỏi Việt Nam.

Nhưng Lê Lợi, Nguyễn Trãi cũng sẵn sàng "thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh" (Bình Ngô Đại Cáo) cấp lương thảo thuyền bè mở đường bình an cho vạn quân Minh cúi đầu lê gót rời đất Việt.

Mỗi năm, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại có thêm những chiếc mộ gió. Đó là những ngôi mộ không có xương cốt, vì thân thể ngư dân đã gửi lại vĩnh viễn nơi biển cả. Trong số ấy, chắc chắn có mộ gió của những ngư dân dám đương đầu không sợ hãi với cái mà một thời gian chúng ta gọi là "tàu lạ".

Những mộ gió ấy, dù không xương cốt, cũng sẽ là bức tượng bi tráng được dựng lên trong lòng người Việt trong hành trình gian khổ và nhiều hi sinh, bảo vệ vẹn toàn cương vực thân yêu của Tổ Quốc. Cách nghiêng mình tử tế nhất trước những ngôi mộ gió ấy là không bao giờ để họ phải chiến đấu trong đơn độc.

Họ cũng chính là những tảng đồng đen ghép thành bức tượng con tàu Tổ Quốc tiếp tục đè sóng ra khơi như những câu thơ xúc động tận tâm can của Nguyễn Việt Chiến:

"Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng đặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi"

(Tổ quốc nhìn từ biển)

Bùi Hải