Tân Hoa Xã: Chống tham nhũng không còn là chiến dịch mà là chiến tranh

10/12/2014 07:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc không thể tự giải quyết được vấn đề tham nhũng của mình mà không thiết lập cải cách chính trị quan trọng, cho phép giám sát công khai các quan chức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP.

The Diplomat ngày 10/12 đưa tin, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã bình luận, những nỗ lực chống tham nhũng của Tập Cận Bình không còn là một chiến dịch mà là một cuộc chiến tranh kéo dài.

Tân Hoa Xã dẫn vụ khai trừ đảng, bắt giữ Chu Vĩnh Khang gần đây làm ví dụ minh chứng cho việc tăng cường hoạt động chống tham nhũng, đồng thời chỉ ra rằng chiến dịch này đã vượt qua ngưỡng cảnh báo răn đe người khác. Thay vào đó, quy mô của chiến dịch và những nỗ lực mới tập trung cải cách pháp luật, thể chế hóa hoạt động chống tham nhũng và xem đó là một cuộc chiến tranh lâu dài.

Đây không phải lần đầu tiên Tân Hoa Xã ví von, ẩn dụ về các nỗ lực chống tham nhũng. Hồi tháng 8, báo chí Trung Quốc đã dẫn lời nhận xét "thẳng thắn bất thường" của Tập Cận Bình trong một cuộc họp kín của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc: "Cuộc chiến giữa đội quân chống tham nhũng và đội quân tham nhũng đang bế tắc".

Ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng: "Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta, tôi không còn quan tâm đến chuyện sống chết, hoặc danh dự của tôi bị hủy hoại." Chỉ sau hai năm lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã gắn chặt sự nghiệp, danh tiếng của cá nhân mình với chiến dịch chống tham nhũng. Thành công hay thất bại trên mặt trận này sẽ có tác động rất lớn đối với thời gian còn lại trên cương vị nguyên thủ của mình.

Từ nhấn mạnh của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng thì rõ ràng Tập Cận Bình tin rằng đây là một vấn đề sống còn với đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình là con cái giới tinh hoa của đảng Cộng sản Trung Quốc và ông đã có một ý thức mạnh mẽ rằng phải bảo vệ đảng Cộng sản Trung Quốc là trách nhiệm và số phận của mình. Đối phó với tham nhũng chính là chìa khóa bảo vệ tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước đây có thông tin cho rằng những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã ép Tập Cận Bình phải thu nhỏ quy mô chiến dịch. Nhưng từ những báo cáo mới nhất liên quan đến vụ Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang cho thấy cả 2 ông đều ủng hộ hành động của Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, việc Tân Hoa Xã gọi chống tham nhũng là chiến tranh kéo dài và nhắc lại ý kiến của Tập Cận Bình về 2 tập đoàn đối kháng đã cho thấy đang tồn tại sự bế tắc trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Thậm chí khi các nhân vật cao cấp nhất ủng hộ Tập Cận Bình, ông vẫn phải đối mặt với sức phản kháng rất mạnh từ tập đoàn tham nhũng, đặc biệt là ở các bộ ban ngành và địa phương, những nơi từ lâu đã tồn tại chuyện "trên bảo dưới không nghe".

Theo Tân Hoa Xã, những nỗ lực chống tham nhũng đã có kết quả với 50 quan chức cấp tỉnh trở lên, còn được gọi là hổ. Số lượng "ruồi" bị đập ở các địa phương lên tới hơn 84 ngàn cán bộ bị xử lý kỷ luật trong 6 tháng đầu năm 2014. Và chiến dịch đang đi xa hơn, đặc biệt là trong đội ngũ tướng lĩnh quân đội. Trong tuần vừa qua truyền thông Trung Quốc đã xác nhận các nhà chức trách đã bắt 2 Thiếu tướng quân đội, Đới Duy Dân và Cao Tiểu Yên.

Bất chấp những nỗ lực này, nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng Trung Quốc không thể tự giải quyết được vấn đề tham nhũng của mình mà không thiết lập cải cách chính trị quan trọng, cho phép giám sát công khai các quan chức chính phủ, trong đó có tự do báo chí và tư pháp độc lập. Không có gì đảm bảo chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ thành công. Tân Hoa Xã gọi nó là cuộc chiến tranh kéo dài cung phần nào cho thấy điều đó.

Hồng Thủy