Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tự chấm mình 8 điểm

14/11/2012 10:21
Theo Lao động
“Tôi chỉ xin nhận mình 8 điểm” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói vui. Cả phiên chất vấn, cho thấy ông “kiên định” với sự điều hành của mình trong sự hài lòng tự thân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ĐBQH và cử tri đều hài lòng.
Vàng: Nghị quyết không to bằng nghị định
Câu chuyện SJC được ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết chất vấn kèm theo cụm từ “lợi ích nhóm”: Vì sao cơ chế quản lý kinh doanh vàng miếng chưa đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới? Vì sao không tập trung quản lý chất lượng vàng lại quản lý bằng nhãn hiệu (SJC) và “có vấn đề lợi ích nhóm không?”.

Bên ngoài thị trường, giá vàng SJC cao hơn các thương hiệu khác cả triệu đồng/lượng, bên trong nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự cho mình 8 điểm. Ảnh: GIANG HUY
Bên ngoài thị trường, giá vàng SJC cao hơn các thương hiệu khác cả triệu đồng/lượng, bên trong nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự cho mình 8 điểm.     Ảnh: GIANG HUY
Thực sự hùng biện, Thống đốc nêu ra hàng loạt con số “10-13 tấn vàng được buôn lậu qua biên giới mỗi năm”, “12.000 cửa hàng bán vàng như loại hàng hóa bình thường”. Ông còn nói tới việc “Ngoại tệ từ mồ hôi được phục vụ cho buôn lậu vàng”. Và đây chính là nguyên nhân của việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.
Nếu có một tuyên bố bản chất nhất của câu chuyện vàng, thì đó là khẳng định của Thống đốc: “Thực tế giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới. Nhà nước không cấm, nhưng đây là hình thức kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích và không phải bình ổn”. Về vấn đề thương hiệu độc quyền SJC, Thống đốc cho biết do SJC đang “chiếm hơn 90% thị trường” và “cần chuẩn hóa về một loại vàng”.
Đỉnh điểm của phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết bức xúc: “Ông đừng nghĩ dân không biết gì”. Ông Tuyết sau đó trích dẫn 2 bản nghị quyết, trong đó có nghị quyết mà QH vừa thông qua nói rõ chữ “liên thông” (với thị trường thế giới) và đảm bảo quyền lợi của người dân để thẳng thừng chất vấn thống đốc có tuân thủ NQ của QH hay không?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình mỉm cười, nói: “Chính vì thực hiện NQ 2011 của QH nên  NHNN phải cho nhập 15 tấn vàng vào quý IV/2011. Giai đoạn đó chúng tôi xây dựng gần xong NĐ 24. Sau đó, chúng tôi kiên quyết không cho nhập một kilôgram vàng nào nữa. Việc đã làm không còn ý nghĩa thực tiễn nữa. Môi trường pháp lý đã thay đổi. Nghị quyết lần này có nói nhưng chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ đã có ý kiến với nội dung này trong dự thảo nghị quyết QH.

Cuối giờ chiều, Ủy viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia Trần Du Lịch trích dẫn NĐ 42 phát biểu: Với những gì Thống đốc trả lời, NHNN dường như muốn tiêu diệt chứ không phải bình ổn thị trường.
Cơ thể đang co giật
Việc đóng mở “chiếc van” nguồn vốn hôm qua cũng là một trong những chủ đề được chất vấn, thậm chí có phần gay gắt.
Câu hỏi lớn nhất là “tiền đâu” đã được ĐBQH Đàm Thị Hương đặt ra. Bà Hương phân tích “tăng trưởng huy động của hệ thống đạt khoảng 14%, trong khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ được khoảng 3,36%. Vậy thì tiền đi đâu?
Theo Thống đốc, 14% quy tiền khoảng 400.000 tỉ đồng. Ông giải thích: Tăng trưởng tín dụng 3,36%, tương đương 80.000 tỉ. Ngân hàng mua  183.000 tỉ trái phiếu Chính phủ. Cộng lại là khoảng 260.000 - 270.000 tỉ đồng. NHNN còn phải hút khoảng 30.000 tỉ về vì sợ lãi suất xuống thấp. 
Một nguồn khác, hiện tổng số tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại NHNN vào khoảng 100.000 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 50.000 tỉ đồng là dự trữ bắt buộc và khoảng 50.000 tỉ đồng là “dư thừa chưa cho vay ra được”. Cộng tất cả các khoản trên, khoảng 360.000 tỉ đồng. 40.000 tỉ còn lại là tiền đảm bảo thanh toán, tiền quỹ của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng còn dư 50.000 tỉ và “đốt đuốc đi tìm DN” là một sự thật, trong khi cũng tồn tại một sự thật khác là DN vẫn kêu ca không tiếp cận được vốn.
Bên ngoài thị trường, giá vàng SJC cao hơn các thương hiệu khác cả triệu đồng/lượng, bên trong nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự cho mình 8 điểm. Ảnh: GIANG HUY
Bên ngoài thị trường, giá vàng SJC cao hơn các thương hiệu khác cả triệu đồng/lượng, bên trong nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự cho mình 8 điểm.     Ảnh: GIANG HUY

ĐB Trần Du Lịch sau đó nhận xét: Các biện pháp siết tín dụng làm nền kinh tế thiếu máu. Ông Lịch dùng hình ảnh: Nếu cơ thể 1 ngày cần 1 lít nước mà chúng ta chỉ cho 100cc thì làm sao không co giật được. “Ở đây có trách nhiệm của điều hành” - ông Lịch kết luận.
Có “lợi ích nhóm”.

Hôm qua, có tới 5 chất vấn hỏi về “lợi ích nhóm”. Trước QH, Thống đốc khẳng định “Có lợi ích nhóm” trong các tổ chức tín dụng. “Ngân hàng chỉ một vài ông quyết định hết các khoản vay. Có lợi ích nhóm. Chúng tôi đã tổ chức thanh tra tại 27 tổ chức tín dụng - lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều tổ chức bị chi phối bởi nhóm cổ đông. Nợ xấu của một số khách hàng chiếm phần lớn trong nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có khi lên đến 90%. Nhóm khách hàng này liên quan đến BĐS làm tỉ lệ nợ xấu nhóm khách hàng gia tăng, tổ chức tín dụng cùng thua lỗ”. 

Theo Lao động