Tham vọng lãnh thổ trên biển của TQ đang cố tình thách thức tứ phía

14/12/2012 06:00
Việt Dũng
(GDVN) - Chiến lược từng bước hiện thực hóa "đường lưỡi bò" vô lý của Trung Quốc dù thế nào vẫn phải đối mặt với xu hướng liên kết "quốc tế hóa" ở khu vực.
Hội nghị 4 nước về vấn đề biển Đông tạm thời trì hoãn

Hãng Kyodo dẫn lời các nguồn tin cho biết, hội nghị 4 nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei dự kiến tổ chức vào ngày 12/12/2012 tại đảo Boracay ở miền trung Philippines đã bị trì hoãn, do hai nước Malaysia và Brunei thông báo với Philippinese là họ sẽ vắng mặt. Động thái này của hai nước được báo Trung Quốc cho là “cân nhắc đến Trung Quốc”.

Về lý do trì hoãn hội nghị, ngày 7/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Hernandez cho biết, hội nghị 4 nước về vấn đề biển Đông bị trì hoãn là do các nước tham dự hội nghị chưa phối hợp được trong vấn đề sắp xếp chương trình làm việc, hoàn toàn không đề cập việc này có liên quan đến Trung Quốc hay không.

Hernandez nhấn mạnh, để tìm được biện pháp xử lý tranh chấp biển Đông với Trung Quốc, 4 nước gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đã đồng ý tổ chức hội nghị 4 bên trong tương lai, các bên liên quan đang làm công tác chuẩn bị cho hội nghị.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, mục đích của hội nghị là nhằm xác nhận 4 nước có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung Quốc sẽ áp dụng hành động thống nhất trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, tức là thảo luận giải pháp đa phương cho vấn đề biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario vừa tuyên bố ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang và kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò cân bằng sức mạnh với Trung Quốc tại khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario vừa tuyên bố ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang và kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò cân bằng sức mạnh với Trung Quốc tại khu vực.

Theo các nguồn tin từ Manila, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu kiến những nhân viên làm việc của hai nước Malaysia và Brunei tại Bắc Kinh để gây sức ép, đây là nguyên nhân chính khiến hai nước này không tham gia hội nghị 4 nước về vấn đề biển Đông vào ngày 12/12.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario từng nói rằng, Philippines sẽ không chấp nhận giải quyết vấn đề biển Đông bằng phương thức song phương, Philippines cho rằng “tình hình biển Đông đã tạo ra mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh của khu vực”, “đây hoàn toàn không phải là vấn đề song phương, thậm chí không phải là vấn đề khu vực, mà là vấn đề quốc tế”.

Philippines ủng hộ Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường

Tờ “Thời báo Tài chính” Anh ngày 10/12 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario cho rằng, Philippines “ủng hộ Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp hòa bình, tái vũ trang, nhằm chống lại thái độ cứng rắn về quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc”. Tuyên bố này gây lo ngại cho Chính phủ Trung Quốc, cho thấy Philippines ngày càng “đứng ngồi không yên” trước sự khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.

Phản ứng đối với vấn đề này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Hiện nay không phải là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không tồn tại vấn đề một nước kiềm chế một nước khác”.

Trong tranh cử, cựu Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo đảng LDP và ông Shintaro Ishihara, cựu Thị trưởng Tokyo, lãnh đạo đảng Mặt trời đều chủ trương cải tổ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành quân đội chính quy, nghĩa là muốn đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường. Dư luận Trung Quốc tỏ ra hết sức lo ngại, cố gắng tuyên truyền, coi đó là xu hướng "quân phiệt hóa" ở Nhật Bản, trong khi Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự toàn diện trên đất liền, trên không, trên biển, thường xuyên diễn tập răn đe vũ lực.
Trong tranh cử, cựu Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo đảng LDP và ông Shintaro Ishihara, cựu Thị trưởng Tokyo, lãnh đạo đảng Mặt trời đều chủ trương cải tổ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành quân đội chính quy, nghĩa là muốn đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường. Dư luận Trung Quốc tỏ ra hết sức lo ngại, cố gắng tuyên truyền, coi đó là xu hướng "quân phiệt hóa" ở Nhật Bản, trong khi Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự toàn diện trên đất liền, trên không, trên biển, thường xuyên diễn tập răn đe vũ lực.

