Thời gian gần đây, trên một số trang mạng bất ngờ xuất hiện thông tin bịa ra chuyện người lao động không còn được hưởng chính sách bảo hiểm một lần.
Mặc dù thông tin này không phát đi chính thức từ cơ quan chức năng nào mà chỉ là thông tin trôi nổi nhưng cũng gây ra hoang mang, lo lắng cho một bộ phận người lao động.
Trước thông tin thất thiệt này, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, người lao động có nguyện vọng vẫn được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần theo quy định. Hiện nay, chính sách Bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội.
Cụ thể, người lao động được nhận Bảo hiểm xã hội một lần nếu đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội hoặc chưa đủ 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Đồng thời, Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 bổ sung thêm trường hợp cho Điều 60 nêu trên: "Trường hợp người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng khi có yêu cầu thì được nhận Bảo hiểm xã hội một lần".
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). |
Trước đó vào ngày tháng 6/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về hưởng bảo hiểm xã hội một lần với người lao động theo hướng kéo dài quy định cũ đến năm 2020.
Bảo hiểm xã hội 1 lần là một trong những quyền lợi của người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội. Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể, người lao động được nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần nếu:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội hoặc chưa đủ 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Đồng thời, Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 bổ sung thêm trường hợp cho Điều 60 nêu trên: Trường hợp người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.
Và như vậy, cả Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 đều có sự kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 chứ không có chuyện bãi bỏ hay cắt giảm quyền lợi của người lao động.
Duy trì tham gia bảo hiểm xã hội là rất cần thiết, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe lúc về già. ảnh minh họa: Hoa Quỳnh. |
Tuyên truyền để người lao động hiểu chính sách, tránh bị thiệt thòi
Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều người lao động sau khi nghỉ việc do thiếu hiểu biết đã bán, cầm cố và ủy quyền nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần thay vì tích lũy thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Điều này không những vi phạm pháp luật, mà còn khiến người lao động hết sức thiệt thòi.
Cụ thể, ngay khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần, người lao động đã phải nhận thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương, trong khi mức hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần cho mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương.
Để hạn chế tình trạng người lao động có xu hướng nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần, các chuyên gia cho rằng, cần phải thắt chặt điều kiện hưởng chế độ này. Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ cần tổng kết lại chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần để có biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cũng như cuộc sống sau này cho người lao động.
Theo ông Lợi, trong số 2,7 triệu người đăng ký hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần từ năm 2014 đến năm 2018, có tới 93% số người mới đóng Bảo hiểm xã hội được 10 năm đã rút ra khỏi hệ thống Bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, trong số 93% đó, có tới 50% mới đóng được dưới 1 năm đến dưới 3 năm.
Một trong những lý do khiến người lao động muốn nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần là điều kiện hưởng quá đơn giản, chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia là được hưởng.
Đa số người lao động vẫn chưa hiểu rõ về cái lợi của việc tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội để bảo đảm cuộc sống khi về già… Trong khi đó, hiện nay, cũng có nhiều người lao động sau khi lĩnh Bảo hiểm xã hội 1 lần muốn nộp lại và tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, do luật hiện hành chưa có quy định hồi tố cho việc này nên chưa thể thực hiện được. Do đó, việc bảo lưu thời gian đóng, sau khi có điều kiện tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội để được đảm bảo an sinh xã hội khi về già là tối ưu nhất.
Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội để tăng tỉ lệ người dân được hưởng lương hưu là mục tiêu quan trọng nhất của bất cứ quốc gia nào.
Việc người lao động nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội- trở thành vấn đề đáng quan ngại cho xã hội trong tương lai. Vì vậy, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Canada, Argentina, Pháp, Nga, Đức… đều không cho người lao động hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần.
Còn ở Việt Nam, vì nhiều lý do, chế độ này vẫn được thực hiện- dù không khuyến khích, dẫn tới số người hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần đang có xu hướng tăng.
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, mục tiêu mà Đảng và Nhà nước hướng tới là thực hiện Bảo hiểm xã hội toàn dân. Theo đó, quỹ Bảo hiểm xã hội được xây dựng từ sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước, nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động.
Do đó, hơn ai hết, người lao động cần hiểu rằng, khoản tiền đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội là “của để dành” của chính mình, nó không mất đi mà được cơ quan Bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Do đó, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu.