Tân Hoa xã Trung Quốc lo lắng vì chuyến công du ĐNÁ của Thủ tướng Nhật

13/01/2013 07:42
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - “Trong quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines đều cảm thấy: phải thống nhất nhận thức, thông tin lẫn nhau, tăng cường hợp tác”.
Nhật Bản và Philippines tăng cường liên kết kiềm chế Trung Quốc
Nhật Bản và Philippines tăng cường liên kết kiềm chế Trung Quốc

Tân Hoa xã vừa có bài viết cho rằng, ngày 10/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Kumio Kishida đã đến Thủ đô Manila của Philippines, đây là lần đầu tiên ông có chuyến thăm nước ngoài kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng đến nay.

Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, hai bên đã đạt được nhất trí về tăng cường hợp tác an ninh biển.

Truyền thông Nhật Bản cho rằng, hai nước tăng cường hợp tác “bảo vệ biển” nhằm hợp tác ứng phó với Trung Quốc, nước đang ra sức mở rộng vai trò ảnh hưởng trên biển.

Nhật sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Philippines

Chuyến thăm Philippines là trạm dừng chân đầu tiên của ông Kumio Kishida trong chuyến thăm 4 nước châu Á-Thái Bình Dương. Truyền thông Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh, Philippines là quốc gia tồn tại tranh chấp đảo với Trung Quốc ở biển Đông.

Được biết, trong cuộc hội đàm giữa ông Kumio Kishida và Albert del Rosario, vấn đề an ninh biển trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho rằng, trong cuộc hội đàm, ông Kishida cho biết, phía Nhật muốn tăng cường quan hệ “đối tác chiến lược” với Philippines, hợp tác thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kumio Kishida cam kết, Nhật sẽ tiếp tục giúp Philippines nâng cao khả năng phòng thủ bờ biển.

Tàu tuần tra lớp Hateruma của Nhật Bản, có lượng giãn nước 1.300 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, trang bị 1 pháo cỡ nòng 30 mm, có chỗ đậu cho máy bay trực thăng.
Tàu tuần tra lớp Hateruma của Nhật Bản, có lượng giãn nước 1.300 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, trang bị 1 pháo cỡ nòng 30 mm, có chỗ đậu cho máy bay trực thăng.

Bài viết cho rằng, hai bên đã bàn bạc cụ thể về vấn đề Nhật cung cấp tàu tuần tra trên biển cho Philippines. Rosario nói, hai bên “đã thảo luận nghiêm túc vấn đề tàu tuần tra, trong lĩnh vực như đào tạo nhân viên, Nhật Bản sẽ còn giúp Philippines hoàn thiện hệ thống thông tin trên biển”.

“Philippines hy vọng tăng cường hợp tác với Nhật Bản trên các phương diện như thương mại và an ninh biển” – ông Rosario nói.

Philippines muốn dựa vào Nhật Bản để bảo vệ đảo

Truyền thông Nhật Bản cho rằng, Philippines có tranh chấp bãi cạn Scarborough với Trung Quốc, luôn muốn được Nhật Bản chi viện. Tháng 12/2012, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Rosario công khai tuyên bố, Philippines hoan nghênh Nhật Bản xây dựng quân đội chính quy, tăng cường sức mạnh, ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh biển, phía Nhật Bản cũng đã quyết định cung cấp khoản vay 54 tỷ yên cho Philippines dùng để xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sắt, sân bay.

Tàu tuần tra lớp Nagano của Nhật Bản, có lượng giãn nước chỉ 200 tấn, nhưng có tổng công suất gần 10.000 mã lực, tốc độ tối đa là 35 hải lý/giờ, vượt xa tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc - chỉ có tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ.
Tàu tuần tra lớp Nagano của Nhật Bản, có lượng giãn nước chỉ 200 tấn, nhưng có tổng công suất gần 10.000 mã lực, tốc độ tối đa là 35 hải lý/giờ, vượt xa tàu hải giám, ngư chính Trung Quốc - chỉ có tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ.