Kim Xán Vinh, một học giả Trung Quốc nói với tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc rằng, Trung-Nhật không thể tái hiện cảnh một nước Nhật Bản công nghiệp xâm chiếmmột nước Trung Quốc nông nghiệp hơn 70 năm trước, khi hai nước đứng ở nấc thang văn minh giống nhau, mấu chốt quyết định sự thắng thua là “trọng lượng cơ thể”.

Khi đề cập đến việc tái quân sự hóa Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario còn cho rằng: “Chúng tôi sẽ rất hoan nghênh đối với vấn đề này. Chúng tôi đang tìm kiếm một nhân tố cân bằng ở khu vực này, mà Nhật Bản có thể trở thành một nhân tố cân bằng quan trọng”.

Tờ “Thời báo Tài chính” Anh cho biết thêm, tuyên bố của ông Rosario diễn ra trong thời điểm cách cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản (16/12) chỉ vài ngày, trong khi đó lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ Shinzo Abe chủ trương sửa đổi Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, tăng cường sức mạnh quân sự của nước này, có khả năng quay trở lại chiếc ghế Thủ tướng.

Ngày 10/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Hernandez tiếp tục tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp ở đây (biển Đông)”, “kết giao với một đồng minh mạnh hơn phù hợp với lợi ích của Philippines”.

Theo hãng Reuters, tuyên bố này ăn khớp với lời nói của Rosario. Theo một quan chức ngoại giao khác của Philippines, Philippines hoàn toàn không lo ngại về “lịch sử chủ nghĩa quân phiệt” của Nhật Bản như một số nước châu Á khác (ví dụ Trung Quốc…), “bởi vì, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã chứng minh họ là một nước dân chủ, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Trong tranh chấp biển Đông, Philippines là nước tích cực nhất trong việc tranh thủ “viện trợ nước ngoài”, trong khi đó Nhật Bản cũng tích cực hợp tác với các nước Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc, hy vọng cùng phối hợp trong vấn đề biển Đông và vấn đề đảo Senkaku – một vấn đề mà Nhật Bản chịu sức ép rất lớn từ phía Trung Quốc.

Nhật Bản nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới đối phó J-20 của Trung Quốc
Nhật Bản nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới đối phó J-20 của Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc ra sức tuyên truyền rằng, sở dĩ Nhật Bản gần đây áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku là do nội bộ Nhật Bản đang có xu hướng hữu khuynh/bảo thủ, thậm chí nói Nhật Bản đang tái “quân phiệt hóa”, tích cực tuyên truyền về “lịch sử xâm lược” trước đây của Nhật Bản, nhấn mạnh “mối đe dọa Nhật Bản”…Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng đây là cách tuyên truyền quy chụp khó hưởng ứng.

Trong cuộc tranh cử Hạ viện Nhật Bản lần này, cựu Thủ tướng Shinro Abe, lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản chủ trương sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ lệnh cấm Nhật Bản tham gia “phòng vệ tập thể”, cho phép Nhật Bản sử dụng vũ lực để bảo vệ đồng minh khi bị tấn công, nâng cấp Lực lượng Phòng vệ thành “quân chính quy” như một nước bình thường khác…

Trong khi đó, ông Shitaro Ishihara, lãnh đạo Đảng Mặt trời Nhật Bản vừa thành lập, cũng chủ trương sửa đổi Hiến pháp, sử dụng quyền tự vệ tập thể, nhanh chóng xây dựng “Luật cơ bản bảo đảm an ninh quốc gia”, áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc… Đài tiếng nói nước Nga cho rằng, cùng với những lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, tăng cường xuất khẩu quân sự ngày càng nhiều, “Nhật Bản bắt đầu rời xa hình tượng ‘quốc gia hòa bình’”.

