Thu phí ôtô vào trung tâm thành phố: giảm 40% ùn tắc giao thông?

18/07/2011 00:30
Khi phương án thu phí ôtô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh được triển khai, sẽ góp phần kéo giảm khoảng 16% tỉ lệ sử dụng ôtô cá nhân (cả taxi) vào trung tâm...
Ông Lâm Thiếu Quân, tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) – đơn vị được UBND TP.HCM giao nghiên cứu đề án thu phí ôtô vào trung tâm – cho biết, khi phương án thu phí ôtô vào trung tâm được triển khai, sẽ góp phần kéo giảm khoảng 16% tỉ lệ sử dụng ôtô cá nhân (cả taxi) vào trung tâm.
Theo ý kiến nhiều người, việc thu phí ôtô vào trung tâm thành phố không giảm được tỉ lệ sử dụng ôtô cá nhân. Ảnh: Đào Lê
 
Đặc biệt, việc này sẽ kéo giảm ùn tắc giao thông khoảng 40% cho các trục đường chính nối với trung tâm có lưu lượng xe cao.
Tuy nhiên, theo PGS - TS Phạm Xuân Mai, trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, trường đại học Bách khoa TP.HCM, đó mới là kết quả nghiên cứu trên lý thuyết, cần phải kiểm chứng trên thực tế trước khi tiến hành thu phí chính thức. Ở đây ai cũng nhìn thấy rõ việc thu phí - đánh vào túi tiền - là nhằm hạn chế người dân sử dụng ôtô đi vào khu vực trung tâm.
Thế nhưng thực tế, người đi ôtô ở TP.HCM đa số là người có thu nhập cao, người giàu nên họ sẵn sàng trả 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng tiền phí, do đó rất khó thay đổi hành vi của họ. Nếu không tính toán cụ thể sẽ rất dễ rơi vào tình trạng thu cứ thu mà kẹt xe cứ kẹt.
Nếu người dân không được giải thích mục đích của thu phí là kéo giảm kẹt xe và lấy tiền đầu tư cho các hệ thống phương tiện công cộng, họ sẽ phản ứng.
Mặt khác, các cổng thu phí chỉ được gắn ở một số trục đường lớn dẫn vào khu vực trung tâm, mà tâm lý của nhiều tài xế là né được trạm nào thì đỡ được trạm đó, nên những tuyến đường nhỏ, hẻm dẫn vào khu vực trung tâm sẽ bị xe né trạm hoành hành.
Đặc biệt, chủ đầu tư cho rằng khi phát hiện xe né trạm sẽ có lực lượng CSGT xử phạt nghiêm là rất khó khả thi. Bởi CSGT chỉ được thực hiện theo đúng những gì pháp luật quy định và không thể có việc một đơn vị tư nhân lại điều hành hoạt động của CSGT.
Dự kiến thu phí từ quý 2.2012
Ông Lâm Thiếu Quân cho hay, nếu kết quả nghiên cứu khả thi được phê duyệt, khoảng quý 2.2012, ôtô vào trung tâm thành phố sẽ phải đóng phí. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 700 tỉ đồng và phương án đầu tư ITD đề nghị là triển khai theo hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh). Vùng thu phí được xác định khép kín ở một số tuyến đường chính thuộc khu vực quận 1, quận 3, gồm các tuyến đường Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Bến Chương Dương - Tôn Đức Thắng - các tuyến đường ôm theo kênh Thị Nghè, đổ về Công trường Dân Chủ - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ.
Từ những lo ngại trên, ông Mai đề nghị, nhất thiết phải thử nghiệm hệ thống thu phí trong thời gian tối thiểu ba tháng. Trong thời gian này cần thành lập một tổ đánh giá khách quan (sở Khoa học công nghệ) để xem số lượng các vụ ùn tắc có thực sự giảm đúng như mục tiêu mà đơn vị tư vấn đã đề ra.
Đại biểu HĐNDTP Võ Văn Sen cho rằng đây là một cách làm chắp vá. Việc đơn vị được giao nghiên cứu dự án nói là sẽ kéo giảm 40% việc tắc nghẽn giao thông trên những tuyến đường chính trong hai quận 1 và 3 là không khả thi, và cũng không giảm được tỉ lệ sử dụng ôtô cá nhân. Bởi vì nhu cầu đi lại bằng phương tiện này của người dân thành phố là rất lớn.
Bên cạnh đó, TP.HCM là một thành phố liên thông, muốn giải tỏa lưu lượng xe trong quận 1, 3 thì nên xây dựng nhiều khu phố đi bộ và hạn chế bãi đậu xe trên đường, chắc chắn lượng xe sẽ bớt. Việc thu phí không phải là biện pháp cần thiết. Theo ông Sen, chúng ta tăng thu, nhưng phải tăng thu một cách hợp lý và tăng thu ở những chỗ khác.
{iarelatednews articleid='5434'}
Theo ĐÀO LÊ - ĐOÀN QUÝ/Sài Gòn Tiếp thị