Đối với việc tăng cường hợp tác biển giữa Nhật Bản và Philippines, nhiều tờ báo Nhật Bản đều cho rằng, mục đích là để kiềm chế Trung Quốc.

Công ty quảng cáo Tokyo cho rằng, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida hy vọng “cùng (với Philippines) xây dựng một mạng lưới bao vây, tạo sự kiềm chế đối với Trung Quốc – nước cũng đối đầu với Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku”.

Sau cuộc gặp Rosario, ông Kishida công khai tuyên bố, Nhật Bản và Philippines đối mặt với vấn đề giống nhau trong quan hệ với Trung Quốc. “Giống như Nhật Bản, quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc cũng tồn tại vấn đề rất lớn, vì vậy hai bên Nhật Bản-Philippines đều cảm thấy: phải thống nhất nhận thức, thông tin lẫn nhau, tăng cường hợp tác”.

Trong thời gian thăm Philippines ngày 10/1, ông Kumio Kishida còn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đảo Senkaku, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cần phải biết tự kiềm chế.

Shinzo Abe tiến hành chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam

Tân Hoa xã cũng tỏ ra đặc biệt chú ý tới quan hệ Việt-Nhật, cho hay, sau chuyến thăm Philippines của Kumio Kishida vài ngày, đến ngày 16/1 tới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ đến thăm Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (nay là đương kim Thủ tướng Nhật Bản) tháng 11/2010, tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (nay là đương kim Thủ tướng Nhật Bản) tháng 11/2010, tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trên thực tế, ở biển Đông, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên biển Đông (với đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử, được lịch sử Trung Quốc chứng minh), nhưng Trung Quốc lại luôn đưa ra những tuyên bố và có các hành động khẳng định chủ quyền một cách bất hợp pháp, thiếu chứng cứ pháp lý và lịch sử.

Báo Trung Quốc còn viết, sau chuyến thăm Việt Nam, ông Shinzo Abe cũng sẽ đến thăm Thái Lan và Indonesia.

Tân Hoa xã dẫn nguồn “truyền thông Nhật Bản” cho rằng, lịch trình chuyến thăm như vậy đã cho thấy Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN này, tạo ra “thế kiềm chế” đối với Trung Quốc – nước luôn đòi hỏi quyền lợi biển một cách vô lý và bất hợp pháp ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Tái khởi động đối thoại chiến lược Nhật-Hàn

Ngoài ra, Tân Hoa xã cũng quan tâm tới động thái quan hệ Hàn-Nhật. Theo bài viết, ngày 10/1, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức đối thoại chiến lược ở Tokyo, đã thảo luận phương án cải thiện quan hệ hai nước, ổn định tình hình Đông Bắc Á. Đối thoại chiến lược lần này là đối thoại chiến lược cấp cao lần đầu tiên giữa hai nước kể từ khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào tháng trước. Đối thoại lần này cách cuộc đối thoại lần trước 1 năm 7 tháng.

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Ho-Young (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai vừa chủ trì đối thoại chiến lược hai nước tại Tokyo
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Ho-Young (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai vừa chủ trì đối thoại chiến lược hai nước tại Tokyo

Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, đại diện cuộc đối thoại chiến lược Hàn-Nhật lần này của hai bên lần lượt là Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Ho-young và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai. Tại cuộc đối thoại, hai nước đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường lòng tin, phát triển quan hệ hợp tác hướng tới tương lai.

Hội nghị cho rằng, để khu vực Đông Bắc Á ổn định, hòa bình và cùng thịnh vượng, cần phải tiếp tục đi sâu và phát triển cơ chế hợp tác ba nước Hàn-Trung-Nhật. Về tình hình bán đảo Triều Tiên và thực trạng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ.

Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết, hai bên cũng đã thảo luận toàn diện về biện pháp phát triển quan hệ Hàn-Nhật sau khi hai nước có chính phủ mới. Trước đó, trong thời gian Đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền, do tranh chấp đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima), quan hệ Hàn-Nhật đã trượt dốc.

Đối thoại chiến lược Hàn-Nhật được bắt đầu từ năm 2005, lần này là cuộc đối thoại lần thứ 12.

Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)