Có phân tích cho rằng, do sự cởi mở hơn của người dân, con đường sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản sẽ nhanh hơn so với dự kiến. Khi còn tại vị, Shinzo Abe đã thông qua Luật bỏ phiếu quốc dân, mở đường cho sửa đổi Hiến pháp. Tiếp theo là cần đưa ra đề nghị với Hạ viện, được 2/3 số phiếu ủng hộ, cuối cùng là được 50% phiếu bầu của người dân tán thành.

Nhật Bản có thể bán tàu ngầm tiên tiến cho Việt Nam. Trong hình là tàu ngầm diesel lớp Soryu của Nhật Bản
Nhật Bản có thể bán tàu ngầm tiên tiến cho Việt Nam. Trong hình là tàu ngầm diesel lớp Soryu của Nhật Bản

Dư luận Trung Quốc “sợ” quân chính quy Nhật Bản

Ngô Hoài Trung, học giả Phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại rằng, nếu như một nước bình thường thì mong muốn lớn mạnh về quân sự là không đáng trách, nhưng đối với Nhật Bản lại là một “câu hỏi lớn”. Bởi vì, Nhật Bản “chưa thức tỉnh về lịch sử xâm lược”, “cần quân đội mạnh” để làm gì?”.

Ông dẫn chứng rằng, Thủ tướng Nhật Bản Noda không thừa nhận vấn đề tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ hai… Với sự “cả lo và lo xa” cho thiên hạ, Ngô Hoài Trung nhấn mạnh thêm: Môi trường chính trị ở Nhật Bản đang thay đổi, điều đó “không làm cho châu Á yên tâm”.

Trên thực tế, có lẽ, ông Ngô Hoài Trung đang lo ngại Nhật Bản áp dụng thái độ cứng rắn trong vấn đề đảo Senkaku, xây dựng quân đội mạnh, xuất khẩu vũ khí trang bị tiên tiến, tăng cường hỗ trợ các nước khác trong khu vực… thì Trung Quốc sẽ khó mà thực hiện được tham vọng chủ quyền vô lý trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Theo báo Trung Quốc, một khi Lực lượng Phòng vệ chuyển thành quân chính quy, Nhật Bản sẽ có tự do lớn hơn khi triển khai các hành động quân sự ở khu vực. Trên thực tế, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không thiếu vũ khí trang bị tiên tiến, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện có khoảng 50 tàu chiến mặt nước cỡ lớn, trong khi đó Trung Quốc chẳng qua cũng chỉ có hơn 70 chiếc (so với vùng duyên hải rộng lớn của nước này cộng với tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển Đông).

Các nguồn tin cho biết, Nhật Bản có hạm đội hải quân mạnh nhất châu Á.
Các nguồn tin cho biết, Nhật Bản có hạm đội hải quân mạnh nhất châu Á.

Những năm gần đây, hợp tác quân sự Philippines-Nhật Bản được tăng cường. Tháng 7/2012, Philippines và Nhật Bản đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự 5 năm, Nhật Bản đang cung cấp 12 tàu tuần tra cho Philippines, đồng thời viện trợ kinh tế cho Philippines. Không chỉ có vậy, Philippines cũng đang tích cực hợp tác với Mỹ, cho phép nhiều tàu chiến của Mỹ tới thăm Philippines và tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự liên hợp hơn.

Philippines muốn Mỹ mở rộng hiện diện quân sự

Ngày 10/12, Soreta, quan chức cấp cao của Philippines phụ trách quan hệ Philippines-Mỹ cho biết, trong 2 ngày 11-12/12/2012, tại Manila, Philippines và Mỹ tổ chức đối thoại chiến lược song phương, tập trung thảo luận về vấn đề mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines.

