Tết buồn của những nạn nhân vụ cháy xưởng giày ở Hải Phòng

28/01/2012 06:38
Ngọc Khánh
(GDVN) - Những nhành lộc biếc e ấp trên cây, hy vọng rằng người ở lại sẽ vững vàng trước những cơn bão táp phong ba cuộc đời.
LTS: Tết! Cơn mưa phùn lất phất trên những nhành lộc non mang theo cái rét mướt tê tái về trong những ngày đầu năm mới. Khi mọi nhà đầm ấm trong niềm vui sum họp thì chúng tôi quay trở lại thăm những nạn nhân trong vụ cháy xưởng giày da ở Tân Dân, An Lão, Hải Phòng hồi cuối tháng 7/2011. Tiếp xúc và ghi lại những câu chuyện “đắng lòng”, chúng tôi mới thấu những nỗi đau thể xác, tinh thần vẫn còn theo các nạn nhân vào trong từng giấc ngủ mặc dù năm cũ đã trôi qua.

Vợ mất, chồng nhờ người nuôi con

Chị Nguyễn Thị Hà (thôn Đại Hoàng 1, xã Tân Dân) là 1 trong 13 người tử nạn trong ngọn lửa tàn ác. Chỉ trong tích tắc, chồng mất vợ, con mất mẹ, một tổ ấm nhỏ bị chia lìa, còn nỗi đau nào hơn thế! Đến thăm lại gia đình chị vào chiều muộn ngày Tất niên, một không khí ảm đạm, lặng lẽ trùm lên căn nhà nhỏ. Chồng chị là anh Bùi Văn Đủ đưa 2 cậu con trai về quê ngoại bên Kiến Thụy chúc Tết sớm. Trò chuyện với mẹ chồng chị Hà là bác Đỗ Thị Xọa, chúng tôi hiểu được những khó khăn đang đè nặng lên người đàn ông sống cảnh “gà trống nuôi con” này. Công việc chữa xe đạp tại nhà của anh chỉ đủ trang trải sinh hoạt tối thiểu của cả nhà. 

Chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn tấm di ảnh của chị, đôi mắt tròn mở to như dõi theo từng bước đi của chồng con cõi nhân gian. Bác Xọa cho biết: Chính quyền địa phương cũng có sang thăm hỏi, tặng quà cho gia đình trước đó. Nhà tôi không vui nên cũng chỉ có chút hương hoa thắp hương cho các cụ tổ tiên mấy ngày Tết, bánh trái, hoa tươi cũng đều là anh em mang đến.
Chiều cuối năm, không khí lặng lẽ, hiu quạnh bao trùm căn nhà anh Đủ. Ảnh: Ngọc Khánh
Chiều cuối năm, không khí lặng lẽ, hiu quạnh bao trùm căn nhà anh Đủ. Ảnh: Ngọc Khánh
Hai đứa con của chị Hà là Bùi Quang Huy (sinh năm 2007) và Bùi Quang Hiếu (sinh năm 2009) còn quá nhỏ để chứng kiến sự mất mát lớn lao ấy. Mất đi bàn tay chăm sóc của mẹ, hai anh em thiệt thòi hơn những đứa trẻ cùng trang lứa trong làng. Bác Xọa cũng vất vả hơn trước bởi cùng lúc phải chăm sóc các cháu của 2 cậu con trai. “Chúng nó bé thế thôi nhưng cũng biết mẹ mất đấy, có đêm nó không ngủ đòi mẹ bế, tôi dỗ dành bảo mẹ đi làm nhưng nó bảo mẹ Hà chết rồi làm tôi lại chảy nước mắt”, nói đoạn bác lấy tay áo gạt nước nước mắt. 

Được biết, bé Hiếu được một người cô ruột hiếm muộn tạm thời chăm sóc để cảm nhận được tình mẫu tử ấm áp. Mặc dù đây mới là tạm thời nhưng có lẽ, quyết định ấy đã khiến cho anh Đủ, bác Xọa bao đêm trằn trọc không thôi. Nỗi đau giằng xé những số phận vốn đã có quá nhiều những éo le, khổ cực. Nhưng không, nỗi đau rồi sẽ qua đi, hy vọng không bao giờ tắt ngay cả lúc nguy nan. Nhìn lộc biếc e ấp trên cây bàng trước cổng, chúng tôi mong rằng người ở lại sẽ vững vàng trước những cơn bão táp phong ba cuộc đời.

