Tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả gia đình

21/10/2019 06:09
Diệu Linh
(GDVN) - Bảo hiểm xã hội là chính sách ưu việt mà Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm nhằm bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định rõ, Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng là phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới.

Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo Nhân dân tổ chức, các chuyên gia đã giải đáp chi tiết những băn khoăn của người dân:

Người dân được lợi gì khi tham gia Bảo hiểm xã hội?

Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, đối tượng của Bảo hiểm xã hội là thu nhập của người lao động; chính sách Bảo hiểm xã hội được thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp, tích lũy của những người lao động khi còn trẻ, còn khỏe mạnh để bảo đảm ổn định thu nhập khi gặp phải các rủi ro.

Chính sách Bảo hiểm xã hội hiện đang được thực hiện với hai loại hình Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, Bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với năm chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.

Ngoài các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp mang tính chia sẻ giữa người khỏe mạnh với người bị ốm đau, tai nạn rủi ro; chế độ hưu trí trong chính sách Bảo hiểm xã hội đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp.

Giả sử một lao động nữ đóng trong 20 năm với mức đóng là 22% tiền lương tháng thì mức hưởng là 55% tiền lương bình quân với thời gian hưởng dựa trên tuổi thọ trung bình của nữ ở độ tuổi 55 là 24,6 năm.

Như vậy, rõ ràng mức hưởng đang cao hơn gấp nhiều lần so với mức đóng, trong khi thời gian hưởng dài hơn so với thời gian đóng góp. Ngoài ra với người hưởng lương hưu còn được hưởng chính sách Bảo hiểm y tế do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm, khi qua đời thân nhân được hưởng chế độ mai táng và trợ cấp tuất. Như vậy, việc tham gia Bảo hiểm xã hội là hoàn toàn có lợi đối với người lao động.

Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: Hồng Vân
Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: Hồng Vân

Cụ thể hơn, khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân được hưởng quyền lợi như thế nào?

Ông Trần Hải Nam: Lợi ích của tham gia chính sách Bảo hiểm xã hội nói chung và trong đó có chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được tôi trao đổi ở phần trên. Ở đây với việc triển khai chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi xin nhấn mạnh thêm ở một số điểm như sau:

Thứ nhất, chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già.

Đối với những người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần như trước đây, có thể đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện nói chung, có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện tài chính của mình với mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện tại là 700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng; người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng cũng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.

Thứ hai, ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ Bảo hiểm xã hội từng thời kỳ.

Thứ ba, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Thứ tư, Nhà nước bảo hộ quỹ Bảo hiểm xã hội và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật. 

Có phải người nhận lương hưu bị thiệt thòi qua những đợt tăng lương?

Ông Trần Hải Nam: Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Trong những năm vừa qua, cùng với việc thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về giao dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, có thể thấy, lương hưu thường được điều chỉnh tăng cùng với tốc độ tăng tiền lương của người tại chức (tăng cùng tỷ lệ tăng lương cơ sở).

Như vậy, việc thực hiện điều chỉnh này cao hơn rất nhiều so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Nếu chúng ta nhìn thấy tăng lương của người tại chức, trong khấu phần lương tăng thêm còn tính năng suất lao động, chi phí về giá cả, sinh hoạt.

Hiện nay, với người nghỉ hưu đang được thực hiện tương đồng với mức độ tăng lương của người tại chức, cao hơn nhiều so với chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó, thông lệ chung các nước chỉ điều chỉnh trên cơ sở giá, để bảo đảm giá trị đồng tiền khi lạm phát, mất giá. Như vậy, chính sách hiện nay trong điều chỉnh lương hưu có lợi so với người lao động.

Về ý kiến của độc giả nói người nghỉ hưu thiệt thòi khi tăng lương, chúng tôi nghĩ tới khía cạnh, đó là người hưởng lương đang có sự so sánh. Tức là khi thực hiện việc điều chỉnh cùng tỷ lệ, với người hưởng lương hưu cao cùng tỷ lệ điều chỉnh thì giá trị người nhận được thì được số tiền tăng thêm nhiều hơn so với người có lương hưu thấp hơn. Đó có thể là lý do độc giả nghĩ rằng có sự thiệt ở đây.

Chúng tôi cho rằng, mức lương hưu của người nghỉ hưu, mức lương hưu của người nghỉ hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng góp của người lao động. Khi lạm phát, mất giá đồng tiền thì người có mức lương hưu cao sẽ bị mất nhiều hơn do giảm giá trị đồng tiền.

Nếu điều chỉnh lương hưu trên cơ sở yếu tố về chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng thì điều chỉnh theo tỷ lệ là hoàn toàn phù hợp. Việc bù lại ở tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ lạm phát là phù hợp.

Riêng đối với việc điều chỉnh tăng thêm dựa trên tăng trưởng kinh tế, theo quan điểm của tôi cần có sự công bằng, như nhau đối với tất cả mọi người, chia sẻ phúc lợi tăng thêm trên cơ sở tăng tưởng kinh tế.