Cuộc đối thoại chiến lược này do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách công tác chính sách Philippines, ông Bazilio, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Battino cùng với Trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ Campbell, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lippert đồng chủ trì.

Hai bên bàn thảo các vấn đề rộng rãi như quan hệ kinh tế, tăng trưởng mang tính bao dung, cải cách tư pháp, xây dựng khả năng chấp pháp, an ninh trên biển, hợp tác quốc phòng và các vấn đề khu vực, toàn cầu.

Theo Soreta, vấn đề quan trọng nhất của đối thoại là mở rộng sự “hiện diện luân phiên” của quân Mỹ tại Philippines, nghĩa là quân Mỹ có thể triển khai huấn luyện và diễn tập ở Philippines. Nhưng, ông nói, cuộc đối thoại “không liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông”.

Tháng 4/2012, Mỹ-Philippines diễn tập quân sự liên hợp trên biển Đông.
Tháng 4/2012, Mỹ-Philippines diễn tập quân sự liên hợp trên biển Đông.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario cho biết, tại cuộc đối  thoại lần này, Mỹ và Philippines tiếp tục chia sẻ quan điểm về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu “phản ánh quan điểm giá trị chung và lợi ích chung”.

Ông Rosario đặc biệt nhấn mạnh đến đối thoại chiến lược song phương lần 2 tháng 1/2012, tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao (2+2) tháng 4/2012 và chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino tháng 6/2012, nhấn mạnh quan hệ Philippines-Mỹ năm 2012 được “đẩy nhanh, đi vào chiều sâu”.

Theo ông Rosario, mối quan hệ đối tác với Mỹ có tầm quan trọng chiến lược đối với Philippines, đặc biệt là hiện nay Philippines cần phải ứng phó với rất nhiều thách thức như thiên tai, tranh chấp trên biển.

Ấn Độ muốn bảo vệ "lợi ích quốc gia" ở biển Đông

Tờ “Minh báo” Hồng Kông cho rằng, biển Đông lại đang “gợn sóng”. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc D. K. Joshi vừa tuyên bố, mặc dù Ấn Độ không có chủ quyền trực tiếp ở biển Đông, nhưng ông lo ngại tự do hàng hải ở biển Đông, “trong trường hợp cần thiết có liên quan đến lợi ích quốc gia, chúng tôi sẽ đến đó, hơn nữa, chúng tôi đã chuẩn bị tốt cho điều này”.

Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Ấn Độ, cho biết Mỹ có thể bán máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng chiến đấu tiên tiến cho Ấn Độ. Panetta ca ngợi Ấn Độ đang đóng “vai trò quan trọng” trong chiến lược châu Á của Mỹ, đồng thời cho biết Mỹ-Ấn cần đi sâu hợp tác quốc phòng và an ninh.

Tàu ngầm hạt nhân Chakra-II của Ấn Độ (thuê của Nga) từng lặng lẽ di chuyển dưới lòng biển Đông.
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-II của Ấn Độ (thuê của Nga) từng lặng lẽ di chuyển dưới lòng biển Đông.

Báo Hồng Kông cho rằng, sở dĩ tranh chấp chủ quyền biển Đông nóng lên, Philippines “dũng mãnh” trong tranh chấp bãi cạn Scarborough là do có Mỹ “chống lưng”. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ nói “khi cần thiết sẽ đến” biển Đông là có liên quan đến việc Ấn Độ đang hỗ trợ đối tác ở ĐNÁ thăm dò mỏ dầu khí ở biển Đông.

Bài báo cho rằng, tình hình biển Đông phức tạp hơn biển Hoa Đông. Biển Hoa Đông chỉ có 3 nước Trung-Nhật-Mỹ; còn biển Đông có Philippines, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trung Quốc luôn đòi giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng đàm phán song phương trên thế mạnh, nhưng các “đối thủ” của Trung Quốc có xu hướng tìm cách giải quyết đa phương, đây là điều mà Trung Quốc không mong muốn. Do đó, độ khó giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông.