Sợ là gánh nặng, gia đình chồng ruồng bỏ

Vào xưởng làm được 4 ngày thì xảy ra vụ cháy, chị Đào Thị Liễu (sinh năm 1976) vẫn chưa hết đau đớn vì nỗi đau đang hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Những hình ảnh của các nạn nhân khác vẫn ám ảnh chị không nguôi. Vết bỏng khắp người đang lên da non nhưng da phồng rộp, cảm giác ngứa ngáy, tay không co lại được.

Là một người bệnh còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cần một sự động viên chia sẻ từ phía chồng và người thân để vượt qua bệnh tật nhưng dường như với hoàn cảnh của chị Liễu thì ngược lại. Người đã từng đầu gối tay ấp lại tỏ ra thờ ơ, hững hờ trước nỗi đau của vợ của mình. Ngay từ những ngày chị còn điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, chồng chị đã bỏ về đi làm. Đến Rằm Trung thu xuất viện, chị về quê cũng chỉ nhận được sự quan tâm của nhà ngoại.

“Có lẽ gia đình nhà chồng nghĩ chị là gánh nặng, tàn phế nên không muốn quan tâm, chăm sóc nữa. Hàng ngày, những vết bỏng ngứa ngáy đến phát điên lên rồi lại đến chuyện gia đình đảo lộn khiến chị không ngủ được, nhiều đêm thức trắng”, chị Liễu bộc bạch. Phải chăng, người phụ nữ nặng chưa đầy 40kg này đang gồng mình chịu đựng những áp lực tứ phía dội về. Trong đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ ấy là một nỗi buồn cho số phận không may mắn của mình.
Mặc dù thương bố mẹ đẻ đã già yếu nhưng đó là điểm tựa cho chị Liễu trong hành trình chiến thắng bệnh tật. Ảnh: Ngọc Khánh
Mặc dù thương bố mẹ đẻ đã già yếu nhưng đó là điểm tựa cho chị Liễu trong hành trình chiến thắng bệnh tật. Ảnh: Ngọc Khánh
Hiện tại, chị được đưa về nhà ngoại để mọi người chăm sóc. Hai đứa con vì thế cũng chia lìa, cậu con trai đang học lớp 6 ở cùng bố, con gái nhỏ mới 1 tuổi theo mẹ đi... ở nhờ. Căn nhà là tài sản chung của 2 vợ chồng nhưng chị không thể mở cửa vào được để quét dọn, hương khói bởi chồng chị liên tục thay đổi khóa. “Có lần, anh ấy còn khóa trái cửa để chị ở trong nhà 1 mình, không có ai vào chăm sóc, giúp đỡ chị. Bữa trước, anh ấy có đưa đơn ly hôn cho chị nhưng chị không ký vì thương bọn trẻ. Ngay cả việc con trai chị đến thăm cũng bị bố đánh, cháu nó phải trốn sang đây mới gặp được mẹ. Nghĩ buồn và tủi thân lắm”. 

Mặc dù thương bố mẹ đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng chị chỉ còn trông cậy vào những điểm tựa ấy. Hàng ngày, bố chị Liễu lại chở chị vượt gần 20 km đến Bệnh viện Nauy ở Kiến An điều trị. Mẹ chị ở nhà trông cháu ngoại, dọn dẹp nhà cửa. Liệu rằng hành trình chiến thắng bệnh tật của chị có thành công khi bi kịch gia đình đang song hành.

Chia tay chị Liễu khi trời đã tối. Đêm cuối năm, trời đen như mực. Những ánh đèn mờ hắt ra từ những căn nhà của vùng quê nghèo khiến chúng tôi trăn trở về cuộc sống của các nạn nhân trước thềm năm mới. Khi mọi nhà đang quây quần bên mâm cơm Tất niên, tiếng pháo hoa đêm Giao thừa lại rộn ràng khắp muôn phương thì ở mảnh đất này, niềm hi vọng về những điều kỳ diệu sẽ theo chồi non nảy nở trong ngày mai.
Ngọc Khánh