Hiện tại, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang phối hợp cùng với các bộ, ngành đánh giá để hoàn thiện chính sách này để trong thời gian tới, khi hoàn thiện quy định pháp luật, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra để có được sự điều chỉnh, hoàn thiện các quy định pháp luật, làm cơ sở thực hiện điều chỉnh chính sách lương hưu trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy số đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất hạn chế. Vậy thì nguyên nhân là gì và những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như thế nào?

Ông Trần Hải Nam: Chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện mặc dù rất có lợi cho người tham gia như đã phân tích ở trên nhưng tính đến quý 3-2019 chúng ta mới chỉ thêm được 450 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, thấp so với tiềm năng. Điều này cho thấy việc triển khai chính sách này còn một số khó khăn, hạn chế.

Đầu tiên, xuất phát từ đối tượng của chính sách chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động, nông dân, lao động tự do... Đây là những đối tượng thường có tính chất công việc không ổn định và mặt bằng thu nhập chung là thấp.

Do đó việc trích nguồn thu nhập để tham gia Bảo hiểm xã hội gặp nhiều khó khăn. Bản thân người lao động cũng đang phải lo trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt trước mắt nên việc tiết kiệm để lo cho tương lai chưa được quan tâm; chính sách hỗ trợ tiền đóng đã được triển khai từ năm 2018 nhưng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự tạo động lực để thúc đẩy người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, trong chính sách về hỗ trợ Bảo hiểm xã hội của nhà nước, thì tỷ lệ hỗ trợ 30%, 25%, 10% mặc dù cao nhưng lại phụ thuộc vào mức đóng tối thiểu nên chưa đủ sức hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia.

Hơn nữa, đối với những người có khả năng tham gia, việc nắm bắt, tiếp cận các đối tượng để thông tin về chính sách, vận động người lao động tham gia còn nhiều hạn chế. Người dân vẫn còn lo ngại về các thủ tục hành chính, còn chưa biết nếu tham gia thì đăng ký ở đâu và quy trình thủ tục thế nào.

Ngoài ra, chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Đây là những chính sách dài hạn. Thí dụ, để được hưởng lương hưu thì ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội. Đây chính là rào cản để người dân chưa thực sự sẵn sàng tham gia chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội có một số định hướng và giải pháp trong thời gian tới:

Thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập và là cơ sở cho việc tham gia Bảo hiểm xã hội.

Cải cách thủ tục hành chính, đa dạng các phương thức thu nộp Bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tới các địa phương.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu.

Nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, thực hiện các gói Bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe tốt nhất. ảnh: BĐ.
Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe tốt nhất. ảnh: BĐ.

Trong năm 2020, một số thay đổi chính sách quan trọng về bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực. Cụ thể thế nào?

Bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội: Luật Bảo hiểm xã hội số 58 đã có hiệu lực từ năm 2016 trong đó đã có một số nội dung thay đổi so với các quy định trước đây. Cụ thể về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã được mở rộng đối với những người có hợp đồng lao động từ một tháng đến ba tháng, các quy định về cách tính tỷ lệ lương hưu cũng có sự điều chỉnh từ năm 2016, cũng như điều kiện nghỉ hưu đối với những người bị suy giảm khả năng lao động thì các quy định này đã được điều chỉnh từ khi mà luật ban hành.

Tuy nhiên cũng tiếp theo lộ trình đó thì đến năm 2020 trở đi cũng sẽ có một số những nội dung tiếp tục được thay đổi theo quy định của luật.

Cụ thể từ năm 2020 trở đi thì lao động nam đủ 55 tuổi lao động nữ đủ 50 tuổi mà suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động. Hiện nay, lao động nam 54 tuổi và lao động nữ 49 tuổi, tức là sang năm tới sẽ phải tăng thêm một tuổi nữa thì họ mới được nghỉ hưu sớm khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Nội dung thứ hai là lao động nam nghỉ hưu trong năm 2020, thì để đạt được tỷ lệ lương hưu là 45% thì họ phải có18 năm đóng Bảo hiểm xã hội, đây cũng là theo lộ trình. Hiện nay, chỉ cần 17 năm đóng Bảo hiểm xã hội thì đã đạt tỷ lệ 45%, tuy nhiên sang năm sau họ phải có thêm một năm nữa thì mới có thể đạt được tỷ lệ 45%, tương đương 18 năm đóng Bảo hiểm xã hội.

Một nội dung nữa là những người bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội thuộc chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vào năm 2020 cho đến năm 2024, sau này khi đủ điều kiện tính hưởng chế độ thì cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của họ sẽ là tính bình quân tiền lương của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Đối với các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương theo Nhà nước quy định đã có lộ trình, nếu tham gia trước năm 1995 thì họ sẽ chỉ cần 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu và những trường hợp tham gia đóng từ 2020 đến 2024 thì sẽ tính bình quân của 20 năm cuối.

Diệu Linh