Tờ “Tân báo” Hồng Kông dẫn bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hormats tại Hồng Kông cho biết, trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục quan hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cố gắng thúc đẩy thực hiện chiến lược “tái cân bằng”. Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ với Indonesia trên cương vị Chủ tịch luân phiên APEC vào năm 2013, đồng thời hy vọng giữa Ấn Độ và Đông Nam Á xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn.

Mỹ muốn tăng cường hợp tác với Indonesia và Ấn Độ; nếu tranh thủ được Indonesia – nước chủ tịch luân phiên APEC 2013 vào mặt trận của mình, sẽ có ý nghĩa to lớn đối với Mỹ; trong khi đó, Mỹ đã lôi kéo thành công Nhật Bản vào mặt trận của họ, một khi Ấn Độ gia nhập thì sẽ tăng lớn sức ép cho Trung Quốc.

Tư lệnh Hải quân Ấn Độ D.K. Joshi tuyên bố, Ấn Độ có thể điều tàu chiến đển biển Đông bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ D.K. Joshi tuyên bố, Ấn Độ có thể điều tàu chiến đển biển Đông bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tham vọng chủ quyền, Trung Quốc sẽ bị cô lập

Báo Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho biết, ngày 5/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba bất ngờ tuyên bố, hy vọng sớm mở lại đàm phán thỏa thuận nghề cá giữa Nhật Bản và Đài Loan về việc tàu cá Đài Loan đánh bắt cá ở khu vực xung quanh đảo Senkaku.

Theo tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản, mục đích của hành động này là để “ngăn chặn Trung Quốc và Đài Loan hợp tác đối phó với Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku”. Trước đó, chuyên gia ngoại giao Nhật Bản cũng đề nghị, phá vỡ khả năng hợp tác chống Nhật giữa Trung-Đài, đồng thời đoàn kết với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Dư luận Nhật Bản cũng tích cực kêu gọi liên kết hợp tác với các nước khác để chống lại ý đồ của Trung Quốc. Takeshi Yuzawa, phó giáo sư ban giáo dục toàn cầu, Đại học Chính trị-Pháp luật Nhật Bản nhấn mạnh, trong tương lai phải tăng cường và duy trì nghiêm túc đồng minh Nhật-Mỹ.

Ông nói, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gấp đôi Nhật Bản, khoảng cách này sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã nảy sinh ý thức nước lớn, hành động sẽ cực đoan hơn. Ngoài ra, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc còn muốn khai thác tài nguyên biển. Điều này sẽ làm cho Trung Quốc gây mâu thuẫn với không chỉ Nhật Bản mà cả với các nước Đông Nam Á.

Mỹ đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược "tái cân bằng" tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuyên bố đưa 60% tàu chiến đến Thái Bình Dương. Chỉ riêng ở Nhật Bản, Mỹ đã triển khai thực tế và tuyên bố sẽ triển khai nhiều loại vũ khí trang bị tiên tiến nhất của họ như máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35, máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon; Mỹ-Nhật nhất trí triển khai radar cảnh báo sớm tên lửa tầm xa X-band ở miền nam Nhật Bản...
Mỹ đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược "tái cân bằng" tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tuyên bố đưa 60% tàu chiến đến Thái Bình Dương. Chỉ riêng ở Nhật Bản, Mỹ đã triển khai thực tế và tuyên bố sẽ triển khai nhiều loại vũ khí trang bị tiên tiến nhất của họ như máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35, máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon; Mỹ-Nhật nhất trí triển khai radar cảnh báo sớm tên lửa tầm xa X-band ở miền nam Nhật Bản...

Các nước châu Á khác cũng cho rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ là nền tảng để bảo vệ trật tự khu vực hiện có. Để răn đe lực lượng quân sự của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, cần duy trì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, điều này đòi hỏi có sự ổn định của đồng minh Nhật-Mỹ.

