"Tập Cận Bình chọn ngũ hổ tướng, có thể thay Bộ trưởng Quốc phòng"

17/10/2014 10:34
Hồng Thủy
(GDVN) - "Hổ tướng" thứ 2 là Trương Hựu Hiệp, đã từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là người nắm quyền trong quân đội lớn nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là người nắm quyền trong quân đội lớn nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.

Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 13/10 bình luận, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo nắm quân quyền lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ông đang chuẩn bị cho một chiến dịch thay đổi toàn diện quân đội, đầu tiên là về đội ngũ nhân sự tướng lĩnh cấp cao.

Hội nghị trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc họp trong vài ngày tới sẽ có sự biến động lớn về các tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc. Theo tạp chí "Ngoại giao tham khảo" xuất bản tại Hồng Kông, 2 vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng có thể thay đổi về nhân sự. 

Quan sát những động thái diễn ra gần đây, Đa Chiều cho rằng sẽ có 5 tướng tâm phúc được Tập Cận Bình lựa chọn giúp mình cải cách toàn diện quân đội. Đa Chiều gọi đó là ngũ hổ tướng của Tập Cận Bình, trong phạm vi bài viết này xin nói về 2 "hổ tướng" đầu tiên.

Lưu Nguyên "túc trí đa mưu" quyết tâm chống tham nhũng

"Hổ tướng" đầu tiên trong đội tâm phúc của Tập Cận Bình được nhắc đến là Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ, hàm Thượng tướng và là bạn ông Bình từ thủa nhỏ. 

Lưu Nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc lật vụ án Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội tham nhũng. Nhiều khả năng ông Nguyên sẽ vào Quân ủy trung ương trong hội nghị này, thậm chí có thể trở thành một Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách kỷ luật.

Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ được cho là một tướng tâm phúc của Tập Cận Bình.
Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ được cho là một tướng tâm phúc của Tập Cận Bình.

Được xem như thành phần cốt cán chống tham nhũng trong quân đội, nhưng điều Tập Cận Bình coi trọng hơn cả ở ông Nguyên là lòng trung thành, là "hạt giống đỏ" của Trung Nam Hải.

Mặc dù đeo lon Thượng tướng nhưng Lưu Nguyên chưa từng trải qua chiến trường, thế mạnh của ông là ở học thuật. Đa Chiều bình luận, về trình độ Lưu Nguyên hơn hẳn một số tướng cốt cán Trung Quốc "hễ động một tí là thích dùng súng ống", có tố chất làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương.

Lưu Nguyên lớn hơn Tập Cận Bình 2 tuổi, cả 2 đều trải qua Cách mạng Văn hóa. Cha đẻ 2 ông đều là khai quốc công thần từng bị đánh đổ trong thời kỳ này khiến gia đình ly tán, cả hai từng cùng bị điều xuống nông thôn, vùng sâu vùng xa để sống cuộc sống "gần dân".

Trương Hựu Hiệp có "kinh nghiệm chiến tranh", từng chỉ huy quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam

"Hổ tướng" thứ 2 là Trương Hựu Hiệp, đã từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và chỉ huy quân Trung Quốc đánh phá biên giới với Việt Nam những năm 1980 được Tập Cận Bình trọng dụng vì "có kinh nghiệm chiến đấu".

Trương Hựu Hiệp (giữa).
Trương Hựu Hiệp (giữa).

Trương Hựu Hiệp hiện là Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị, lon Thượng tướng. Ông Hiệp cũng có nhiều khả năng trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách hậu cần cùng với Tập Cận Bình và Lưu Nguyên trở thành bộ ba hạt nhân quyền lực mới trong quân đội Trung Quốc.

Quân đội có đánh được hay không là mối quan tâm lớn nhất của Tập Cận Bình, đó là lý do tại sao ông Bình trọng dụng Trương Hựu Hiệp. "Có lệnh, xuất quân. Xuất quân là đánh. Đã đánh phải thắng" không phải khẩu hiệu, mà là yêu cầu của Tập Cận Bình đối với quân đội.

Cũng giống như 2 ông Tập Cận Bình và Lưu Nguyên, Trương Hựu Hiệp cũng là "hạt giống đỏ" của Trung Nam Hải. Ông Hiệp là con trai Trương Tông Tốn, khai quốc Thượng tướng của quân đội Trung Quốc.

Ngoài lý lịch từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, Trương Hựu Hiệp còn có quan hệ cá nhân khá gần gũi với Tập Cận Bình. Cha ông Hiệp và cha ông Bình đã từng cùng chỉ huy 1 đơn vị. Trương Tông Tốn làm Tư lệnh còn Tập Trọng Huân làm Chính ủy tập đoàn quân dã chiến Thiểm - Cam - Ninh thời kỳ nội chiến với Quốc dân đảng nên giao tình giữa 2 nhà rất thân thiết.

Mời quý độc giả theo dõi đón đọc phần 2: Ai sẽ là tân Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc?

Hồng Thủy