Thấy gì qua án tử hình Dương Chí Dũng

17/12/2013 07:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Chiều 16/12, TAND TP Hà Nội đã chính thức tuyên phạt Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mức án tử hình trong phiên tòa xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ở Vinalines”. Phiên tòa này để lại bài học gì cho các cơ quan quản lý của nhà nước? Ngay sau khi Tòa tuyên án, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi nhanh với một số cựu quan chức và ĐBQH về những đánh giá xung quanh vụ án này.

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Đây là bài học lớn cho công tác quản lý vốn của nhà nước”

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

Tôi không thấy bất ngờ với thông tin này, nhưng như tôi đã nói tuyên án tử hình Dương Chí Dũng chỉ giải quyết được một mặt là xử án thôi, còn việc phải làm rõ trách nghiệm của cá nhân và tổ chức liên quan thì chưa rõ, mà đây lại là điểm rất quan trọng để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước.

Mức án này sẽ là bài học cho nhiều người đang giữ các chức vụ quan trọng ở doanh nghiệp nhà nước, lòng tham không đáy, không biết đâu là điểm dừng thì sớm muộn gì cũng phải gánh lấy hậu quả nặng nề nhất.

Qua vụ việc này, chúng ta cũng thấy rằng, công tác quản lý vốn nhà nước vẫn còn có những chỗ dễ quá, cho nên Dương Chí Dũng mới tham ô được hàng chục tỷ đồng như vậy.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ: “Phải làm rõ ai đã báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn”

Tôi chẳng vui thích gì khi nghe tin tòa tuyên hai án tử hình. Sinh mạng, cuộc sống là thứ quý giá nhất của mỗi con người, tiền bạc đâu có thể đánh đổi được. Họ phạm tội thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng họ chết đi rồi vẫn còn để lại những nỗi buồn cho vợ con, gia đình và cả dòng họ nữa chứ.

Kể cả khi không bị tuyên án tử hình thì sinh mệnh chính trị coi như cũng đã chết rồi. Phải chi trước khi dấn thân vào những sai lầm họ nghĩ tới những điều ấy? Và như vậy, đây là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác có tư tưởng tham lam như Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ. Ảnh: Ngọc Quang.

Tôi nghĩ rằng nhìn ở góc độ chống tham nhũng thì việc các cơ quan công quyền quyết tâm đưa vụ việc này ra xét xử (và nhiều vụ việc khác nữa) cũng là nhân văn. Điều đó sẽ ngăn chặn những sai lầm lớn hơn nữa mà những người đó có thể tiếp tục mắc phải, thậm chí có những trường hợp phải xử mức án cao nhất là tử hình thì mới đủ sức răn đe những kẻ khác.

Tôi cũng mong rằng, sau khi xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, cơ quan chức năng phải tiếp tục làm rõ có ai bao che cho Dương Chí Dũng không? Ai đã góp phần làm cho sai phạm của Dương Chí Dũng ngày càng phình to ra? Và đặc biệt, cần phải làm rõ: Ai đã báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn? Quyết định khởi tố, bắt giam Dương Chí Dũng lúc đầu còn trong vòng bí mật, vậy tại sao lại bị lộ? Cần phải quyết tâm làm rõ để giữ gìn sự nghiêm minh của hệ thống các cơ quan công quyền, và đây cũng chính là việc cần phải làm để giữ vững niềm tin của nhân dân.

Những người có liên quan tới sai phạm của Dương Chí Dũng (kể cả đã nghỉ hưu) cũng cần phải được xem xét trách nhiệm, cho dù không bị xử lý hình sự thì cũng cần phải có kiểm điểm, cảnh cáo, nhắc nhở… ở tổ chức, chứ không thể coi như “hòa cả làng”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: “Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước được trao quyền lớn quá”

Mức án này thể hiện sự công tâm của tòa án, tôi nghĩ cũng phải có những mức án nghiêm khắc như vậy thì mới thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật. Như điều quan trọng nhất là từ vụ việc này sẽ rút ra được những bài học vô cùng quý giá trong công tác quản lý vốn của nhà nước.

Rõ ràng, Dương Chí Dũng và đồng phạm đã làm sai quy trình, tự ý chi hàng triệu đô la vào các hợp đồng, dự án… để rút tiền chia nhau mà không bị phát hiện. Điều đó cho thấy cần phải siết lại quyền của những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, và phải tăng cường “tiền kiểm” – “hậu kiểm”, nếu không làm đúng theo quy trình thì kiên quyết không cấp vốn cho các dự án đó.

Chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao có tham nhũng ở các doanh nghiệp nhà nước còn tư nhân thì không? Đơn giản là vì tư nhân họ kiểm soát tốt, còn nhà nước thì quá dễ dãi. Nếu chúng ta tiếp tục dễ dãi như vậy thì nhà nước, nhân dân sẽ còn tiếp tục mất tiền, không biết đến bao giờ mới ngăn chặn được.

Ngọc Quang