Takeshi Yuzawa chỉ ra, cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đã đưa ra ý tưởng “Cộng đồng Đông Á”. Bản thân ý tưởng này đáng được đánh giá tích cực, nhưng khái niệm quá mơ hồ, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, chẳng hạn xuất hiện “thuyết tam giác đều Nhật-Mỹ-Trung”, muốn Nhật Bản, Trung Quốc duy trì quan hệ bình đẳng với Mỹ. Điều này phát tín hiệu với Mỹ là Nhật muốn “rời xa Mỹ”, gây nghi ngờ về phương hướng ngoại giao của Nhật Bản, khiến Mỹ lo ngại: “Rốt cuộc Nhật Bản đang nghĩ gì?”.

Về việc ứng phó với Trung Quốc, Takeshi Yuzawa kiến nghị, phải kết hợp giữa “đối thoại” với “răn đe”. “Răn đe” ở đây là, để duy trì cân bằng quân sự, cần triển khai huấn luyện liên hợp Nhật-Mỹ, thiết thực tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ. Đồng thời triển khai đối thoại để giảm căng thẳng quan hệ Nhật-Trung trong vấn đề đảo Senkaku.

Ngoài ra, để Trung Quốc hòa nhập vào cộng đồng quốc tế với tính cách là một nước lớn có trách nhiệm, cần phải thúc đẩy Trung Quốc gia nhập quá trình xây dựng quy tắc trong các lĩnh vực như giải quyết hòa bình xung đột và khai thác tài nguyên. Hiện nay, ngày càng nhiều nước lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, như Australia, Philippines, Indonesia… Nhật Bản cần chủ đạo triển khai hợp tác với các nước này, thông qua các khuôn khổ đa phương để xây dựng quy tắc, để Trung Quốc gia nhập vào trong đó. Điều này rất quan trọng.

Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào "khuôn khổ". Trong hình là biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trên biển, không chỉ về quân sự mà cả về dân sự; nguyên tắc "chủ quyền" (lợi ích cốt lõi) không nhượng bộ và tham vọng hiện thực hóa "đường lưỡi bò" bất hợp pháp đang làm khuấy động các vùng biển ở khu vực.
Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào "khuôn khổ". Trong hình là biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trên biển, không chỉ về quân sự mà cả về dân sự; nguyên tắc "chủ quyền" (lợi ích cốt lõi) không nhượng bộ và tham vọng hiện thực hóa "đường lưỡi bò" bất hợp pháp đang làm khuấy động các vùng biển ở khu vực.

Gần đây, Nhật Bản cũng tích cực tận dụng các diễn đàn, hội nghị quốc tế như Liên Hợp Quốc, hội nghị ASEM 9 tại Lào… để khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát thực tế của họ đối với nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc đã luôn tìm mọi cách để các hội nghị quốc tế trong khu vực hạn chế bàn tới các vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông, biển Đông, vì họ luôn sợ “phức tạp hóa” vấn đề, muốn đàm phán song phương “một chọi một” với từng nước.

Trung Quốc tỏ ra không “hứng thú” lắm với việc đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý. Trung Quốc tuyên bố, họ thực hiện nguyên tắc “dần dần từng bước” (tuần tự tiệm tiến) trên biển Đông để hiện thực hóa tham vọng “đường 9 đoạn/đường lưỡi bò”.

Một số nguồn tin cho biết, Nhật Bản có thể cung cấp tàu nổi, tàu ngầm tiên tiến… cho các nước khác. Gần đây, Nhật Bản cũng tích cực “can dự” quân sự ở nước ngoài như tham gia hỗ trợ hậu cần quân sự cho Mỹ, đồng thời tích cực viện trợ quân sự và tổ chức các cuộc diễn tập quân sự liên hợp với các nước trong khu vực.

Việt Dũng