Tàu khảo sát đại dương của Hải quân Mỹ làm việc tại Việt Nam

20/06/2011 07:06
(GDVN) - Tàu USNS Bowditch, với các thủy thủ đều là dân sự được thiết kế để làm nhiệm vụ khảo sát đại dương ở các vùng ven biển và ngoài khơi

(GDVN) - Ngày 20/6/2011, Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí cho hay: Quá trình hợp tác lâu dài giữa Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong các hoạt động kiểm kê người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam được tiếp tục trong tháng này với các hoạt động tìm kiếm dưới nước của tàu khảo sát đại dương của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Tàu khảo sát đại dương của Hải quân Hoa Kỳ, USNS Bowditch.
Tàu khảo sát đại dương của Hải quân Hoa Kỳ, USNS Bowditch
(nguồn: Wikipedia).

Hoạt động tìm kiếm lần này ở ngoài khơi Việt nam diễn ra từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 20 tháng 6 năm 2011 trong khuôn khổ đợt hoạt động hỗn hợp lần thứ 103 với sự tham gia của các chuyên viên Bộ Chỉ Huy Hỗn Hợp Kiểm Kê Tù Binh và Người Mất Tích của Hoa Kỳ (JPAC) và Cơ quan Tìm Kiếm Người Mất Tích của Việt Nam (VNOSMP) phối hợp với các thành viên trên tàu khảo sát đại dương của Hải quân Hoa Kỳ, USNS Bowditch.

Đây là lần thứ hai một tàu hải quân Hoa Kỳ hoạt động với sự đồng ý của chính phủ Việt Nam để tìm kiếm các trường hợp người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Năm 2009, tàu USNS Bruce C. Heezen cũng đã tiến hành hoạt động tương tự.  

Bà Virginia Palmer, Đại diện lâm thời tại Đại sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết “Việc sử dụng các thiết bị định vị âm thanh hiện đại của tàu Bowditch trong các hoạt động của JPAC để có thể phát hiện các máy bay đã bị rơi ngoài khơi sau 40 năm là điều mà trước đây chúng ta không thể làm được. Chúng tôi đánh giá cao hợp tác của phía Việt Nam trong các hỗ trợ liên tục để khảo sát phục vụ cho các hoạt động nhân đạo này, và mục đích cuối cùng là giúp chúng tôi tìm thấy và hồi hương nhiều các phi công Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.”

Tàu USNS Bowditch, với các thủy thủ đều là dân sự được thiết kế để làm nhiệm vụ khảo sát đại dương ở các vùng ven biển và ngoài khơi và rất lý tưởng để phát hiện các hiện trường máy bay rơi dưới đáy đại dương.

Hàng trăm máy bay Hoa Kỳ và phi hành đoàn vẫn còn bị mất tích ở vùng thềm lục địa của Việt Nam nhưng hiện JPAC chỉ có các thông tin chính xác để tìm kiếm có hiệu quả một phần nhỏ trong số các máy bay trong diện mất tích nói trên. 

Phía Hoa Kỳ hy vọng rằng việc tăng cường thêm các khả năng tìm kiếm của tàu USNS Bowditch lần này sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả của các hoạt động tìm kiếm các hiện trường dưới nước.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác với nhau trong các đợt hoạt động hỗn hợp để kiểm kê tù binh và người mất tích từ những năm 80 trở lại đây trong đó hai nước đã tiến hành 103 đợt hoạt động hỗn hợp theo định kỳ.

Hoạt động nhân đạo này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cả hai chính phủ trong đó có sự ủng hộ của các hội gia đình, các cựu chiến binh và hiện đang là một phần rất thành công đóng góp vào mối quan hệ song phương Việt Mỹ đang ngày càng phát triển.

{iarelatednews articleid='5189,5161,5096,5094,5077,5039,5017,5009,4988,4976,4977,4964,4974,4972,4840,4860,4841'}

Hà Ngọc